Tục cúng thần “ngoại gia” của người Tày - Nùng

(PLO) - Bao đời nay, tục thờ cúng các vị thần của người Tày - Nùng ở Cao Bằng vẫn lưu giữ nguyên vẹn những yếu tố văn hóa đặc sắc, giá trị tín ngưỡng từ xa xưa. Trong đó, việc thờ tụng, cúng bái các vị thần “ngoại gia” (bên ngoài ngôi nhà) là tục lệ không thể thiếu, có ý nghĩa cầu chúc một năm sức khỏe dồi dào, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. 
Vào mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, người Tày – Nùng ở Cao Bằng có tục đến thắp hương, dâng lễ ở miếu thổ công đầu làng
Vào mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, người Tày – Nùng ở Cao Bằng có tục đến thắp hương, dâng lễ ở miếu thổ công đầu làng

Độc đáo tục thờ các vị thần “ngoại gia”

Tục thờ các vị thần (thổ công, thần rừng, thần nước, thần đá) của người Nùng ở Cao Bằng thường vào các dịp lễ Tết, địa điểm lập miếu thờ thường thấy ở trước mỗi nhà và đầu làng. Trong đó, miếu thổ công (được lập ngay đầu làng) là vị thần cai quản mảnh đất mà dân bản sinh sống, khi đến một khu đất mới để lập bản, việc trước tiên của người Tày - Nùng là lập miếu thờ thổ công. Việc thờ cúng thổ công mang ý nghĩa tưởng nhớ những người đầu tiên đã có công khai làng, lập bản.

Miếu thổ công thường được dựng ở trước cửa nhà, đầu bản gần cây cổ thụ hoặc khối đá lớn, đằng trước thường có khoảng đất rộng đủ để khi cần thiết họp các gia đình trong bản. Với người Tày - Nùng xưa và nay đều cho rằng mỗi gia đình, xóm, bản có thần thổ công bảo vệ thì ma quỷ hay những việc không may sẽ không thể xâm nhập vào nhà, vào xóm, bản để hoành hành nếu không được sự chấp nhận của thổ công. Vào các ngày 1 và 15 hàng tháng và các ngày lễ, Tết cổ truyền, đặc biệt là vào ngày mùng 3/3 âm lịch, mọi người đều đến thắp hương và có mâm lễ cúng thổ công.

Với người Tày - Nùng, miếu thờ thần rừng là nơi hội tụ thần linh, nếu không cúng, các thần không có chỗ ngự sẽ trở nên hung dữ, gây khó khăn cho cuộc sống con người, như: người ốm, trẻ em quấy khóc nhiều, lợn, gà chết… nên phải có một bàn thờ, đặt bát hương thờ cúng thần cây để che chở con người tại xóm, bản đó được bình yên. Còn với thần nước, theo quan điểm của người Tày - Nùng, tại những nơi núi cao nước xiết, những khúc sông, suối hàng năm có người bị chết đuối, những mỏ nước mùa hè đến nước lạnh ngắt tắm vào dễ bị cảm..., họ sẽ lập đền thờ thần nước mong trừ nạn. 

Cuối cùng là tục thờ thần đá, với quan niệm cho rằng những hòn đá chơ vơ giữa đất trời bị nứt toác, vỡ đôi mặt phẳng là do tạo hóa sắp đặt nên người ta tin có thần trú ngụ trong đó. Khi trẻ con giật mình hay khóc hoặc khóc về đêm, ốm vặt nhiều, cho rằng vía trẻ quá nhẹ nên nhờ thần đá giữ hộ. Đá vững vàng trong mưa gió không suy chuyển nên hồn vía dựa vào sẽ vững vàng. 

Chính vì từ những quan niệm này nên khi đến các địa danh xóm, bản người Tày - Nùng người ta mới thấy ở đầu làng, dưới gốc cây to, mó nước xuất hiện ngôi miếu nhỏ gồm bát hương, bùa chú của thầy tào, thầy cúng viết. Người dân tin rằng, khi thờ các vị thần sẽ phù hộ tại các lễ giải hạn, kỳ yên khi những bà then, ông tào thắp hương gọi các vị thần về nhằm hỗ trợ mệnh cho mọi người trong làng thoát khỏi điều xui xẻo, vận hạn xấu. 

Linh thiêng lễ cúng và những điều kiêng kỵ

Trong khi miếu thổ công được người dân thờ cúng, thắp hương vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng thì lễ cúng các vị thần rừng, thần nước, thần đá chỉ được tổ chức một lần duy nhất trong năm. Lễ cúng thần nước không có quy định về thời gian cụ thể mà chỉ được dân làng tổ chức vào những mùa hạn hán, vật cúng cho thần nước là tiết của con ngỗng với quan niệm rằng, nó sẽ bay về trời báo để xin mưa rơi xuống. Còn với lễ cúng thần rừng, thần đá của người Tày – Nùng ở các huyện miền núi tỉnh Cao Bằng thường được tổ chức vào các dịp lễ Tết lớn trong năm (ngày mùng 1 Tết và ngày 6/6 âm lịch). Nơi tổ chức là khu vực bìa rừng, núi phía sau làng. Trước ngày diễn ra cúng mọi người dân cùng họp bàn nhau lại để phân công công việc và chuẩn bị lễ vật cúng thần rừng, thần đá.

Đến các ngày làm lễ cúng các vị thần “ngoại gia”, mỗi gia đình cử một người mang những lễ vật đã chuẩn bị đến nhà một gia đình gần rừng nhất, sau đó cắt cử người chuẩn bị củi đốt, nấu cơm, thịt gà, thịt vịt, luộc trứng, thịt, cá, dọn dẹp địa điểm cúng... Khi chuẩn bị xong, mọi người mang lễ vật ra địa điểm cúng để bắt đầu nghi lễ cúng rừng. Chủ trì lễ cúng là thầy cúng được người dân trong làng lựa chọn từ trước. Thầy cúng phải là người có uy tín, được người dân nể trọng. Thông thường, lễ cúng các vị thần của người dân gồm có hai phần: phần cúng dâng lễ và phần cúng chính. 

Trong đó, phần cúng dâng lễ hay còn gọi là cúng sống. Lễ vật cúng thần rừng gồm gà, dê, cơm nắm, trứng luộc hoặc thịt luộc. Sau khi đã bài trí xong đàn cúng, thầy cúng đốt một bó hương chia làm 3 phần cắm ở hai bên và chính giữa đàn cúng. Mở đầu lễ, thầy cúng rót rượu vào 4 chiếc chén và đọc một bài cúng với hàm ý hôm nay là một ngày tốt để bày tỏ lòng thành kính với thần rừng, tổ tiên dân làng đã chuẩn bị các lễ vật dâng rừng, mời các vị thần về tham dự lễ cúng và chứng nhận lòng thành của người dân. Phần thứ hai là phần cúng chính (hay còn gọi là cúng chín). Lễ vật dâng lên các vị thần thông thường là các con vật quen thuộc gồm gà, vịt đã làm thịt sẵn và các bát trứng luộc, thịt lợn, tiền giấy được cắt thủ công… Thầy cúng cho người đan một tấm phên nhỏ đặt trên một thanh tre cao khoảng một mét ở phía đối diện với đàn cúng chính. Phía trên đặt một tấm lá dong được chấm tiết (gà hoặc vịt) thành nhiều chấm nhỏ. Đây là đàn cúng tượng trưng cúng những ma dữ hay hại con người và những hồn ma vô chủ không có nơi cư ngụ. Sau khi khấn gọi những vong hồn về dự lễ cúng, thầy cúng bắt đầu tiến hành bài cúng chính của buổi lễ. Bài cúng này mang ý nghĩa tưởng nhớ về công lao của các vị thần và cầu mong các vị thần cũng như tổ tiên phù hộ cho dân làng có một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng được tươi tốt, con người được khỏe mạnh, no đủ... Lễ cúng kết thúc cũng là lúc các thành viên tham gia đem những lễ vật đi nấu chín rồi ngồi quây quần lại với nhau uống rượu và trò chuyện.

Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, tục cúng thần rừng còn là dịp giáo dục ý thức cho mọi người tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên xung quanh con người. Bên cạnh đó sau mỗi buổi cúng, các thành viên trong làng thường ngồi lại cùng ăn, uống và trò chuyện, trao đổi về cuộc sống, kinh nghiệm trong sản xuất tạo nên mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên với cộng đồng làng bản. Với ý nghĩa như vậy, tục cúng thần rừng của người Tày - Nùng là một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Bài cúng kết thúc cũng là lúc thần rừng và các vị thần đã tề tựu đầy đủ và chấp nhận những lễ vật mà dân làng dâng lên. Bài cúng thể hiện lòng biết ơn thần linh đã che chở cho dân làng, hàm ý mong thần rừng phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hòa để mọi người có sức khỏe dồi dào, cửa nhà êm ấm, làm ăn phát đạt. 

Đọc thêm