Tự hào thành phố Festival Hoa của Việt Nam

(PLO) - Những ngày cuối năm 2013, thành phố Đà Lạt vốn trầm mặc bỗng trở nên sôi động lạ thường khi hàng trăm nghìn lượt du khách đổ về tham dự Festival hoa lần thứ V. Thế nhưng, có mấy ai hiểu được những bước thăng trầm của Đà Lạt từ một làng hoa nhỏ bé đến Thành phố Festival hoa đáng tự hào của Việt Nam như hôm nay…
Lễ khai mạc Tuần Văn hóa du lịch
Lễ khai mạc Tuần Văn hóa du lịch
Hoa Bắc hội tụ ở thành phố mờ sương
Cho tới bây giờ, lịch sử vẫn chưa quên: Năm 1989, một Trạm nông nghiệp và khí tượng được người Pháp cho thiết lập tại Đan Kia (cách Đà Lạt 20km về phía bắc) để trồng thử nghiệm một số giống hoa như: Hồng, cúc, bóng nước, sen cạn, thược dược, bất tử, coquelicot, For get me not… Không ngờ thiên nhiên ưu đãi, các giống hoa phát triển khá tươi tốt. 
Năm 1936, ông Quản đạo Trần Văn Lý đã bàn bạc với các ông Hoàng Trọng Phu, Lê Văn Định và một vài viên chức có thế lực can thiệp với Toàn quyền Đông Dương nhằm thực hiện một cuộc di dân từ miền Bắc vào đây. Sau đó, nhóm cư dân đầu tiên gồm 33 người giỏi nghề trồng rau, hoa thuộc các làng Ngọc Hà, Quảng Bá, Nghi Tàm, Xuân Tảo, Tây Tựu và Vạn Phúc của tỉnh Hà Đông (Hà Nội ngày nay) được đưa vào Đà Lạt nhằm khai khẩn đất hoang trồng rau, hoa để cung cấp cho thành phố. Từ đó hình thành nên làng hoa đầu tiên của Đà Lạt: Làng hoa Hà Đông. Cùng với sự phát triển của thành phố và cư dân, sau đó các làng hoa nối tiếp nhau ra đời như: Vạn Thành, Thái Phiên... 
Thương hiệu hoa vươn ra thế giới
Ít ai ngờ rằng từ một vài luống hoa: hồng, cúc, glaieul buổi sơ đầu, đến cuối năm 2013 Đà Lạt và vùng phụ cận đã có trên 6.290ha, chủ yếu tập trung ở TP.Đà Lạt (3.950ha), Đức Trọng (1.005ha). Đà Lạt hiện có trên 400 loài hoa với hàng ngàn giống hoa các loại, hàng chục giống địa lan nội, ngoại nhập màu sắc thanh tú. Lượng hoa xuất khẩu năm 2013 đạt 1.118 triệu cành. 
Vườn hoa TP. Đà Lạt.
Vườn hoa TP. Đà Lạt. 
Từ chỗ người trồng hoa ở Đà Lạt chỉ biết trồng hoa tự nhiên, đến nay một phong trào trồng hoa công nghệ cao trong “nhà kính” làm bằng plastis, sử dụng giống hoa mới, áp dụng công nghệ sinh học để bắt hoa nở đúng kỳ, cho màu sắc rực rỡ và lâu tàn đã và đang được hình thành. Nhờ vậy, hoa Đà Lạt không chỉ có mặt tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong nước để làm đẹp cho đời, mà còn lên đường “xuất ngoại” sang nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Hồng Kông, Idonesia, Nga... đưa Đà Lạt lên vị trí thành phố trồng hoa nhiều nhất Việt Nam. Chính vì vậy, năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận Đà Lạt là thành phố Festival hoa.
Tiến sĩ Phạm S -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho biết, những năm gần đây, hoa Đà Lạt đã vươn ra thị trường thế giới với số lượng hoa xuất khẩu đạt khoảng 110 triệu cành/năm, thu về cho đất nước trên 900 triệu USD, giải quyết được đời sống và việc làm cho hàng vạn người dân địa phương. Giá trị của hoa đã chiếm 8% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng. Nhiều Công ty sản xuất hoa lừng danh như Dalat Hasfarm, Lang Biang Farm, Rừng Hoa đã khẳng định được vị trí trên thương trường trong nước và quốc tế. 
Tuy nhiên, khó khăn nhất của phần lớn nông dân trồng hoa ở Đà Lạt hiện nay vẫn là chưa làm chủ được giá cả và thị trường tiêu thụ; giá bán hoa hầu như lệ thuộc vào các thương lái nên dễ lâm vào tình cảnh “sáng tươi, chiều héo”. Đó là chưa nói công nghệ bảo quản, đóng gói sau thu hoạch đối với các doanh nghiệp lớn thì có, còn đại đa số nông dân trồng hoa thì không, vì thiếu vốn đầu tư và công nghệ.
Còn việc tổ chức Fesival hoa, nhiều người dân Đà Lạt cho rằng đây là điều cần thiết. Nhưng nên chăng 4 năm tổ chức một lần, thay vì 2 năm như hiện nay. Có như vậy mới kịp cho những giống hoa mới và các công trình hoa ra đời để du khách 4 phương chiêm ngưỡng; giảm bớt tốn kém thời gian, công sức cho công tác chuẩn bị của chính quyền và nhân dân địa phương; không làm du khách phải nhàm chán vì cảnh “bổn cũ soạn lại”. 
Mặt khác, với sự phát triển của một Thành phố Festival hoa như hiện nay, Đà Lạt rất mong muốn Chính phủ sớm ban hành một cơ chế đặc thù cho Đà Lạt, để thành phố có thể chủ động về kinh tế và mở rộng về hai hướng Đông Bắc và Tây Nam, tránh tình trạng phải “mặc chiếc áo” quá chật, có thể làm phá vỡ kiến trúc, cảnh quan du lịch, ô nhiễm môi trường như hiện nay. Như vậy cũng đồng thời giúp Đà Lạt vươn cao và bay xa để sánh vai với bè bạn trong năm 2014.
Huyền bí Festival Hoa
Sau 4 lần tổ chức Festival Hoa khá thành công, cuối năm 2013 Lễ khai mạc “Tuần Văn hóa Du lịch Đà Lạt 2013” với 3 nội dung chính: Công bố Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014; Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển; Festival Hoa Đà Lạt lần thứ V với một chuỗi 19 sự kiện đã diễn ra trong sự hân hoan của hàng trăm nghìn du khách và người dân thành phố. 
Một góc thành phố hoa.
Một góc thành phố hoa. 
Trong không gian huyền ảo, lung linh đầy sắc màu, đêm khai mạc gồm 4 chương trình chính: Âm sắc đại ngàn Tây Nguyên, Khúc hát người Đà Lạt, Nhịp điệu hoa, Hãy đến với thành phố Đại ngàn xanh, các tiết mục được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp với sự tham gia của 1.700 diễn viên chuyên và không chuyên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho du khách về một Tây Nguyên sống động, huyền bí, giàu bản sắc; một thành phố Fesival Hoa với trăm hồng, nghìn tía. Trước đó, nhiều hoạt động cũng đã diễn ra như: Đà Lạt-Những không gian hoa, Triển lãm hoa Đà Lạt và Sinh vật cảnh cũng được triển khai khá rầm rộ.
Lễ bế mạc “Ðêm hội tụ sắc hoa Ðà Lạt” kéo dài 90 phút với nhiều cảnh diễn nghệ thuật gồm 5 chương: Tố nữ hoa; Hoài niệm dáng hoa; Tản mạn phố hoa; Huyền thoại hoa hồng và Ðà Lạt hoa xuân với sân khấu rực rỡ hoạt cảnh về 4 loài hoa nổi tiếng của Ðà Lạt: anh đào, mimosa, phượng tím và dã quỳ. “Ðêm hội tụ sắc hoa Ðà Lạt” là biểu trưng về tâm hồn thanh cao, thân thương, lãng mạn của đất và người Đà Lạt. Không phải ngẫu nhiên 120 năm qua,  Ðà Lạt được ví là thành phố tình yêu, thành phố hoa, vì ở đây không gian thật mộng mơ, trữ tình và lãng mạn; hoa và tình yêu của con người hòa quyện vào nhau. 
Ðêm bế mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ V khép lại ắp đầy chất thơ, huyền ảo, lung linh của hoa, nến, thanh âm và màu sắc… Không gian lắng đọng, bâng khuâng của thời khắc sắp khép lại năm cũ. Và, sau đó vỡ òa sôi động, trẻ trung với niềm vui đón chào năm mới. Triệu triệu ánh pháo hoa nhuộm rực rỡ vòm trời Nam Tây Nguyên. Ðất trời Đà Lạt như chao nghiêng, lòng người say đắm. Xốn xang kẻ ở, người về…
Có lẽ chính vì vậy, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã xúc động phát biểu: “Trải qua 4 lần tổ chức thành công Festival Hoa, năm nay là Festival Hoa lần thứ 5, Đà Lạt được du khách trong nước và quốc tế biết tới là “Thành phố Festival Hoa” của Việt Nam. Festival Hoa Đà Lạt là bức thông điệp gửi tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về một thành phố ngàn hoa đủ các sắc màu của đất nước Việt Nam tươi đẹp và mến khách, luôn sẵn sàng chào đón và làm hài lòng du khách”.

Đọc thêm