Tuyệt chiêu giúp mẹ phòng bệnh cho bé khi thời tiết giao mùa

(PLO) -Khi thời tiết chuyển mùa, các bé luôn là đối tượng nhạy cảm và dễ chịu ảnh hưởng nhất do hệ thống miễn dịch cơ thể còn yếu nên dễ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, sổ mũi, cảm cúm...
Tuyệt chiêu giúp mẹ phòng bệnh cho bé khi thời tiết giao mùa. Ảnh: Minh họa
Tuyệt chiêu giúp mẹ phòng bệnh cho bé khi thời tiết giao mùa. Ảnh: Minh họa

Mỗi khi giao mùa, thời tiết thay đổi làm cho cơ thể con người nếu thích nghi không kịp sẽ có những phản ứng ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhất là trẻ em và đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Dưới đây là một số bệnh đường hô hấp ở trẻ khi giao mùa và cách phòng tránh

1. Đau họng:

Bệnh do một loại vi khuẩn gây ra, thường xuyên và dễ gặp ở trẻ nhỏ. Thông thường, khi mắc bệnh trẻ thường bị sưng họng, ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và thậm chí bị nôn.

Triệu chứng:

Nếu bé sốt cao, nhịp thở nhanh, chảy dãi nhiều thì nên đưa đi khám. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, đưa đi khám ngay khi bé xuất hiện dấu hiệu bị sốt. Bé khoảng 3-6 tháng tuổi, sốt đến khoảng 38,3 độ C là nghiêm trọng. Bé trên 6 tháng tuổi sốt ở mức 39 độ C thì cần cảnh báo.

Nếu bé bị đau cả ở khoang miệng, bạn nên đưa đi kiểm tra. Đưa đi khám nếu bé dưới 3 tháng tuổi sốt đến 38 độ C hoặc hơn. Cũng nên đưa bé đi khám sớm nếu cổ họng có dấu hiệu bất thường như sưng (tấy) đỏ; nghi ngờ bé nuốt phải dị vật (bé không thể mở to miệng vì đau); hơi thở trở nên khó nhọc; kém bú (ăn) và quấy khóc liên tục.

Nếu bé sốt cao, nhịp thở nhanh, chảy dãi nhiều thì nên đưa đi khám. Ảnh: minh họa
Nếu bé sốt cao, nhịp thở nhanh, chảy dãi nhiều thì nên đưa đi khám. Ảnh: minh họa

Chữa trị:

Trường hợp đau họng nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc; nếu không dùng thuốc, hệ miễn dịch của bé sẽ tự “chiến đấu” với virús gây bệnh và chiến thắng chúng trong vòng vài ngày đến một tuần.

Trong khoảng thời gian này, bé cần được nghỉ ngơi, chăm sóc bằng những loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.

Nếu nghi ngờ bé bị nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh cho bé. Tùy từng loại bệnh, bác sĩ sẽ cho bé dùng thuốc cụ thể. Cha mẹ nên tuân thủ nghiêm ngặt việc dùng thuốc cho con vì nếu tự ngưng thuốc giữa chừng, vi khuẩn có khả năng tấn công trở lại và khiến họng của bé bị đau trầm trọng hơn.

Phòng bệnh:

Vi khuẩn và virus có thể là thủ phạm gây đau họng cho bé. Bạn nên vệ sinh bàn tay của bé thường xuyên (vì các bé có thói quen mút tay – mầm bệnh sẽ theo đó vào khoang miệng).

Có thể dùng máy điều hòa nhiệt độ trong phòng bé nhưng không nên đặt bé nằm ở nơi có luồng gió trực tiếp, nhiệt độ duy trì từ 24-26oC và thường xuyên vệ sinh điều hòa để tránh nhiễm bẩn.

Mặc quần áo cho bé vừa phải không quá dầy khi thờ tiết không lạnh, bé dễ ra mồ hôi; Lượng mồ hôi này không được thoát ra bên ngoài, dễ hấp thu ngược lại cơ thể bé nên càng khiến bé có khả năng bị viêm họng.

Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột; Đưa bé từ môi trường nóng sang môi trường lạnh một cách đột ngột có thể khiến bé bị đau họng. Do đó, trước khi đưa bé từ trong phòng có điều hòa nhiệt độ ra bên ngoài, bạn nên chuyển bé sang một phòng khác có quạt mát khoảng 10-15 phút; cuối cùng, bạn mới nên đưa bé ra ngoài trời.

Không tắm sau khi bé vận động hoặc đổ nhiều mồ hôi. Nếu tắm ngay sau khi bé ra nhiều mồ hôi thì trẻ dễ bị viêm họng hoặc mắc chứng cảm lạnh, do sự thay đổi thân nhiệt đột ngột.

Nên lưu ý đến việc sử dụng bàn chải và cách vệ sinh răng, miệng cho bé. Những loại vi khuẩn cư trú trên bề mặt bàn chải có khả năng gây các chứng bệnh trong khoang miệng của bé. Trước mỗi lần đánh răng, bạn nên nhúng bàn chải của bé vào một cốc nước ấm, có pha muối nhạt. Cách này cũng giúp loại bỏ phần nào vi khuẩn gây bệnh có trong bàn chải. Sau khi bé đánh răng, bạn nên cho bé súc miệng bằng nước muối ấm, pha nhạt.

Hạn chế cho bé dùng đá lạnh, ăn kem hoặc uống nước lạnh. Đây được coi là một trong những món ăn khoái khẩu của các bé. Các loại nước uống và đồ ăn lạnh nếu được dùng thường xuyên sẽ gây chứng viêm họng cho bé.

Những tác nhân từ môi trường xung quanh như khói thuốc lá, khói than tổ ong, bụi bẩn, lông chó (mèo), phấn hoa… cũng khiến tình trạng viêm họng của bé trầm trọng hơn.

2.Viêm mũi dị ứng

Khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa bé dễ bị viêm mũi dị ứng, đặc biệt những bé có cơ địa mẫn cảm.

- Triệu chứng:

Bé ngứa mũi, hắt hơi nhiều, sổ mũi (nước mũi trong hoặc có đờm), có bé bị nghẹt mũi. Nặng hơn, bé bị khó thở, ù tai.

- Biến chứng:

Viêm mũi dị ứng có thể gây biến chứng thành hen phế quản, hen suyễn, viêm amidan ở bé.

- Phòng bệnh:

Mẹ nên hạn chế cho bé tiếp xúc với vật nuôi như chó, mèo trong nhà.

Mẹ nên giặt giũ thường xuyên chăn, ga, gối cho bé. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh nấm mốc.

Không cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá. Dạy bé cách đánh răng ngày 2 lần là buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi ngủ dậy.

Giữ ấm cho bé khi trời lạnh và không để bé bị nóng quá lúc trời ấm lên

3.Viêm phế quản

Sự thay đổi thời tiết đột ngột lúc giao mùa cũng dễ khiến trẻ bị viêm phế quản. Nguyên nhân gây bệnh có rất nhiều,do dị ứng với phấn hoa, hít phải các chất kích thích như khói thuốc, sợi bông hoặc len…

Triệu chứng:

Biểu hiện của bệnh là trẻ gặp khó khăn khi thở, hơi thở nặng nhọc, giọng khò khè, ho nhiều và xuất hiện đờm. Khi thấy đờm của trẻ có màu vàng trắng tức là trẻ đã bị nhiễm trùng thứ cấp. Lúc này, người lớn không nên khiến trẻ cáu kỉnh vì khi đó trẻ sẽ hét to, việc hô hấp sẽ gặp khó khăn.

Phòng bệnh:

Đối với những trẻ bị viêm phế quản,việc chăm sóc trẻ nên có những lưu ý sau:

Luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là vào ban đêm.

Chú ý chế độ dinh dưỡng, bổ sung nhiều nước và rau tươi. Trẻ bị viêm phế quản thường tiêu hóa kém nên cơ thể không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng, vì thế, khi nấu thức ăn cho trẻ, người lớn nên chia thành nhiều bữa nhỏ và nấu dạng lỏng để trẻ tiêu hóa dễ dàng hơn.

Nếu trong quá trình điều trị mà trẻ xuất hiện nhiều đờm,người lớn nên khuyên trẻ nhổ ra ngoài chứ không được nuốt. Nên để trẻ nằm nghiêng để dễ thở và cũng thuận lợi cho quá trình đào thải các chất nhầy trong cơ thể.

Sự thay đổi thời tiết đột ngột lúc giao mùa cũng dễ khiến trẻ bị viêm phế quản. Ảnh: minh họa
Sự thay đổi thời tiết đột ngột lúc giao mùa cũng dễ khiến trẻ bị viêm phế quản. Ảnh: minh họa

Nười lớn nên chú ý, tuyệt đối không nhiệt độ cơ thể trẻ lên quá 38,5 độ. Khi con sốt cao, hãy kịp thời hạ sốt, lấy nước mát để làm dịu cơ thể và cho trẻ mặc đồ thoáng.

Để trẻ nằm phòng thoáng, đủ ánh sáng và duy trì độ ẩm nhất định giúp trẻ không gặp khó khăn khi hô hấp.

Đặc biệt, khi trong nhà có trẻ bị viêm phế quản thì người lớn tuyệt đối không được hút thuốc vì điều này gây bất lợi cho quá trình điều trị bệnh.

4. Bệnh thủy đậu:

Là loại bệnh thường gặp nhất và dễ nhận biết nhất ở trẻ nhỏ. Trẻ rất dễ mắc bệnh này. Khi dịch lỏng có chứa vi rút thủy đậu do người bệnh ho phát tán trong không khí thì chỉ cần bạn ho 1 tiếng có thể hít phải hàng chục con vi rút này.

Triệu chứng:

Thủy đậu thường không có triệu chứng ban đầu đặc hiệu. Những ngày mới mắc, trẻ có thể mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và ngứa. Sau đó, trên da trẻ xuất hiện các nốt ban đỏ, bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Một vài ngày sau, các nốt ban này phát triển thành các nốt phỏng có dịch trong và nhanh chóng lan ra toàn thân.

Triệu chứng bệnh chỉ xuất hiện sau 10 đến 21 ngày từ khi nhiễm vi rút. Những vết phồng đỏ mọng nước nổi lên trên da. Chúng gây ngứa và sau đó đóng vảy.

Bệnh có thể gây các biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm phổi... Những trẻ đang bị bệnh, mắc chứng suy giảm miễn dịch hoặc dùng corticoid kéo dài, trẻ nhỏ dưới 6 tháng... dễ diễn biến bệnh nặng và biến chứng.

Chăm sóc:

Với bệnh này, chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc tại chỗ. Cần cho trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước và vitamin nhóm C, nhóm B.

Nhiều phụ huynh sai lầm khi kiêng tắm cho con bị thủy đậu. Nên vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, có thể tắm nước sạch nhưng cần tránh chà sát da làm vỡ mụn nước. Nếu kiêng nước hoàn toàn, da bẩn có thể gây bội nhiễm.

Nên bôi các vùng da tổn thương bằng dung dịch sát khuẩn nhẹ như Xanh methylene hoặc mỡ Acyclovir... Nếu trẻ sốt cao, có thể cho dùng thuốc hạ sốt. Cần cho bé ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, mềm...

Trẻ bị bệnh cần cách ly và sử dụng các vật dụng cá nhân riêng, để tránh lây lan cho người khác. Nên vệ sinh mũi họng hàng ngày cho con bằng nước muối sinh lý. Khi thấy bé có các biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục, lơ mơ, co giật... cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thủy đậu thường không có triệu chứng ban đầu đặc hiệu. Ảnh: minh họa
Thủy đậu thường không có triệu chứng ban đầu đặc hiệu. Ảnh: minh họa

5. Đau mắt đỏ

Theo các chuyên gia ở Trung tâm Kiểm soát & Phòng chống dịch bệnh Mỹ thì đau mắt đỏ còn gọi là bệnh viêm kết mạc. Đây là căn bệnh nhiễm trùng màng mỏng trong suốt bao bọc phần trắng của nhãn cầu. Khi bị viêm các mạch máu ở phần trắng thay đổi chuyển thành màu hồng hay đỏ.

Triệu chứng:

Thủ phạm gây bệnh mắt đỏ là do nhiễm khuẩn, virus hoặc phản ứng dị ứng. Triệu chứng thường thấy như đỏ mắt, chảy nước mắt, ngứa mắt, mờ mắt và sưng tấy. Thường lây lan nhanh do mắt tiếp xúc với tay bẩn, quần áo và khăn mặt.

Chăm sóc:

Bệnh đau mắt đỏ thường được điều trị bằng thuốc kháng histamin, viêm kết mạc do khuẩn đòi hỏi phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Trong thời gian chờ đợi điều trị, nên chườm khăn nóng để làm dịu kích ứng, đồng thời hạn chế tối đa va chạm vào mắt.

Cách chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu do vi khuẩn, bác sỹ sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh. Nếu bệnh do vi rút thì bệnh sẽ tự khỏi.

Phòng bệnh:

Để giảm bệnh nên giữ vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trong ngày, giữ vệ sinh quần áo, chăn màn..., tránh tiếp xúc tay - mắt, không nên dùng các chất trang điểm. Nếu trẻ mắc bệnh thì nên đưa đi khám bác sĩ ngay để tìm ra nguyên nhân và điều trị theo phác đồ quy định.

Các bậc phụ huynh lưu ý:

Cho trẻ uống thuốc bổ, vitamin cần thiết ngăn ngừa cảm cúm, tiêm phòng bệnh cúm cho trẻ, cung cấp nhiều chất kháng thể qua các loại nước ép trái cây như cam, bưởi, dưa hấu..., nấu cho trẻ ăn những món tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo cơ thể khỏe mạnh như: các món cá, rau trái...

Nên tăng cường cho con được vận động thể lực: thường xuyên cho bé được tắm nắng, hít thở không khí trong lành, tham gia các hoạt động về thể dục thể thao để tăng cường độ dẻo dai, khỏe mạnh để tăng sức đề kháng.

Khi thấy những dấu hiệu bất thường như trẻ sốt, ho, sổ mũi nhiều nên đưa ngay đến phòng mạch bác sĩ để kịp thời điều trị.

Đặc biệt là các bậc phụ huynh lưu ý không nên tự chữa bệnh cho con. Khi thấy con ho, sốt, không ít người đã tự ra hiệu thuốc, mua kháng sinh về “điều trị”. Mỗi thể viêm có phác đồ điều trị riêng, có loại bệnh dùng kháng sinh này, loại dùng kháng sinh khác, cũng có loại bệnh không nên dùng kháng sinh./.

Đọc thêm