Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh bán đấu giá động vật quý hiếm vận chuyển trái phép

(PLO) - Ngày 01/02/2015 vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh được Cục Cảnh sát môi trường – Bộ Công An chuyển giao xử lý 42 cá thể tê tê Java vận chuyển trái phép tại địa bàn tỉnh. Nhưng, ngay sau đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ngay lập tức ra quyết định xử phạt hành chính đối tượng vi phạm đồng thời tiến hành bán đấu giá toàn bộ số tang vật tê tê ngay trong đêm.
Số tê tê thu giữ được và đem ra đấu giá
Số tê tê thu giữ được và đem ra đấu giá

Hành động này của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh không những vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) mà còn làm giảm ý nghĩa răn đe, ngăn ngừa tội phạm, biến cơ quan chức năng trở thành một mắt xích trong việc đưa ĐVHD “bất hợp pháp” trở lại lưu thông trên thị trường với danh nghĩa “hợp pháp”.

Trước tình trạng hai loài tê tê của Việt Nam là tê tê Java và tê tê vàng đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng do nạn săn bắn, buôn bán và tiêu thụ trái phép, Chính phủ đã nâng cấp độ bảo vệ cả hai loài tê tê của Việt Nam và hiện nay chúng được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP. Như vậy, cả hai loài tê tê của Việt Nam đều được bảo vệ cao nhất theo quy định của pháp luật, tương tự như mức độ bảo vệ của gấu, hổ, voi hay tê giác.
Các hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép tê tê hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm, bộ phận của chúng phải bị xem xét truy cứu trách nhiệm Hình sự. Thêm vào đó, tang vật tê tê sau khi tịch thu cần được xử lý theo các biện pháp quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP mà không tiến hành bán đấu giá.
Sau khi Nghị định 160/2013/NĐ-CP có hiệu lực (từ ngày 01/01/2014), Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã gửi khuyến cáo đến Ủy ban Nhân dân và các cơ quan thực thi pháp luật có liên quan như: Tòa án,Viện Kiểm sát, Chi cục Kiểm lâm và cơ quan Công an của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm cập nhật tình trạng bảo tồn cũng như cách thức xử lý các vụ việc liên quan đến tê tê vàng và tê tê Java theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. 

Tuy nhiên, nhiều cơ quan chức năng địa phương vẫn tiếp tục áp dụng quan điểm xử lý vi phạm về tê tê theo quy định cũ, tức là xử phạt hành chính và bán đấu giá tang vật vi phạm.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung – Phó Giám đốc ENV cho biết “Hiện nay tình trạng săn bắt và buôn bán tê tê đang ở mức báo động, đặc biệt là vào gần các dịp lễ Tết. Do đó, để bảo vệ hai loài tê tê của Việt Nam khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng thì việc xử lý nghiêm minh các vi phạm liên quan đến tê tê là vô cùng quan trọng. Có như vậy mới giúp giảm thiểu được tình trạng săn bắt và buôn bán các loài tê tê của Việt Nam.”

"Chúng tôi hi vọng các cơ quan thực thi pháp luật sẽ nhận thức được mức độ nghiêm trọng của những vi phạm liên quan đến tê tê và do đó áp dụng đúng quy định hiện hành của pháp luật. Theo đó, các vi phạm đối với tê tê cần được xem xét xử lý Hình sự và không áp dụng bán đấu giá đối với loại tang vật này.” - Bà Dung cũng nói thêm./.

Đọc thêm