Tướng tài nông dân được Vua gả con gái

(PLO) -Là tướng tài dưới thời Vua Trần, từng hai lần tham gia cuộc chiến chống quân Nguyên- Mông hiển hách và được Hưng Đạo Vương tín nhiệm gả con gái cho. Nhưng ít ai biết rằng vị danh tướng này xuất thân từ nông dân, ông là Phạm Ngũ Lão.
Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt gữa đường gặp Vua đi ngang
Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt gữa đường gặp Vua đi ngang

Xuất thân từ nông dân

Phạm Ngũ Lão sinh năm 1255 tại làng Phù Ủng, nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông lớn lên trong thời buổi vương triều nhà Trần đang huy động toàn dân chuẩn bị cuộc chống giặc Nguyên Mông lần thứ hai.

Theo một số tài liệu dẫn gia phả họ Phạm thì Phạm Ngũ Lão là cháu đời thứ 8 của tướng Phạm Hạp, cận thần của Vua Đinh Tiên Hoàng. Đến đời Phạm Ngũ Lão, gia đình sa sút, ông phải kiếm sống bằng nghề đan sọt.

Dù nghèo khó nhưng từ nhỏ Phạm Ngũ Lão đã nổi tiếng hiếu thảo, học giỏi lại rất mực thông minh, nói chung giỏi cả văn lẫn võ. Chàng trai trẻ này luôn nung nấu đem tài trí bảo vệ quê hương, xây dựng đất nước.

Có chuyện kể rằng khi ở làng có người thi đỗ tiến sĩ tổ chức ăn mừng, mời cả làng khao tiệc nhưng Phạm Ngũ Lão không đến dự. Khi mẹ hỏi lý do, Ngũ Lão đáp rằng làm trai phải lập công danh rạng rỡ non sông, ông lại chưa lập được bằng người nên đi dự tiệc mừng người khác nhục lắm.

Tướng tài Phạm Ngũ Lão
Tướng tài Phạm Ngũ Lão

Và rồi mối lương duyên thiên định đã đưa Phạm Ngũ Lão gặp Hưng Đạo Đại Vương. Một lần Hưng Đạo Vương có việc quân đi ngang đất Phù Ủng, Ngũ Lão đang mải đan sọt giữa đường mà không hay quan binh đang đi tới. Nhắc nhở không được, một người lính dùng giáo xuyên vào đùi kẻ cản đường thì Hưng Đạo Vương đi tới. Qua màn đối đáp trôi chảy, Hưng Đạo Vương nhận định chàng nông dân sẽ là lương tướng của triều đình sau này.

Hầu hết các tướng đời Vua Trần đều thuộc dòng dõi vương tôn, riêng Phạm Ngũ Lão xuất thân từ nông dân nhưng nhờ tài trí hơn người nên được các đời vua nể trọng Phạm Ngũ Lão xuất thân không qua thi cử mà đi bằng con đường đặc biệt khi lọt vào mắt xanh vị thánh tướng triều Trần. 

Được Vua tín nhiệm gả con gái

Vị tướng họ Phạm trở thành võ tướng trụ cột triều đình, chỉ huy đội quân bảo vệ vua và cấm thành. Có tài liệu nói Vua Trần phong cho ông tới chức Điện súy Thượng tướng quân, cho lập phủ đệ trong kinh thành. Ông trở thành một trong những vị tướng xuất sắc nhất trong hai cuộc chống giặc Nguyên Mông, sau này tiếp tục đánh dẹp quân Ai Lao, Chiêm Thành cũng như các tù trưởng phản loạn vùng biên giới.  

Nhờ có đức có tài hơn người, Phạm Ngũ Lão được Trần Hưng Đạo thương yêu và gả con gái cho. Đây là chuyện hiếm có trong lịch sử phong kiến. Và để thuận tình, đạt lý, Trần Quốc Tuấn đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi để tránh điều tiếng vương triều. Việc làm này cho thấy tầm nhìn xa của bậc đế vương biết phát huy sĩ khí toàn dân, trưng dụng nhân tài.

Sử gia Phan Huy Chú trong cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí” ở phần ghi chép các vị tướng tài giỏi đã tôn vinh 16 vị tướng từ thời Lý đến thời Lê sơ. Riêng triều Trần có bốn người là Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư và Phạm Ngũ Lão. Điều đó cho thấy sử quan thời phong kiến luôn bảo vệ tôn thất nhiều khi thiên lệch song đã khách quan trong việc nhìn nhận tài năng quân sự của Phạm Ngũ Lão. 

Tài năng quân sự của Phạm Ngũ Lão thể hiện ở sự kiện tháng 9/1284, để đối phó với sức ép từ triều đình nhà Nguyên và sự lung lay nội bộ triều Trần, Trần Quốc Tuấn đã cho tổng duyệt các quân để nâng cáo sĩ khí toàn quân, củng cố tinh thần chiến đấu. Phạm Ngũ Lão khi đó 30 tuổi được giao trọng trách bố trí quân đội bảo vệ vùng biên giới Đông Bắc. Nơi 50 vạn quân do Thoát Hoan dẫn đầu chuẩn bị đánh sang như triều dâng thác đổ. Phạm Ngũ Lão bình tĩnh, mưu mẹo bố trí các chốt đánh chặn, đích thân ông cùng dân binh đánh những trận đầu tiên. Ngũ Lão khôn khéo vừa đánh vừa nhử giặc, từng bước lui binh an toàn về thành Vạn Kiếp như kế sách đã định.

Đặc biệt khi tình thế bất lợi, Hưng Đạo Vương phải phò vua rời Thăng Long. Bấy giờ đạo quân do Toa Đô từ Chiêm Thành đánh ra phía Bắc, phá ải Nghệ An tràn sang đất Thanh Hóa khiến tình thế nguy cấp. Lúc đó Phạm Ngũ Lão đã tiên phong trong đội quân của Thượng tướng Trần Quang Khải đánh nhau với nguyên soái Toa Đô- vị tướng lão luyện của quân Nguyên- Mông. Cục diện cuộc chiến trường kì đã thay đổi, quân định sau khi chiếm thế thượng phong ban đầu sinh ngạo ngễ, khinh địch.

Thời cơ phản công đã tới sau chiến thắng Hàm Tử đánh tan thủy quân của Toa Đô, Phạm Ngũ Lão lĩnh ấn tiên phong dẫn quân phục kích ở Chương Dương, nơi tập trung phần lớn thủy binh và kỵ binh của địch. Trận chiến diễn ra ác liệt, Ngũ Lão dẫn đầu các tráng sĩ cảm tử trên những chiếc thuyền giấu sẵn chất nổ và đồ dẫn lửa tiến vào những hạm thuyền quân Nguyên- Mông mặc đạn bác bắn như mưa, khói lửa mù mịt. Đội cảm tử áp sát đốt thuyền địch, những tiếng nổ lớn vang lên giữa biển lửa. Các tử sĩ vùng lên chiến đấu không gì ngăn được.

Sau trận này, Ngũ Lão tiếp tục dẫn quân chặn đường thoát của Thoát Hoan khiến địch thêm phen khiếp vía. Nhà bác học Lê Qúy Đôn có lời nhận xét về Ngũ Lão như sau: “Phạm Ngũ Lão là người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như kẻ sĩ quân tử đời Tây Hán, thật không phải người tầm thường có thể theo kịp được...”.

 (Còn tiếp)

Đọc thêm