"Tuyệt chiêu" làm khách "nghiện" câu cá giải trí giữa Sài thành

(PLO) - Sau những lần câu cá, nhiều người dân từ già đến trẻ, kể cả tầng lớp thiếu niên ở Sài thành cho rằng, không biết “bị ghiền” môn câu cá giải trí từ lúc nào? Còn chủ kinh doanh, vì muốn níu giữ chân khách tiếp tục đến, họ không ngại tung “chiêu”... 
Các "cần thủ" câu được nhiều cá, gây cảnh "bão cá" cho chủ kinh doanh hồ. Ảnh: Công Hà
Các "cần thủ" câu được nhiều cá, gây cảnh "bão cá" cho chủ kinh doanh hồ. Ảnh: Công Hà

Khi già- trẻ đều“ghiền” câu cá... 

Anh T. (39 tuổi, kinh doanh bất động sản tại Q. Tân Bình), vì mê câu cá nên thường chọn các điểm chuyên cho câu cá vừa để giải trí, cũng vừa làm nơi giao dịch với các đối tác khi tiếp qua điên thoại. Mỗi ngày, T. mua ba suất giờ để câu cá (3 giờ đồng hồ / 120 ngàn đồng/ 1 suất - PV). 

“Thường ngày, khi mang cần đi câu, tôi phải tốn phí ba suất tiền giờ, thêm cà phê, thuốc lá và ăn trưa  tại chỗ là khoảng 500 ngàn đồng. Có hôm, vừa ngồi tiếp khách nhậu nhẹt, vừa cắm cần câu thì cũng phải tốn vài triệu đồng. 

Chỉ tính riêng tiền giờ câu cá gần tháng nay là tốn khoảng 10 triệu đồng, nhưng số cá câu lên được thì chỉ mới 3 con (loại cá tra). Do tôi “ghiền” đến đoạn giật cần lên khi cá vừa cắn câu nên cứ mua tiếp suất giờ và mãi ngồi chờ, miễn sao trong hồ thi thoảng có cá trồi lên để đớp lấy mồi là tạm đủ...”, anh T. tâm sự. 
Đến những đứa trẻ mới cấp tiểu học cũng đã “ghiền” câu cá. Ảnh: Công Hà
Đến những đứa trẻ mới cấp tiểu học cũng đã “ghiền” câu cá. Ảnh: Công Hà
Một trường hợp khác là ông L. (tuổi ngoài 60, ngụ huyện Hóc Môn), vừa nghỉ hưu được một năm. Sau những lần đi câu cá giải trí, giờ đây, niềm vui lớn nhất của ông là thú câu cá. 

Ông cho rằng, hiện nay, mỗi ngày không thể thiếu nó (đi câu cá – PV) và “bị ghiền” từ lúc nào ông cũng chẳng hay...

“Đã về hưu nên tôi không làm gì, hàng tháng lãnh tiền hưu trí ra tôi để dành, chỉ mua thực phẩm làm mồi, mua suất giờ cho việc đi câu cá. 

Các điểm kinh doanh câu cá giải trí xa gần ở đâu tại Sài Gòn này tôi đều tìm đến. Với những hồ có cá lượn lờ lúc ẩn lúc hiện nhưng không chịu đớp mồi làm tôi nóng ruột phát “ghiền” nên phải ngồi chờ và thường xuyên quay lại mua giờ để câu.

Tôi thường đến sớm, vì sau 18h các chủ hồ cá đều không cho khách câu. Tốn rất nhiều tiền câu cá trong gần một năm nay, cũng chỉ vì tôi “ghiền” khi cá cắn câu. Những thời điểm đó, dù ai cho tôi hai triệu đồng để mượn cần giật cá lên thì tôi sẽ từ chối...”, ông Lâm bày tỏ.

Không chỉ có người già cao tuổi, tầng lớp trung niên mà ngay cả các đứa trẻ trong độ tuổi thiếu niên, đang cấp sách đến trường (HS Cấp I), sau những lần được gia đình cho đi câu, cuối cùng, đam mê câu cá cũng không thua kém gì người lớn.
Một đứa trẻ ngồi chờ suốt buổi từ sáng đến trưa mới câu được một con cá nhỏ. Ảnh: Công Hà
Một đứa trẻ ngồi chờ suốt buổi từ sáng đến trưa mới câu được một con cá nhỏ. Ảnh: Công Hà

“Tôi ghiền đi câu cá, mỗi ngày không thể rời chiếc cần câu. Ban đầu, vì không ai trông nom các con nên tôi phải chở chúng đi cùng. 

Để các con không chạy rong, tôi bắt chúng luôn ngồi kế bên. Mỗi khi cá cắn mồi, tôi cho chúng tập kéo một đoạn ngắn. 

Giờ chúng cũng “ghiền” như tôi nên phải sắm thêm một cần câu nhỏ đặt ngồi kế bên. Cá câu đâu chưa thấy nhưng tiền mua giờ thì phải trả gấp đôi”, vợ chồng anh Th. kể lai.     

Chủ kinh doanh lộ...“chiêu”

Qua khảo sát của chúng tôi, nhiều điểm câu cá giải trí tại TP.HCM, hầu hết các bạn trẻ thuộc sinh viên, giới công chức, nhân viên văn phòng... đều có chung quan điểm: “Chọn đến các điểm khu câu cá giải trí là chỉ để ăn uống, sinh hoạt, giao lưu, họp mặt bạn bè. Không nghĩ cắm cần xuống câu là phải có cá, vì biết rằng, câu được cá lên không phải dễ, nhưng tiền giờ thì phải trả đủ...”.
Hấp dẫn từ nguồn lợi nhuận, nhiều hồ câu cá giải trí mới, tranh nhau mọc lên. Ảnh: Công Hà
Hấp dẫn từ nguồn lợi nhuận, nhiều hồ câu cá giải trí mới, tranh nhau mọc lên. Ảnh: Công Hà

Để tìm hiểu sâu hơn vấn đề này, chúng tôi vào vai một người chủ kinh doanh có hồ cá giải trí đang tọa lạc tại tỉnh Long An. Sau nhiều ngày tiếp cận với một số người chủ hồ cá, chúng tôi được hướng dẫn thêm nhiều “chiêu”.

Ngoài những vấn đề căn bản trong việc chăm sóc nuôi cá mạnh khỏe, cách xử lý nguồn nước.... , là mỗi hồ đều có bộ phận nhân viên kỹ thuật giải quyết, người chủ hồ phải có “chiêu” riêng, biết linh động theo dõi lượng khách mỗi ngày đến câu, xem khu vực xung quanh gần kề còn bao nhiêu hồ cho câu cá giải trí? 

Vì nó cùng ngành kinh doanh nên sẽ có sự cạnh tranh, lôi kéo khách hàng, đi kèm cũng là sự hạ bệ, phá “uy tính” nhau là điều không tránh khỏi...

Mỗi ngày, từ sáng đến chiều tối là lúc cá bắt đầu đói, nên sau 18h là ngưng việc cho khách câu, chuẩn bị chuyển sang công việc cho cá ăn no một lần trong ngày. Phải cân bằng điều chỉnh lượng cá cho lên (khách câu được – PV) trong các ngày phải tương đối đều nhau. 

Tránh trường hợp có ngày cá lên quá nhiều, trong giới gọi là “bão cá” thì chủ kinh doanh sẽ bị lỗ nặng. Nhưng cũng không để cá lên quá ít hoặc không lên sẽ làm khách câu nản lòng và chuyển sang đi câu hồ khác. 
Nhiều vị khách nản lòng khi cắm cần câu cá hàng giờ vẫn không thấy động tĩnh gì. Ảnh: Công Hà
Nhiều vị khách nản lòng khi cắm cần câu cá hàng giờ vẫn không thấy động tĩnh gì. Ảnh: Công Hà

Với các khách câu là nhóm người sinh viên, học sinh hay gia đình thì không mấy lo lắng, vì họ câu thế nào cũng lỗ so với số tiền mua tính suất giờ. 

Trong hồ cần phải thả thêm vài con cá loại “khủng” (cá lớn có trọng lượng trên 10kg – PV) để tạo tiếng vang cho các tay câu cá chuyên nghiệp có sở thích canh me câu cho bằng được những con cá này để chứng tỏ là có tầm trong giới đi câu.

Bố trí nhân viên liên tục đi dạo xung quanh hồ để theo dõi những tay câu lạ mặt, khi họ câu lên được quá nhiều cá, theo dõi thức ăn làm mồi cho cá có chứa chất kích thích? 

"Chủ hồ cá cung cấp thêm nguồn cá mới thả xuống cho khách câu cần phải chia ra làm nhiều lần trong tuần, nhằm tránh gặp những tay câu quá chuyên nghiệp tập trung về câu làm hồ bị “bão cá”, ông V. chủ kinh doanh khu câu cá giải trí tiết lộ.  

Sau khi nói xong, ông V. hướng tay chỉ “điểm mặt” các tay câu chuyên nghiệp đang ngồi câu từ xa cho chúng tôi biết để rút kinh nghiệm, vì nghe chúng tôi giới thiệu có hồ câu cá ở Long An. 

Cũng ngày hôm đó, hồ câu cá giải trí của ông V là ngày “bão cá”...

Tạm rời khỏi ông chủ V. trong chốc lát, chúng tôi tiến đến bên những tay câu chuyên nghiệp mà ông V. vừa  “điểm mặt”. Lúc này, chúng tôi chuyển sang vai là những người khách đam mê câu cá nhưng mới chập chững vào nghề câu, muốn được theo chân họ học hỏi kinh nghiệm.

Các tay câu chuyên nghiệp này nhận lời đồng ý. Sau nhiều ngày đi cùng và đến khá nhiều hồ câu cá, mới biết được, những hồ cá ngày nào được chủ hồ vừa thả nguồn cá mới xuống hồ để phục vụ khách đến câu là họ đều nắm rõ lịch.

“Tụi tôi theo dõi và biết được lịch vào đêm nào, hồ ở đâu có thả lượng cá mới xuống hồ là qua hôm sau, nhóm tụi tôi gọi phone nhau và cùng có mặt. Sẽ câu liên tiếp trong 3 ngày liền. 

Có “hầm”, chủ hồ còn không cho nhóm tôi vào câu vì sợ bị “bão cá”, nhưng tụi tôi vẫn có những “chiêu” riêng...”, một “cần thủ” chuyên nghiệp nói.

Khi lượng khách vãng lai tìm đến các khu câu cá để giải trí xem như thú vui, thì không ít người chủ kinh doanh các hồ cá lại dùng “chiêu” nhằm muốn kiếm lợi nhuận cao. Tuy nhiên, đụng phải một số “cần thủ” lại cho rằng: “núi này cao còn núi khác cao hơn, tụi tôi cũng có “chiêu” riêng để đối phó theo một cách lành mạnh, vừa hợp tình lại đúng lý, chủ hồ cá cứ xem tụi tôi như những vị khách vãng lai đến câu đi... sẽ biết”, một tay câu chuyên nghiệp bày tỏ. 

Thực hư đằng sau câu chuyện kinh doanh câu cá giải trí có “bí ẩn” nghề nghiệp gì, khi mà các bên luôn dùng “chiến thuật âm thầm” giữa các “chiêu” riêng với nhau?
PLVN tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong kỳ tiếp theo. 

(Còn tiếp)  

Đọc thêm