Ước mơ dang dở của liệt sĩ nằm lại nơi 'đất lửa' Quảng Trị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Suốt gần 50 năm sau ngày em trai là liệt sĩ Phan Tứ Kỷ hy sinh, gia đình ông Hương vẫn cẩn thận lưu giữ cả trăm hiện vật quý giá của người lính trẻ. Mới đây, ông Hương đã quyết định gửi tặng những hiện vật thiêng liêng ấy cho Bảo tàng Quân khu 4  lưu giữ, trưng bày để giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ mai sau.
 Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ.
Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ.

Nỗi niềm đau đáu sau gần 50 năm 

Sau gần 50 năm lưu giữ những kỷ vật đặc biệt của liệt sĩ Phan Tứ Kỷ (SN 1948 - hy sinh năm 1972, quê quán xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), mới đây ông Phan Duy Hương (SN 1939, trú TP Vinh, anh trai liệt sĩ Kỷ) đã quyết định hiến tặng nhiều hiện vật có giá trị cho Bảo tàng Quân khu 4. Những hiện vật gồm: sổ nhật ký, kèn acmonica, túi vải, 4 lá thư và 88 bức ảnh chiến trường mà liệt sĩ đã chụp lại trong suốt thời gian tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị (1968 - 1972).

Tại buổi trao tặng hiện vật, ông Phan Duy Hương xúc động: “Gần đến ngày 30/4, tôi lại càng nhớ thương em Kỷ nhiều hơn, tôi lần giở từng lá thư, từng trang nhật ký của em dù đã đọc đi đọc lại đến thuộc lòng. Hôm nay, gia đình hiến tặng kỷ vật mà đã lâu luôn gìn giữ, nâng niu mong muốn Bảo tàng Quân khu 4 sẽ lưu giữ, bảo quản và trưng bày để giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ mai sau”.

Chia sẻ về người em trai đã hy sinh, ông Hương trầm tư kể: “Mồ côi mẹ từ sớm, năm cuối tiểu học thì bố qua đời nên từ nhỏ chú Kỷ đã chịu nhiều thiệt thòi. Dù vậy, chú Kỷ luôn sống lạc quan và là người tình cảm”. Thương em út chịu nhiều thiệt thòi, năm 1960, khi vào công tác ở Báo Nhân dân Nghệ An (nay là Báo Nghệ An), ông Hương quyết định đón em vào ở cùng. “Có lẽ một phần vì tiếp xúc với công việc của tôi cùng các cô chú trong cơ quan mà từ nhỏ chú Kỷ đã thể hiện đam mê chụp ảnh, hội họa”. 

Ông Phan Duy Hương kể về người em trai.
 Ông Phan Duy Hương kể về người em trai. 

Năm 1968, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên trẻ Phan Tứ Kỷ vào làm việc ở Ty Lâm nghiệp Nghệ An. Cũng trong năm đó, theo lệnh tổng động viên Kỷ lên đường nhập ngũ, công tác ở Phòng chính trị, Sư đoàn 304. Với nhiệm vụ của mình, người lính trẻ đã ghi lại hàng trăm bức ảnh về chiến trận, các hoạt động của chiến sỹ, đơn vị. Năm 1972 người lính trẻ Phan Tứ Kỷ hy sinh. 

Đối với ông Hương, vẫn biết chiến trận nhiều hiểm nguy, không biết trước ngày mai như thế nào nhưng ngày nhận giấy báo tử của em trai, lòng ông đau như cắt. Nhưng vì lý tưởng cách mạng, họ chấp nhận sự thật và tự hào khi em trai mình đã nằm xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. 

Theo thông tin từ giấy báo tử, liệt sĩ Phan Tứ Kỷ hy sinh ngày 3/8/1972 tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Từ thông tin đó, gia đình ông Hương đã nhiều lần vào Quảng Trị đi tìm hài cốt em trai nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy. Điều đó khiến ông và gia đình đau đáu, trăn trở. 

Những bức thư xúc động

49 năm sau ngày em trai hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, điều an ủi gia đình ông Hương là những hiện vật của liệt sĩ Phan Tứ Kỷ và một số bức thư liệt sĩ gửi về cho gia đình. Ngoài những kỷ vật đã hiến tặng, ông Hương vẫn giữ lại vài bức thư đặc biệt mà em trai gửi về cho mình. 

Cẩn thận lật giở những bức thư được viết nắn nót trên giấy poluya, ông Hương đưa cho chúng tôi bức thư liệt sĩ Phan Tứ Kỷ viết khi mới nhập ngũ. Bức thư được viết vào ngày 21/12/1968 khi người lính trẻ có dịp hành quân qua nhà có đoạn: “Anh! Hôm nay hành quân đi chiến đấu, em tranh thủ về thăm anh, nhưng anh đã đi công tác. Hôm ra đi bộ đội, em không về được, em buồn lắm, giờ lại không gặp được anh. Em lần này đi B dài, có khả năng thống nhất mới trở ra. Em sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng giao. Em có tiến bộ hơn trước nhiều, được kết nạp Đảng rồi.... Em định xin anh chiếc bút máy nhưng không có... Vội quá em phải đi hành quân. Cuối cùng chúc anh khỏe, sớm lập gia đình, công tác tốt. Em của anh”.

Các bức thư của liệt sĩ Phan Tứ Kỷ.
 Các bức thư của liệt sĩ Phan Tứ Kỷ.

Những bức thư liệt sĩ Kỷ gửi về thể hiện tình cảm của người em út khi luôn được anh cả quan tâm, chăm sóc. “Đêm thứ 7 ngày 25/12/1971. Anh thân yêu! Đêm nay trăng sáng, cảnh cũng có vui hơn vì đêm nay có lớp tân binh tập trung gần trường và về chơi. Trong đó có một số là học sinh cũ sắp lên đường. Thế nhưng, em không sao hòa lòng mình vào không khí chung đó được. Chiều nay, em vừa nhận được thư anh. Cứ mỗi lần nhận được thư anh, hoặc đọc lại thư anh, em thấy thế nào ấy – một cảm giác khó tả...”. “Anh thân yêu, biết nói sao để anh hiểu được em cụ thể hơn nhỉ. Chỉ biết nói cùng anh (trong tưởng tượng). “Anh ơi, đừng buồn nhé. Em nhớ, thương và nghĩ về anh nhiều. Em muốn được gần anh hơn”... Biết khi nào em mới gặp anh nhỉ....”, bức thư có đoạn.

Trong bức thư Trung sĩ Phan Tứ Kỷ gửi anh trai đúng 1 ngày trước lúc hy sinh có đoạn viết: “Ngày 2/8/1972, chiến tranh trở lại gây biết bao khó khăn… Thương các anh, các chị nhiều nhưng em không biết làm gì được. Riêng em có đi công tác nhiều, tương đối vất vả. Có lẽ anh nghe tin trong này đánh và thắng sao rồi. Vừa rồi em có lấy được một số hình ảnh khá tốt về các đơn vị, con người và nhân dân vùng giải phóng (Mai Lộc, Ái Tử, thị xã Quảng Trị…). Tuy có vất vả thật đấy nhưng rất vui trong khí thế chung đó. Hiện nay, yêu cầu và nhiệm vụ còn nặng nề song em cũng cố gắng để làm tốt công tác của mình…”. 

Đặc biệt, trong cuốn nhật ký của mình, Phan Tứ Kỷ đã lưu lại những hình ảnh chiến trường không chỉ bằng những dòng chữ, bức ảnh chụp mà chính là những bức tranh sống động do anh vẽ, như trong thư anh gửi cho anh trai của mình là ông Phan Duy Hương: “Em đang vẽ những bức tranh ký họa trong Quân đội, nhất là trong chiến đấu có nhiều đề tài, anh cũng biết đấy, em rất thích hội họa và ước mơ cũng chỉ thế thôi…”. Thế nhưng, chiến tranh đã không cho người lính trẻ ấy trọn ước mơ đó.... Ngày tiếp nhận hiện vật của liệt sĩ Phan Tứ Kỷ, Bảo tàng Quân khu 4 hứa sẽ giữ gìn, bảo quản và phát huy tốt nhất giá trị những kỷ vật mà liệt sĩ để lại... 

Đọc thêm