Tuyển dụng viên chức: Không phân biệt loại hình đào tạo

(PLVN) - Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định (DTNĐ) của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Trong đó, DTNĐ đã đưa ra quy định cụ thể về điều kiện, thẩm quyền và đối tượng được ưu tiên trong dự tuyển viên chức. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bổ sung trường hợp đặc thù

So với quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, DTNĐ lần này quy định rõ hơn về việc các đơn vị sự nghiệp có thể bổ sung các điều kiện khác (ngoài các điều kiện quy định trong Nghị định) đối với các vị trí việc làm khi tuyển dụng nhưng những điều kiện này không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập. 

DTNĐ cũng bổ sung quy định về trường hợp đặc thù, cho phép tuyển dụng những người có độ tuổi thấp hơn 18 tuổi nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật (khoản 3 Điều 4).

Ngoài ra, người đăng ký dự tuyển phải có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực theo yêu cầu của vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp, có đủ các điều kiện đăng ký dự tuyển quy định tại Điều 22 Luật Viên chức.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia vào các đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, DTNĐ quy định cơ quan sử dụng viên chức phải xác định chỉ tiêu tuyển dụng tương ứng với vị trí việc làm để tuyển dụng đối với người dân tộc thiểu số.

Đối tượng được ưu tiên 

Về đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức chức, DTNĐ quy định: Những trường hợp là Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, được cộng 7,5 điểm vào tổng kết quả điểm thi;

Trường hợp là người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19/8/1945 trở về trước), con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng Vũ trang, con Anh hùng Lao động thì được cộng 5 điểm vào tổng kết quả điểm thi;

Còn những trường hợp là người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng Công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ thì được cộng 2,5 điểm vào tổng kết quả điểm thi.

Trong trường hợp người dự thi tuyển hoặc dự xét tuyển viên chức thuộc nhiều diện ưu tiên theo quy định trên thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm thi tại vòng 2 quy định tại khoản 2 Điều 8 hoặc khoản 2 Điều 10 Nghị định này.

Thẩm quyền tuyển dụng viên chức

Ngoài ra, DTNĐ cũng điều chỉnh quy định về thẩm quyền tuyển dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ. Theo đó, thẩm quyền tuyển dụng viên chức được quy định rõ cho người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức, thay vì giao thẩm quyền này cho cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập như quy định pháp luật trước đây.

Việc điều chỉnh quy định này nhằm tăng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên của đơn vị sự nghiệp trong tuyển dụng viên chức (khoản 2 Điều 6). Cụ thể, đối với đơn vị sự nghiệp công lập giao quyền tự chủ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Viên chức, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức thực hiện việc tuyển dụng viên chức; quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Luật Viên chức, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức thực hiện việc tuyển dụng viên chức cho đơn vị sự nghiệp công lập; quyết định hoặc ủy quyền quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Tại các cơ quan thuộc Chính phủ hoặc tổ chức sự nghiệp thuộc Chính phủ, DTNĐ quy định, người đứng đầu các cơ quan hoặc tổ chức sự nghiệp này tổ chức hoặc phân cấp tổ chức thực hiện việc tuyển dụng viên chức; quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. 

Còn các đơn vị sự nghiệp công lập thì phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định theo thẩm quyền để tổ chức thực hiện.

Đọc thêm