Từ vụ tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm tại TP HCM: Mua bảo hiểm có phòng được rủi ro?

(PLVN) - TAND TP HCM chuẩn bị đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện “tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” giữa nguyên đơn là Cty TNHH Thành Bưởi (Cty Thành Bưởi) và Tổng Cty CP Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VBI). Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND quận 3 đã tuyên chấp nhận khởi kiện của Cty Thành Bưởi nhưng bản án này đã bị VKSND cùng cấp kháng nghị.
Một trong những vụ tai nạn do lái xe Nguyễn Long Hưng gây ra.
Một trong những vụ tai nạn do lái xe Nguyễn Long Hưng gây ra.

Tranh cãi về giá trị của giấy phép lái xe tại thời điểm tai nạn

Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2016, Cty Thành Bưởi và VBI kí kết nhiều hợp đồng bảo hiểm (BH) xe cơ giới cho một số ô tô khách, trong đó có xe ô tô biển số 51B-207.48

Trong thời hạn BH xe ô tô trên do tài xế Nguyễn Long Hưng điều khiển đã xảy ra các vụ tai nạn vào ngày 31/7/2016; 8/3/2017; 19/3/2017 và 26/3/2017. Sau đó, Cty Thành Bưởi đã cung cấp hồ sơ yêu cầu VBI TP. HCM bồi thường. Tuy nhiên, VBI TP HCM đã từ chối bồi thường vì cho rằng lái xe Hưng đã chỉnh sửa năm sinh (từ 1961 thành 1964) trong hồ sơ để được cấp đổi Giấy phép lái xe (GPLX) ngày 14/4/2016.

Lái xe Hưng sử dụng GPLXkhông có giá trị sử dụng để điều khiển xe và gây tai nạn thuộc vào điểm loại trừ BH quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BTC (TT22) và điểm loại trừ của Quy tắc BH tự nguyện xe cơ giới, ban hành theo Quyết định số 353/QĐ-VBI6(người điều khiển xe không có GPLX hoặc GPLX không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có GPLX)

Không đồng ý với quan điểm trên, Cty Thành Bưởi đã khởi kiện yêu cầu VBI trả số tiền BH hơn 1,5 tỷ đồng vì các vụ tai nạn liên quan đến lái xe Hưng không thuộc một trong các điều khoản bị loại trừ BH. 

Nhận xét về giá trị GPLX nói trên, HĐXX TAND quận 3 cho rằng, GPLX được Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cấp và có số phôi giấy phép lái xe trùng với số phôi trong hệ thống thông tin quản lí GPLX nên có cơ sở xác định là GPLX hợp lệ. Do đó, GPLX này có giá trị pháp lý và là một trong những giấy tờ bắt buộc mà người điều khiển xe phải mang theo khi tham gia giao thông.

Do ông Hưng có hành vi gian dối là tẩy xóa, thay đổi năm sinh để được cấp lại GPLX nên ngày 17/4/2017, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định thu hồi GPLX nhưng không ghi thời điểm trước khi thu hồi thì hiệu lực pháp lý của giấy phép này là như thế nào.

Ngày 31/5/2018 của Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng có văn bản cho biết, kể từ ngày 17/4/2017 GPLX không có giá trị sử dụng. Hiệu lực GPLX gần nhất của ông Hưng trước khi đổi sang GPLX mới là ngày 19/4/2016, hạng E.

Do đó, cần hiểu thời điểm GPLX của ông Hưng không có giá trị sử dụng là ngày ban hành Quyết định thu hồi số 191/QĐ-QLSH (vì văn bản hành chính do cơ quan Nhà nước ban hành có hiệu lực kể từ ngày kí). Vì vậy, có cơ sở xác định trước ngày 17/4/2017, GPLX này không bị văn bản hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyềnthu hồi, nên có giá trị pháp lý tại thời điểm xảy ra 4 vụ tai nạn.

Từ căn cứ trên và hồ sơ vụ án, HĐXX đánh giá, “có cơ sở xác định tại thời điểm xảy ra 4 vụ tai nạn, xe ô tô mà ông Hưng điều khiển là phù hợp với loại xe cơ giới được ghi tại GPLX”.

“Gây khó” cho bên mua bảo hiểm 

Nhận định về điều khoản loại trừ trách nhiệm BH như bị đơn trình bày, HĐXX cho rằng, Điều 21 Luật Kinh doanh BH quy định “Trong trường hợp hợp đồng BH có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua BH”. 

Do đó, theo điều khoản loại trừ trách nhiệm mà bị đơn nêu thì cần giải thích theo nghĩa cụ thể, hẹp và thông thường nhất là tại thời điểm xảy ra tai nạn người điều khiển có mang theo GPLX hợp lệ, phù hợp với loại xe cơ giới bắt buộc phải có GPLX. Không thể lấy một hành vi vi phạm chưa được xử lí thời điểm đó để giải thích điều khoản này theo hướng bất lợi cho bên mua bảo hiểm.

Vì vậy, HĐXX xác định tại thời điểm xảy ra 4 vụ tai nạn, ông Hưng sử dụng GPLX phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có GPLX, nên không thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm. Từ những phân tích trên, HĐXX sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Cty Thành Bưởi, buộc bị đơn trả số tiền bồi thường bảo hiểm là hơn 1,5 tỷ đồng.

Không đồng ý với phán quyết trên, VBI đã đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Đồng thời, VKSND quận 3 cũng có kháng nghị đề nghị TAND TP HCM sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Theo kháng nghị, ông Hưng đã biết rõ mình không đủ điều kiện về tuổi được cấp giấy phép lái xe hạng E (tối đa nam là 55 tuổi) nên đã gian dối, chỉnh sửa thông tin năm sinh để làm hồ sơ xin đổi GPLX hạng E.Sau khi phát hiện sự việc, Sở GTVT Lâm Đồng đã quyết định thu hồi hồ sơ và giấy phép lái xe cấp cho ông Hưng

Tính tới thời điểm gây ra vụ tai nạn đầu tiên, ông Hưng đã 55 tuổi 3 tháng 12 ngày. Do đó việc ông Hưng sử dụng GPLX chở khách gây ra bốn vụ tai nạn được coi là không có giấy phép lái xe phù hợp, thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm. 

Bình luận về vụ án nêu trên, một số Luật sư cho rằng, nếu yêu cầu khởi kiện của Cty Thành Bưởi bị bác bỏ sẽ tạo một tiền lệ không tốt và “gây khó” cho bên mua BH xe cơ giới. Bởi nếu không muốn bị loại trừ trách nhiệm BH thì trước khi tuyển lái xe, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tiến hành rà soát, kiểm tra hồ sơ cấp GPLX của từng người xem có hợp pháp hay không. Nhưng doanh nghiệp lại không thể thực hiện điều này vì không có thẩm quyền nên vẫn chỉ tin tưởng tuyệt đối vào GPLX đã được cơ quan chức năng cấp mà giao xe cho tài xế.

Hơn nữa, nguyên tắc BH là được bù đắp tổn thất khi xảy ra rủi ro. Vậy, chẳng lẽ doanh nghiệp đã mua BH để phòng rủi ro nhưng vẫn có nguy cơ gặp phải rủi ro khác từ những lỗi “trời ơi” của người khác? 

Đọc thêm