Từ ngục tối thắng lợi trở về

(PLO) - Tít của bài báo này cũng chính là tiêu đề bộ ảnh phóng sự mà nhà báo - nghệ sĩ Chu Chí Thành đã được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2012. Bốn mươi năm trôi qua nhưng dòng ký ức xung quanh những bức ảnh đó vẫn miên man, thao thiết chảy như làn nước của dòng sông Thạch Hãn – nơi những bức ảnh ra đời.
Bức ảnh “Thoát khỏi ngục tù”
Bức ảnh “Thoát khỏi ngục tù”
Thoát khỏi ngục tù
Trò chuyện với phóng viên (PV) trong một buổi chiều cuối tháng 4, khi những sắc cờ hoa rực rỡ kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước đã phấp phới bay trên nền trời Hà Nội đầu hạ trong xanh, nhà báo -  nghệ sĩ Chu Chí Thành nguyên Trưởng ban ảnh Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam vẫn rưng rưng những cảm xúc có được từ triển lãm ảnh “Phóng viên chiến trường” khai mạc trước đó ít ngày. 
“Tận mắt chứng kiến những bạn trẻ đến xem tỉ mỉ từng bức ảnh trưng bày, rồi đặt câu hỏi, lắng nghe những phóng viên chiến trường kể lại câu chuyện xung quanh các bức ảnh, tôi vui lắm. Vì như thế là dòng chảy của lịch sử đã không đứt quãng, ngừng nghỉ. Ý nghĩa của những hy sinh, mất mát của các thế hệ đi trước và giá trị của độc lập, tự do đã được tiếp tục truyền lại cho các thế hệ sau…” - ông chia sẻ.  
Rồi trong dòng cảm xúc dâng trào ấy, câu chuyện giữa nhà báo -  nghệ sĩ Chu Chí Thành và PV từ lúc nào chẳng biết dẫn sang bộ 4 bức ảnh mang tên “Từ ngục tối thắng lợi trở về” của ông được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2012.
Thực hiện Hiệp định Paris ký kết tháng 1/1973, các cuộc trao trả tù binh - tù chính trị giữa ta và địch đã diễn ra. Hai địa điểm trao trả lớn nhất được xác định là bờ Bắc sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị và Lộc Ninh, tỉnh Tây Ninh. Cả nước mong chờ hàng vạn người con trung kiên của đất nước bị Mỹ - ngụy bắt bớ, đày đọa được trở về với cách mạng, với nhân dân vùng giải phóng. 
Trong ký ức của nhà báo – nghệ sĩ Chu Chí Thành, ngày 26/3/1973 là một ngày không thể nào quên. Bờ Bắc sông Thạch Hãn là nơi tập kết tù binh quân đội Sài Gòn, còn bờ Nam là thị xã Quảng Trị, nơi tập kết các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ trong các nhà tù Mỹ - Thiệu để chờ trao trả. 
Đứng bên bờ Bắc, Chu Chí Thành tận mắt chứng kiến cả hai dòng người đi ngược chiều nhau trên cùng một dòng sông. Từ phía bờ Nam, các chiến sĩ cách mạng khi ra đến bờ sông, nhìn thấy đồng đội đang đón chờ phía bên kia dòng sông, đã cởi phăng những bộ quần áo mà chính quyền Sài Gòn trang bị như một lần nữa khẳng định ý chí không khuất phục mà các anh đã gìn giữ, khẳng định suốt những năm tháng tù đày, tra tấn. 
Rồi  biểu ngữ, cờ cách mạng mà các anh đã cất giữ, chuẩn bị lâu nay cho ngày gặp mặt được giương ra rất khí thế với những dòng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”; “Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam muôn năm!”… Khi xuồng máy của phía Sài Gòn đưa các chiến sĩ ra giữa sông, các anh nhảy ào xuống, còn ở bờ Bắc, đồng đội của các anh quân phục chỉnh tề cũng lao xuống sông để đón những người vừa thoát gông xiềng.
Phút giây những bước chân vội vã rẽ nước sông Thạch Hãn, những giọt nước bắn tung lên trắng xóa, những gương mặt vui mừng, cảm động, những giọt nước mắt, những cánh tay vươn ra như muốn ôm tất cả vào lòng… tất cả đã được ghi lại trong bức ảnh “Thoát khỏi ngục tù” của Chu Chí Thành. 
Tưởng như không có có niềm vui nào bằng, không có hạnh phúc nào hơn. Ngục tù đã mở ra không chỉ từ chữ ký tại Pari, mà còn là máu và nước mắt của cả một dân tộc đã phải ra trận, biết bao năm không ngưng nghỉ, biết bao năm  đạp lên bom đạn mà đi…
Bức ảnh “Hạnh phúc của những người chiến thắng”
Bức ảnh “Hạnh phúc của những người chiến thắng” 
Khát khao hòa bình của cả một dân tộc
“Có mặt ở bờ sông Thạch Hãn lúc đó mới thấy rõ hơn lúc nào hết khát khao hòa bình của những con người ở cả hai chiến tuyến, khát khao hòa bình của cả một dân tộc. Niềm vui không thể che giấu trên khuôn mặt từng người. Tôi đã tận mắt thấy có những tù binh phía bên kia khi được trao trả, đã quay lại giơ tay lưu luyến vẫy tay chào đất Bắc và những chiến sĩ quân đội Bắc Việt cũng vẫy tay chào lại họ” - nhà báo Chu Chí Thành nhớ lại. 
Trong xúc cảm ghi nhận dòng chảy của khát khao hòa bình này, nhà báo -  nghệ sĩ Chu Chí Thành còn một bức ảnh rất nổi tiếng nữa – bức ảnh “Hai người lính” (những bức ảnh của Chu Chí Thành đều đã được công bố trong triển lãm “Những thời khắc không thể nào quên” tại Bảo tàng Cách mạng năm 2007 nhân dịp 35 năm ngày ký Hiệp định và trong cuốn sách ảnh “Ký ức chiến tranh” xuất bản năm 2010, được tái bản trong dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước năm nay - PV). 
Đó là bức ảnh được ông chụp trong khoảng thời gian từ năm 1972-1973 khi ông là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam được giao nhiệm vụ bám trụ cùng quân giải phóng ở phía Bắc sông Thạch Hãn. 
Bức ảnh “Hai người lính”
Bức ảnh “Hai người lính” 
Hạnh phúc của những người chiến thắng   
Cũng trong những ngày tháng 3 lịch sử ở Quảng Trị ấy, nhà báo – nghệ sĩ Chu Chí Thành đã được tận mắt chứng kiến cuộc hội ngộ đầy cảm động của vợ chồng anh Nguyễn Minh Sang và chị Nguyễn Thị Hà. Anh Sang là Trung tá quân Giải phóng, còn chị Hà là cán bộ hoạt động vùng địch hậu. Hai người đều bị địch bắt và bị tù đày 13 năm trời. 
Lúc bấy giờ địch liên tục di chuyển tù nhân cách mạng từ nhà tù này sang nhà tù khác và trong một lần như vậy ở nhà lao Quy Nhơn, chị Hà đã tận mắt nhìn thấy chồng. Lúc đó chị mới biết chồng mình cũng đã bị bắt. Đau đớn hơn, chị còn chứng kiến quân giặc tra tấn, cưa chân chồng. Nỗi đau vặn xoắn trong lòng nhưng đôi môi thì mím chặt để bảo vệ cả hai cũng như các đồng đội khác. 
Tháng 3/1973, cả anh Sang và chị Hà đều ở trong đoàn tù binh được trao trả. Chị Hà có người bạn cùng quê Thừa Thiên Huế tên là Hoài, làm ở ban đón tiếp đoàn quân trở về. Nhà báo Chu Chí Thành nghe được câu chuyện chị Hoài cho chị Hà biết trong danh sách mà địch trao trả có tên anh Sang, thế là anh “bám riết” lấy hai người. Buổi tối hôm ấy, trước lúc biểu diễn văn nghệ chào mừng các chiến sĩ trở về, anh chị gặp nhau. Bức ảnh “Hạnh phúc của những người chiến thắng” đã ra đời trong hoàn cảnh đó. 
Dù rằng giữa những khuôn mặt rạng rỡ vây quanh của đồng đội, trước ánh mắt tươi cười đầy trìu mến của người chồng, nhưng người vợ dường như lại hơi cúi mặt xuống. Điều gì đang diễn ra trong lòng chị? Cách đó 13 năm ngày xa chồng, chị đang là một người con gái phơi phới tuổi xuân. Vậy mà tuổi xuân đó đã bị hủy hoại trong lao tù. Niềm vui chiến thắng, hạnh phúc hội ngộ và nỗi buồn tuổi trẻ đã qua đi… tất cả như trĩu nặng trên gương mặt hơi cúi xuống, bàn tay vân vê sợi tóc mai của chị. 
Ông đã ghi dấu lại khoảng lặng cần thiết cho những mất mát của ngày hôm qua, bên cạnh niềm vui của tự do, của chiến thắng làm nên “hồn” của bức ảnh. Năm 1974, bức ảnh “Hạnh phúc của những người chiến thắng”  được đem đi triển lãm ở Béc-lin (Đức) và gây được tiếng vang với bạn bè quốc tế, giúp người xem hiểu được tầm vóc, mục đích cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam. 
Vĩ thanh
… Sau khoảng lặng của ký ức, nhà báo  - nghệ sĩ Chu Chí Thành trầm ngâm nói với PV rằng ông là một người may mắn. May mắn vì đã có cơ hội được tận mắt chứng kiến những sự kiện, những con người trong chiến tranh thể hiện khí phách quả cảm, lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam. 
Chính những con người bình dị như anh bộ đội, chị thanh niên xung phong, lão nông săn máy bay địch… đã truyền cho ông sức mạnh để biến chiếc máy ảnh thành “vũ khí” lột tả sự khốc liệt của chiến tranh cũng như những hy sinh mất mát của cả dân tộc vì một nền hòa bình. 
“Tôi không sao quên được cảm giác đau đớn trong lòng khi biết nhiều nhân vật trong ảnh mình mới chụp hôm qua thôi, hôm nay đã ngã xuống hy sinh. Người Việt Nam đã chấp nhận đổ máu, rất nhiều máu để gìn giữ độc lập, hòa bình và điều đó không bao giờ có thể lãng quên hay đánh đổi vì bất cứ lý do gì” – lời khẳng định của người cựu PV chiến trường đã từng đi qua năm tháng bom rơi, đạn lửa như hòa với gió, với màu đỏ cờ hoa đang nhuộm sắc nền trời Hà Nội vào những ngày cuối tháng 4 đầy kỷ niệm này.

Đọc thêm