Tuổi 30, Pháp luật Việt Nam tri ân vùng đất nguồn cội

(PLO) - Trong không khí rạo rực những ngày kỷ niệm tuổi 30, những người làm báo Pháp luật Việt Nam không quên hướng về vùng đất Sơn Dương, Tuyên Quang - nơi  khởi phát của Bộ Tư pháp, cơ quan chủ quản của Báo Pháp luật Việt Nam – như một sự tri ân thành kính.
Trong những năm kháng chiến, xóm Mới thuộc xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) là cái nôi của Bộ Tư pháp. Bởi chính nơi đây, những cán bộ đầu tiên của Bộ nhận được sự đùm bọc, che chở đầy tình nghĩa của đồng bào. 
Dù có sự khó khăn gian khổ nhưng cán bộ, nhân viên Bộ Tư pháp vẫn giữ vững lập trường cách mạng, giúp Đảng và Chính phủ ban hành nhiều chính sách pháp luật góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc.
Các Đảng viên Báo Pháp luật Việt Nam tại Khu di tích Bộ Tư pháp (Sơn Dương, Tuyên Quang)
Các Đảng viên Báo Pháp luật Việt Nam tại Khu di tích Bộ Tư pháp
(Sơn Dương, Tuyên Quang)
 
Hoài niệm về vùng đất cội nguồn
Đầu năm 1948, Bộ Tư pháp dời Thủ đô Hà Nội, hoạt động một thời gian dài ở chiến khu Việt Bắc. Tại chiến khu, Bộ chia làm hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất do Bộ trưởng Vũ Đình Hòe phụ trách đến ở và làm việc tại chân núi Sáng (Đại Từ - Thái Nguyên). 
Bộ phận còn lại do Thứ trưởng Trần Công Tường phụ trách, đến ở và làm việc tại Bỉnh Di - Lập Thạch - Vĩnh Phúc. Tháng 10/1949, hai bộ phận của Bộ Tư pháp hợp thành một và chuyển đến xóm Mới, xã Minh Thanh làm việc đến tháng 9/1950.
Với chừng ấy thông tin đọc vội, chúng tôi tìm về huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) để ghi nhận nơi làm việc đầu tiên của Bộ trong không khí rộn ràng kỷ niệm năm ngày Báo xuất bản số đầu tiên và hướng đến Ngày truyền thống của ngành Tư pháp. 
Trên con đường nhựa phẳng lỳ dẫn chúng tôi vào Khu di tích Bộ Tư pháp, chúng tôi chứng kiến đời sống của bà con nơi đây khá sung túc với nhiều ngôi nhà xây mọc lên san sát. Chốc lát, các đồi chè trùng điệp nối đuôi nhau uốn lượn. Đi sâu vào trong xã, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp bảng chỉ dẫn của các khu di tích nằm ở ven đường.  
Xã Minh Thanh quy tụ rất nhiều khu di tích quan trọng như Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an... Do địa bàn có nhiều đồi núi lại là nơi sinh sống của bà con các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, nên rất an toàn cho Bộ, ban, ngành hoạt động bí mật. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, nhờ đồng bào đùm bọc, Bộ Tư pháp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, góp phần làm nên cuộc kháng chiến thắng lợi.  
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (phụ trách mảng thuyết minh, Khu di tích Tân Trào) chia sẻ: “Cách đây vài năm, khách đi vào xóm Mới rất khó khăn, hiện việc đi lại dễ hơn vì đường đã được bê tông hóa. Đặc biệt tại Khu di tích của Bộ Tư pháp, hàng năm thường diễn ra rất nhiều hoạt động như lễ dâng hương, kỷ niệm...”. 
Theo chị Nhung, những năm kháng chiến chống Pháp, đời sống của bà con nơi đây rất kham khổ. Mặc dù nghèo nhưng đồng bào các dân tộc vẫn sẻ chia từng củ sắn, bắp ngô để nuôi cán bộ. Bên cạnh đó, dân luôn giữ tinh thần bí mật. 
Theo quan sát, Khu di tích của Bộ Tư pháp được xây dựng trên một gò núi cao, phía sau là đình Thanh La, trước mặt là cánh đồng. Hiện trong xóm Mới chủ yếu là người dân tộc Tày sống chan hòa, đầm ấm. 
Cũng theo chị Nhung, những ngày đầu hoạt động, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe (tức Khiêm), Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng Đoàn Trần Công Tường (bí danh là Tâm) cùng khoảng 30 cán bộ trực tiếp sống và ăn ở cùng với xóm Mới. Mặc dù thiếu thốn đủ đường nhưng Bộ Tư pháp luôn phối hợp với các cơ quan thuộc Chính phủ như Bộ Nội vụ, Nha Công an... giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật của Nhà nước. 
Bước vào Khu di tích Bộ Tư pháp, trong lòng chúng tôi dậy lên một hoài niệm, bởi đất nước vững mạnh là nhờ công lao đóng góp của các lớp thế hệ cán bộ đi trước. Bộ Tư pháp xây dựng khu di tích là một việc làm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có lẽ những ai bước chân đến đây đều hiểu được những giá trị cốt lõi, vì đây chính là nền tảng vững chắc cho sự trưởng thành của ngành Tư pháp sau này. Chính vì vậy, các ngày lễ, tết lãnh đạo Bộ, Sở, Tổng cục cùng người dân lại quy tụ về đây thắp những nén nhang tri ân để tưởng nhớ công ơn những cán bộ đi trước. 
Cán bộ ngành Tư pháp dâng trước văn bia của khu di tích
 Cán bộ ngành Tư pháp dâng trước văn bia của khu di tích
Cùng tri ân nhân ngày lễ lớn
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tại xóm Mới, Bộ Tư pháp đã tổ chức rất nhiều hội nghị. Trong nhiều lần, Bộ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đến dự hoặc gửi thư chỉ đạo. Bác luôn nhấn mạnh: “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền, Tư pháp là vấn đề ở đời và làm người. Cán bộ tư pháp phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.    
Bộ Tư pháp làm việc tại xóm Mới xã Minh Thanh được gần một năm. Đến tháng 9/1950 Bộ ngược dòng Lô lên Chiêm Hóa tiếp tục cuộc kháng chiến, xây dựng và phát triển nền Tư pháp non trẻ của nước nhà. 
Bà Nguyễn Thị Thược - Giám đốc Sở Tư pháp Tuyên Quang cho biết: “Năm nào Sở cũng hai lần tổ chức dâng hương vào đầu năm và nhân ngày kỷ niệm ngành Tư pháp. Ngoài ra còn có rất nhiều chương trình tri ân của lãnh đạo Bộ, Tổng cục và các tỉnh, thành trong cả nước tìm về”.  
Bà Thược cho biết thêm: “Trong dịp kỷ niệm Ngành vào ngày 28/8 này, Bộ Tư pháp đang có ý định quy hoạch lại toàn bộ khu di tích bằng những việc làm thiết thực như trồng lại cây xanh ở xung quanh khu di tích, vì hiện tại chỉ có hai cây đa cạnh cổng ra vào. Một bên là cây đa Bộ trưởng Hà Hùng Cường trồng còn một bên là cây đa đồng chí Nguyễn Sáng Vang (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang) trồng. Bộ cũng đang có kế hoạch xây nhà nghỉ và nhà chờ trước cổng đi vào”.     
Bà Thược nhớ lại: “Vào trước ngày khánh thành khu di tích ngày 27/8/2010, lúc đó trời mưa tầm tã. Nhưng khi Bộ trưởng Hà Hùng Cường đọc diễn văn khánh thành thì trời tạnh mưa và hửng nắng”. Cũng theo bà Thược, do trời mưa nên hôm đó rất nhiều xe ô tô không vào được xóm. Một thời gian sau, Bộ đầu tư nâng cấp đập tràn và làm con đường tắt qua đình Thanh La nên khách đi vào xóm sẽ rất dễ dàng. Việc xây dựng đường tạo điều kiện thông ra trục chính nhanh hơn, chỉ vài trăm mét.  
Tới đây, kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành, Bộ Tư pháp đang có kế hoạch kết hợp với Sở tổ chức các hoạt động nhằm hướng về nguồn. Một trong những việc làm cụ thể là ôn lại quá trình lớn mạnh và trưởng thành của Ngành. Bên cạnh hoạt động này, người dân cũng háo hức chuẩn bị các chương trình cho ngày kỷ niệm cách mạng Tháng Tám. Tất cả những hoạt động trên sẽ khơi dòng sáng tạo cho tuổi trẻ, đồng thời mang đến cho đất nước những điều tốt đẹp, giúp cho các lớp cán bộ có thêm nền tảng vững chắc trong quá trình xây dựng và phát triển.

Đọc thêm