Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73.6, cao hơn nhiều nước

(PLVN) - Chất lượng dân số Việt Nam đã và đang được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh đạt 73.6 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng thu nhập bình quân đầu người. 
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Ngày 24/12, tại hội thảo Dân số và phát triển do Tổng Cục Dân số và Kế hoạch hóa hóa gia đình (DS-KKHGD), Bộ Y tế tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, tốc độ gia tăng dân số ở Việt Nam đã được khống chế thành công, tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1.14%/năm, mức sinh thay thế được duy trì suốt 14 năm qua (năm 2019 là 2,09 con).

Từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, chiếm 68% trong tổng dân số năm 2019. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh bước đầu đã được khống chế và giảm 111,5 bé trai/100 bé gái.

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh đạt 73.6 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng và tỷ lệ  suy dinh dưỡng trẻ em giảm mạnh, tầm vóc và thể lực người Việt Nam có bước cải thiện…

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, tuy đạt một số kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác dân số Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như mức sinh vẫn chênh lệnh giữa các vùng, mất cân bằng giới tính khi sinh dù được khống chế nhưng vẫn ở mức cao, chưa có giải phát đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh, tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe  mạnh còn thấp hơn nhiều nước…

Cùng với Chiến lược dân số đến năm 2030, năm 2020 Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt 06 chương trình dân số. Đây chính là những nội dung quan trọng của công tác dân số từ nay đến năm 2030. Và đây cũng là trọng tâm chính của chủ đề của Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm nay: “Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển  đất nước nhanh và bền vững”.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, nguồn lực đầu tư cho DS-KHHGĐ và triển khai các đề án, chương trình đã và đang là bài toán khó của ngành Dân số và rất cần sự phối hợp, chia sẻ, đồng hành…

Đọc thêm