Tự tin bước vào kỳ thi THPT quốc gia với tình yêu của mẹ và em gái

(PLO) - Đó là câu chuyện cảm động của cô nữ sinh mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh Trần Thị Hải (xã Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội), một trong 24 thí sinh đặc biệt, có hoàn cảnh khó khăn, được Thành Đoàn Hà Nội tiếp sức trong chương trình Cùng bạn đi thi. Ngay trong ngày thi đầu tiên, nữ sinh nhỏ nhắn này đã khiến nhiều người cảm phục. Bởi lẽ, dù điều kiện di chuyển khó khăn, phải nhờ sự trợ giúp của người nhà và các tình nguyện viên nhưng Hải vẫn luôn toát lên sự yêu đời cùng tinh thần lạc quan.
Chị em Hải được bố trí chỗ ăn, ở gần điểm thi để tiện cho việc đi lại.
Chị em Hải được bố trí chỗ ăn, ở gần điểm thi để tiện cho việc đi lại.

Không đầu hàng số phận

Chị Nguyễn Thị Hằng - mẹ Hải kể lại, bố của Hải do loãng xương nên không thể làm việc nặng, từ nhỏ đã tự mày mò học nghề sửa chữa điện dân dụng, kiếm sống nuôi gia đình. Vợ chồng chị sinh 6 người con, trong đó Hải là cô con gái thứ hai cùng với một anh trai đều mắc bệnh xương thủy tinh do di truyền từ bố. Tuy mắc bệnh nhưng Hải bạo dạn và luôn tự tin. 

Khi được nhắc tới động lực đã giúp em vượt qua bệnh tật, để giành những thành tích cao trong học tập, cô gái nhỏ nhắn chỉ cười, một lát sau em trả lời khiêm tốn. “Nhờ bố, anh trai, mẹ và em gái nên em mới có được những kết quả đó. Những người thân trong gia đình là tấm gương cho em có thêm sức mạnh để cố gắng. Anh trai em cũng mắc căn bệnh như em nhưng giờ anh đã là sinh viên năm 2 của Học viện Bưu chính viễn thông với thành tích học tập khá cao. Em tự hào lắm và thấy mình cần học hỏi để được như anh”.

Theo lời mẹ Hải thì sự đam mê học tập của con đã giúp hai vợ chồng quên đi những muộn phiền. Trước đây, nhìn các con không được may mắn như những người bình thường khác, chị thường khóc thầm, khóc vụng vì thương con. Nhưng thấy con vẫn vui vẻ, hòa đồng và say mê học tập, gia đình chị lại có thêm niềm an ủi lớn. 

“Từ bé em sống trên đôi chân, bàn tay chăm sóc của mẹ, sự sẻ chia, động viên của cha. Khi lớn lên, với tình yêu thương, đùm bọc của em gái Trần Thị Hà, đồng thời cũng là bạn học cùng lớp với em, thay mẹ đưa em đến trường. Không ít lần, trên đường tới trường bất chợt gặp cơn mưa, hai chị em ướt hết, những lúc ấy thương em gái lắm. Bao năm qua, bất cứ trời sáng hay tối, Hà luôn giúp đỡ em không một câu than phiền” - Hải tâm sự.

Dù mắc bệnh xương thủy tinh nhưng Hải ... khiến người khác phải ngưỡng mộ
Dù mắc bệnh xương thủy tinh nhưng Hải ... khiến người khác phải ngưỡng mộ

Để vươn tới ước mơ giảng đường 

Biết hoàn cảnh của Hải, nhiều người sẽ nghĩ cô bé hay buồn, tủi thân và mặc cảm với đời. Nhưng ngồi với em, người bên cạnh sẽ cảm nhận được những tình cảm ấm áp kỳ lạ từ nụ cười và giọng nói dịu dàng. Từ sự lạc quan, yêu cuộc sống và tâm hồn trong sáng, người đối diện sẽ thấy khâm phục nghị lực và sự dũng cảm vượt lên số phận của em. Ngoài thời gian học, Hải mê đọc sách và tìm hiểu kiến thức văn hóa, xã hội. 

Bật mí về kế hoạch sắp tới của mình, Hải chia sẻ, em sẽ dựa vào điểm thi để lựa chọn, cân nhắc trường đại học theo học. Nói về mong ước của mình, cô bé xương thủy tinh giàu nghị lực cho biết: “Khi còn học trung học, em có mong muốn đi học công nghệ thông tin để có được một công việc ổn định, bởi lẽ em yêu thích ngành đó, hơn nữa đây là ngành phù hợp với bản thân em, không phải di chuyển nhiều như những công việc khác”.

Để đến với kỳ thi THPT quốc gia lần này, Hải và bố mẹ đã phải cố gắng rất nhiều. Do sức khỏe yếu nên hầu như em chỉ ôn thi ở nhà. Hải khiêm tốn nói có thể ngày thi vừa qua chắc được 50% bài làm đúng, còn lại là may mắn. Em Trần Thị Hà, em gái của Hải thì lại khá tin tưởng chị gái vì nhiều năm đi học, làm bài kiểm tra và thi, hễ chị tính được bao nhiêu điểm là kết quả sẽ y như thế. 

Căn phòng chị em Hải ở trọ trong kỳ thi lần này do Thành Đoàn Hà Nội sắp xếp. Ở cùng với Hải còn rất nhiều tấm gương học sinh nghèo vượt khó học tập nên em cho biết, được gặp các bạn, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, em thấy mình còn may mắn hơn các bạn khác rất nhiều bởi luôn có gia đình hậu thuẫn. Một người mẹ dù cả đời làm lụng vất vả đến bạc đầu vẫn chăm nom, bế ẵm em như hồi bé dại, một người cha khuyết tật, tâm lý, yêu thương con tràn đầy nghị lực đã tạo nên một mái ấm cho các con, những người anh, người em với sự nỗ lực quên mình là tấm gương cho em noi theo mỗi ngày…

Đọc thêm