Tuyển sinh năm 2016: Dự kiến nhiều thay đổi lớn

(PLO) - Sáng 22/10, tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 (qua 6 điểm cầu: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng) khối đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết dự kiến một số điều chỉnh trong tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016. 
Kì thi năm 2016 sẽ thi riêng, xét tuyển riêng?
Kì thi năm 2016 sẽ thi riêng, xét tuyển riêng?
Đại học tự chủ xét tuyển
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bùi Văn Ga cho biết, công tác tổ chức kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 theo hướng cơ bản giữ ổn định như năm 2015 với một số điều chỉnh phù hợp. 
Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 dự kiến tổ chức trong 3 ngày 13, 14, 15 tháng 6; tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015 với một số điều chỉnh phù hợp với thực tiễn; tăng cường phối hợp, hỗ trợ của các trường đại học. Thí sinh ở vùng giáp ranh giữa các cụm thi được linh hoạt lựa chọn cụm thi thuận tiện. Các vùng đặc thù có nhiều khó khăn sẽ xem xét để đặt các điểm thi tạo thuận lợi cho thí sinh.
Đề thi tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực, có độ phân hóa tốt hơn để đánh giá khách quan năng lực thí sinh, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi. Các đơn vị bổ sung, nâng cấp để hoàn thiện hệ thống phần mềm trên nguyên tắc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của kỳ thi, nhất là ở các khâu đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, sẵn sàng đáp ứng cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và những năm tiếp theo. Tăng thêm các cổng công bố kết quả thi để tạo thuận lợi cho thí sinh, khắc phục tình trạng nghẽn mạng như vừa qua.
Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 sẽ điều chỉnh chế độ ưu tiên cho phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn. Các trường thực hiện phương án tuyển sinh riêng tiếp tục xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành. 
Dự kiến sau khi có kết quả thi, các trường tự chủ tổ chức tuyển sinh. Bộ GD&ĐT quy định thời gian bắt đầu và thời gian báo cáo kết quả tuyển sinh; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Bộ có thể quy định các đợt xét tuyển trên cơ sở các mức điểm khác nhau của thí sinh theo thứ tự từ cao xuống thấp để giảm rủi ro cho thí sinh và giảm thí sinh “ảo” cho các trường, mỗi đợt từ 5-7 ngày. 
Các cơ sở đào tạo có thể quy định hình thức, điều kiện, thời gian đăng ký xét tuyển của thí sinh. Các nhóm trường (đặc biệt là nhóm khoảng 30 trường ĐH có sức hút thí sinh mạnh mẽ nhất năm 2015) có thể tự nguyện phối hợp với nhau thực hiện tuyển sinh bằng phần mềm xét tuyển và cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký chung vào nhóm trường này để giảm “ảo”, tạo thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý từ các trường ĐH, CĐ, các Sở GD&ĐT, các chuyên gia giáo dục, phụ huynh, học sinh… để có thể hoàn thiện phương án tuyển sinh tối ưu nhất.
Thi riêng, tuyển sinh riêng?
Ông Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội bày tỏ một số băn khoăn: “Khi tiến hành tự chủ, chúng tôi nghĩ đến vấn đề khó khăn đó là học phí cao lên. Chúng tôi lo lắng đến sức chịu đựng của xã hội, công ăn việc làm của sinh viên khi ra trường. Do đó, khi tự chủ phải có hệ thống hỗ trợ người đi học”. 
Ở góc độ khác, ông Lê Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH FPT cho rằng, kỳ thi quốc gia năm nay có nhiều đổi mới, thay đổi cơ bản cách thức tuyển sinh. Đây là xu thế để các trường tự chủ tuyển sinh, là xu thế phải thực hiện. 
Tuy nhiên, ông Minh cũng băn khoăn khi mà Việt Nam nằm trong một số ít quốc gia kỳ thi là một sự kiện nóng bỏng. Như vậy, kỳ thi vẫn còn vấn đề. Do vậy, ông kiến nghị có thể tổ chức hai đợt thi; giai đoạn nhập học, không nhất thiết chỉ trong một thời gian ngắn. 
Nhận định năm 2015 ngành Giáo dục có rất nhiều hoạt động theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ông Nguyễn Kim Sơn - Phó Hiệu trưởng ĐH Quốc gia đề xuất, năm qua Bộ GD&ĐT ban hành 30 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, tuy nhiên cần thêm văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục ĐH; một số văn bản cần có điều chỉnh cho sát thực tế….  
Nhất định giáo dục đại học Việt Nam không đứng ngoài hệ thống, khung chương trình
Tới dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo thời gian tới, cần có những cuộc làm việc nghiêm túc bàn từng vấn đề: thi cử, tự chủ đại học, phân tầng xếp hạng... với sự tham gia của các bộ, ban, ngành có liên quan, các tổ chức nghề nghiệp như các hiệp hội và những người trực tiếp làm công tác này. Phó Thủ tướng khẳng định, tự chủ đại học là xu thế. Vừa qua, qua nhiều tranh luận đã thí điểm được 12 trường tự chủ, tới đây sẽ tiếp tục rà soát. 
“Tôi mong rằng các trường thay vì đề nghị có lộ trình phù hợp thì hãy đề nghị có cơ chế cho từng đối tượng. Trong xu thế hội nhập hiện nay, nhất định giáo dục ĐH Việt Nam không đứng ngoài cả về hệ thống, khung chương trình...” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.  
Về vấn đề thi và tuyển sinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị có một cuộc họp riêng bàn bạc chi tiết, cụ thể. Hiện tại chưa đưa ra quyết định cuối cùng nhưng khẳng định với nhân dân, nhất định kỳ thi năm tới kế thừa những cái được, khắc phục những cái chưa được của năm nay để có một kỳ thi công bằng, trung thực, nghiêm túc.

Đọc thêm