Từ điệu hát, đường thêu, hiểu thêm về người Dao "quần trắng"

(PLO) - Trong dòng chảy hội nhập, xã Lang Quán (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) với phần đông dân số là đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang dần chuyển mình từ một xã nghèo, khó khăn, lạc hậu để thành một xã ven đô hiện đại. Điều đáng quý là nơi đây vẫn lưu giữ nguyên vẹn những nét đẹp văn hóa truyền thống, những phong tục cổ truyền bao đời nay đã làm nên bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào.
Một góc bản làng yên bình ở xã Lang Quán
Một góc bản làng yên bình ở xã Lang Quán

Giữ gìn tinh hoa văn hóa cho đời sau

Theo chân Trưởng thôn Bàn Văn Tiếp, chúng tôi về thôn 14 xã Lang Quán trong một ngày đầu xuân nắng đẹp. Vừa đi ông Tiếp vừa tranh thủ giới thiệu về thôn, xã mình. Hiện trên địa bàn xã Lang Quán có 6 dân tộc anh em cùng chung sống: Kinh, Tày, Dao quần trắng, Cao Lan, Mông, Dao đỏ; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 60%.

Tại thôn 14 dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, nơi đây còn giữ được nhiều phong tục cổ truyền và bà con cũng rất chú trọng đến việc bảo tồn văn hóa.

Khi chúng tôi đến nhà bà Bàn Thị Nhặt, bà cụ 73 tuổi đang ngồi ở đầu hè chỉ bảo cháu gái và mấy người hàng xóm thêu thùa. Bà Nhặt cho biết, so với các kiểu thêu váy, thêu áo, thêu khăn… thì thêu yếm của người Dao quần trắng là khó nhất. 

Hỏi vì sao lại gọi là Dao quần trắng, bà giải thích: “Theo phong tục, người phụ nữ dân tộc Dao trước kia chỉ được xem như con trâu, con ngựa trong nhà, lúc còn nhỏ người con gái cặm cụi lao động ở nhà đẻ, khi được cưới hỏi về nhà chồng thì lầm lũi hết làm ruộng lại se lanh dệt vải, rồi chăn trâu, kiếm củi, công việc vất vả “đầu tắt mặt tối”, “chân lấm tay bùn” chẳng lúc nào được ngơi nghỉ nên quần áo của họ quanh năm nhuộm màu chàm lam lũ.

Chỉ vào dịp quan trọng như tết nhất, hội hè hoặc vào dịp trọng đại nhất của cuộc đời như ngày cưới họ mới được mặc quần trắng, váy mới về nhà chồng. Chính vì nét văn hóa độc đáo này mà dân tộc họ được gọi là Dao quần trắng để phân biệt với Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao áo dài…”.

Bà Bàn Thị Nhặt dạy cháu gái thêu yếm trong trang phục truyền thống
Bà Bàn Thị Nhặt dạy cháu gái thêu yếm trong trang phục truyền thống

Bà Nhặt cười “đính chính” thêm: “Nhưng đó là chuyện ngày xưa rồi, chứ thực ra phụ nữ dân tộc chúng tôi bây giờ bình đẳng, sung sướng lắm. Tuy vậy, họ vẫn chỉ mặc quần trắng và váy áo truyền thống trong những dịp lễ trọng, hội hè, đình đám. Chứ trong lao động, sinh hoạt ngày thường mọi người mặc quần áo cho nó tiện”.

Vừa tiếp chuyện khách, bà Nhặt vừa thoăn thoắt hướng dẫn cháu từng đường kim mũi chỉ thêu chiếc yếm của bộ váy áo truyền thống dân tộc mình.

Bà cho biết, trang phục của người phụ nữ Dao khá phức tạp, bao gồm: áo, yếm, xà cạp, khăn vấn đầu; trong đó quan trọng, cầu kỳ nhất là chiếc yếm thêu. Vậy nên ngay từ nhỏ, các bé gái Dao đã được bà, mẹ dạy thêu thùa để có thể tự thêu yếm, may váy cho mình.

Chiếc yếm thêu là niềm kiêu hãnh của các thiếu nữ, ngay cả trong thời hiện đại, người ta vẫn không đánh giá phẩm chất của người con gái qua điện thoại di động sành điệu, trang sức vàng bạc đắt tiền mà qua đường nét thêu thùa trên chiếc váy truyền thống cô ấy mặc.

Theo bà Nhặt, nhìn vào chiếc yếm của một thiếu nữ, bà mẹ Dao kén dâu có thể đánh giá được cô gái đó có đủ phẩm chất để trở thành người dâu thảo, vợ hiền, người mẹ tốt hay không? Đường kim mũi chỉ không chỉ thể hiện sự khéo léo, sự kiên trì, sự tỉ mỉ mà còn nói lên phẩm chất nhẫn nại, biết thu vén của người phụ nữ. 

Cùng với trang phục, người phụ nữ Dao còn dùng kèm nhiều phụ kiện trang sức thủ công làm bằng vàng, bạc... Trang phục của nam giới thì đơn giản hơn: áo ngắn xẻ ngực, cài 5 cúc. Quần rất rộng đũng, có thể cử động trong mọi tư thế.

Cả nam, nữ và trẻ con người Dao đều thích đeo trang sức như vòng cổ, chân, tay. Ngoài việc làm đẹp thì chúng còn mang giá trị nhân văn, tín ngưỡng để trừ tà ma, tránh gió và thậm chí là được thần linh phù hộ cho sức mạnh, sự thông minh.

Ông Bàn Văn Hoạch (52 tuổi, thôn Đồng Non) cho biết, người Dao có nhiều tín ngưỡng về thần linh, ma quỷ, đặc biệt họ có những tri thức dân gian rất phong phú, nhất là trong lĩnh vực y học dân tộc cổ truyền.

Hiện trong xã có những bà lang, ông lang vườn giữ nhiều bài thuốc bí truyền quý hiếm, không chỉ phục vụ việc chữa bệnh cho người trong gia đình và địa phương mà còn giúp được nhiều người bệnh phương xa tìm đến.

Một buổi sinh hoạt câu lạc bộ hát then
Một buổi sinh hoạt câu lạc bộ hát then

Tích cực chung tay vào việc bảo tồn

Đến xã Lang Quán, nhiều người ngạc nhiên lẫn thú vị khi thấy nhiều ngôi nhà cao tầng hiện đại mọc lên xen lẫn nhà sàn truyền thống lợp lá cọ. Và càng thú vị hơn khi nhận ra ở đây từ các em nhỏ đến người lớn đều biết hát, biết múa những điệu truyền thống hay ham thích thêu thùa.  

Chủ tịch xã Lang Quán Nguyễn Duy Chung cho biết, trước nguy các cơ bài hát, điệu múa cùng các loại nhạc cụ, chữ viết, tiếng nói… của những dân tộc thiểu số bị mai một, năm 2010 Ban Văn hóa xã Lang Quán đã xây dựng mô hình Câu lạc bộ “Bảo tồn văn hóa các dân tộc”. Đến nay sau hơn 2 năm hoạt động, câu lạc bộ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân.

Câu lạc bộ “Bảo tồn văn hóa các dân tộc” xã Lang Quán ban đầu được thành lập với 25 thành viên, hoạt động rất sôi nổi. Các thành viên của câu lạc bộ đóng vai trò là tuyên truyền viên, vận động những người trong dân tộc mình tham gia sinh hoạt.

Tùy theo bản sắc văn hóa của dân tộc mình, các nhóm tổ chức sinh hoạt theo các chủ đề lựa chọn, như học hát các làn điệu giao duyên của dân tộc Mông, học đánh đàn tính, hát then của dân tộc Tày, múa khèn, may thêu trang phục của dân tộc Dao...

Nếu như người Dao gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình qua điệu hát, đường thêu, các phong tục cưới hỏi thì người Tày cũng giữ gìn, phát triển văn hóa của dân tộc mình bằng cách truyền dạy các làn điệu then, đàn tính.

Ông Hoàng Đình Thảo, trưởng nhóm sinh hoạt của người Tày luôn trăn trở làm sao để ngày càng thu hút thêm được nhiều người tham gia câu lạc bộ hơn nữa. Ông cũng luôn ấp ủ mong muốn sẽ thành lập được câu lạc bộ hát then và đàn tính của xã để ngày càng nhiều hơn nữa những con em Tày biết yêu và giữ gìn những điệu hát then đặc sắc của dân tộc mình.

Với sự vào cuộc hăng say, sôi nổi của người dân, lại được sự quan tâm của chính quyền, hy vọng rằng việc bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống ở Lang Quán sẽ mang lại hiệu quả tốt.

Đọc thêm