Tưởng niệm Kazik - người hồi sinh và đưa di sản Việt Nam ra thế giới

(PLO) - Nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của kiến trúc sư Kazik với văn hóa Việt Nam, hôm nay, 19/3, tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TP. Huế), diễn ra Chương trình tưởng niệm 20 năm ngày mất của kiến trúc sư Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski (tên thân mật là Kazik, mất ngày 19/3/1997).
Các đại biểu tham dự Lễ tưởng niệm
Các đại biểu tham dự Lễ tưởng niệm

Chương trình tưởng nhớ kiến trúc sư (KTS) Kazik được tổ chức bởi Đại sứ quán nước CH Ba Lan tại Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Chương trình có sự tham dự của đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Bà Barbara Szymanowska – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam cùng nhiều khách mời trong nước và quốc tế.

Sự kiện này cũng là hoạt động ý nghĩa nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Ba Lan và Việt Nam, đặc biệt là với Cố đô Huế.

Cuốn sách viết về KTS Kazik
Cuốn sách viết về KTS Kazik

Trong khuôn khổ của chương trình, từ 10h ngày 19/3, tại hội trường Tam Tòa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đã tổ chức trưng bày hình ảnh về quá trình công tác của KTS Kazik tại Cố đô Huế, và trình chiếu video clip về KTS Kazik và một số hoạt động hợp tác với Ba Lan. Sau đó là phát biểu, cuộc nói chuyện của những người đã từng biết “Kazik”.

Đặc biệt, cuối buổi tưởng niệm, tất cả khách mời tham dự sẽ được nhận cuốn sách “Kazimierz Kwiatkowski - Hồi ức một con người đặc biệt” do bà Barbara Szymanowska – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ba Lan trao tặng, có chữ ký lưu niệm của nhà văn Ba Lan Jacek Zygmunt Matuszak (tác giả cuốn sách).

Các đại biểu tham dự
Các đại biểu tham dự

Kiến trúc sư Kazik được biết đến là người đã có những đóng góp lớn lao trong công tác trùng tu không chỉ riêng Cố đô Huế mà còn có những đền tháp Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An.

Năm 198, tại Hà Nội, ông Amadou Mahtar M'Bow - Tổng giám đốc UNESCO đã ra lời kêu gọi cứu vãn Huế và đã phát động một cuộc vận động quốc tế giúp đưa việc bảo tồn, tôn tạo di tích Huế được sự ủng hộ, quan tâm hơn nữa của cộng đồng. Năm 1982, Nhóm công tác Huế - UNESCO được thành lập để theo dõi chỉ đạo công cuộc trùng tu lại Huế góp phần đưa khu di sản Huế vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp.

 

Đáp ứng lời kêu gọi của UNESCO đối với các tổ chức quốc tế, kiến trúc sư Kazik và các chuyên gia Ba Lan (tổ chức PKZ) đã nhiều lần ghé Huế để khảo sát và đánh giá những thiệt hại của di tích Huế sau chiến tranh. Ông và các cộng sự đã thực hiện công tác nghiên cứu, đo đạc theo phương pháp photogrammetric (phép quan trắc), trong đó công trình được lựa chọn để nghiên cứu đầu tiên là Ngọ Môn - Đại Nội Huế.

Trong các báo cáo của tổ chức PKZ gửi UNESCO, ICOMOS..., những đánh giá về sự khác biệt của di tích Huế và Hội An so với di sản văn hóa Trung Hoa là những đánh giá quan trọng nhất để Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO xem xét và công nhận Quần thể di tích cố đô Huế và đô thị cổ Hội An là Di sản Văn hóa Thế giới.

 

Ngoài ra, bản báo cáo về di tích Ngọ Môn - Đại Nội Huế cũng đã thu hút được sự quan tâm của những tổ chức quốc tế khác trong công tác bảo tồn và cứu vãn di tích Huế. Ngay sau đó, chính phủ Nhật Bản đã tài trợ 100.000USD từ Quỹ Ủy thác Nhật Bản cho dự án Bảo tồn Di sản Văn hóa Thế giới ở Huế.

Bên cạnh những đóng góp cho công tác trùng tu, bảo tồn các di tích tại Việt Nam, Kazik còn góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, cán bộ Việt Nam, tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho công tác trùng tu, bảo tồn các di sản tại Việt Nam. Năm 1985, ông Kazik đã tham gia với vai trò là giảng viên tổ chức chương trình đào tạo công tác bảo tồn, trùng tu di sản cho các cán bộ tại di tích Huế.

 

Dự án cuối cùng mà kiến trúc sư Kazik tham gia là dự án bảo tồn trùng tu di tích Thế Tổ Miếu - Đại Nội Huế do chính phủ Ba Lan tài trợ và thực hiện với tổng kinh phí 900.000USD, theo Nghị định xử lý nợ của Chính phủ.

 

Kiến trúc sư Kazik - thuộc tổ chức PKZ, Ba Lan đã phối hợp với nhóm kỹ thuật Việt Nam lập hồ sơ và thi công dự án. Tuy nhiên, số phận đã mang ông đi đột ngột trong khi công trình Thế Tổ Miếu đang trùng tu dang dở. Ông mất vào ngày 19/3/1997 tại Huế.

Đọc thêm