Vấn đề nhà vệ sinh công cộng: Vẫn là bài toán nan giải

(PLO) - Sự kiện TP Hồ Chí Minh mới đây đã mạnh tay xử lý những người đi vệ sinh nơi công cộng ở khu vực trung tâm đã khiến nhiều người dân hoan nghênh, hưởng ứng. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm chỉ là phần ngọn, sẽ chưa thể mang lại hiệu quả cao nếu chính quyền thành phố chưa giải quyết rốt ráo được bài toán khó về số lượng và chất lượng các nhà vệ sinh công cộng.
Cần nhiều hơn nữa những nhà vệ sinh sạch, đẹp, phân bổ hợp lý trên địa bàn thành phố.
Cần nhiều hơn nữa những nhà vệ sinh sạch, đẹp, phân bổ hợp lý trên địa bàn thành phố.

Đã quyết liệt nhưng hiệu quả chưa cao…

Bắt đầu từ đầu tháng 3, lực lượng quản lý đô thị, đơn vị được TP HCM giao thực thi việc kiểm tra, xử lý các hành vi tè bậy nơi công cộng ở khu vực quận 1. Đợt ra quân nói trên nằm trong chiến dịch chấn chỉnh mỹ quan đô thị thành phố, căn cứ vào Nghị định 167 và 179 của Chính phủ, theo đó những người tiểu bậy nơi công cộng lần đầu sẽ bị phạt 200 ngàn, tái phạm là 300 ngàn.

Trong gần 1 tháng ra quân, với sự hỗ trợ của camera đặt trên các tuyến đường, lực lượng quản lý đô thị đã phát hiện 36 trường hợp, xử phạt 28 trường hợp. Nhiều người bị phạt đã phải tự múc nước dội “sản phẩm” của mình để lại trên đường phố và đều cam kết sẽ không tái phạm.

Chủ trương này của thành phố đã được đa phần người dân rất hoan nghênh. Trước đó, tình trạng ngang nhiên tè bậy, thậm chí phóng uế nơi công cộng đã làm mất mỹ quan thành phố, gây ô nhiễm và thậm chí làm “xấu xí” hình ảnh “hòn ngọc Viễn Đông” trong mắt nhiều du khách. Người dân cũng cho rằng, nên triển khai rộng các đợt kiểm tra xử phạt trên toàn bộ địa bàn thành phố chứ không chỉ giới hạn tại khu vực trung tâm.

Tuy nhiên, cũng rất nhiều ý kiến cho rằng, việc phát hiện và xử phạt người tè bậy nơi công cộng chỉ là “cưa phần ngọn”. Điều quan trọng là làm thế nào để giải quyết triệt để được phần gốc, nghĩa là tìm ra nguyên do của việc tiểu bậy và xử lý thoả đáng thì mới mong ý thức người dân tốt lên, không cần phạt mà vẫn tuân thủ quy định.

Nếu thiếu hệ thống vệ sinh công cộng

Theo thống kê thời điểm cuối năm 2015, toàn TP HCM chỉ có trên 200 nhà vệ sinh công cộng. Dân số thành phố khoảng 10 triệu người, một tỉ lệ quá chênh lệch về số nhà vệ sinh và nhu cầu của người dân.

Trong số đó, các khu vực trung tâm như quận 1, quận 3 tập trung nhiều nhà vệ sinh công cộng nhất, còn lại nhiều quận rất ít được phân bố nhà vệ sinh. Thậm chí có nhiều khu vực, cả hai, ba tuyến đường, vài kilômét không thể tìm ra được một nhà vệ sinh công cộng nào.

Bên cạnh “cái khó” về số lượng thì chất lượng nhà vệ sinh công cộng còn đang là cả một vấn đề đối với người dân. Ngoại trừ nhà vệ sinh các khu vực trung tâm thì hầu hết nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố là nỗi khổ lớn đối với người dân có nhu cầu giải quyết. Đa phần các nhà vệ sinh đều nhếch nhác, hôi hám, thậm chí một số nhà vệ sinh khu vực vắng còn bị nhiều con nghiện sử dụng làm nơi tiêm chích ma tuý. Số khác thì bị “chiếm giữ” để sử dụng sai mục đích bởi những người bán hàng ven đường.

Đó là nhà vệ sinh trên đường phố, còn tại nhiều nơi công cộng khác như bến xe, chợ…, nhà vệ sinh thật sự là nỗi… kinh hoàng đối với người sử dụng. Phí thì vẫn thu, nhưng sự dơ bẩn, hôi hám thì khó lòng khiến người bước vào chịu đựng nổi. Đó là lý do khiến tại các khu vực chung quanh bến xe, chợ luôn bốc mùi khai, hôi bởi những người “thà đi ngoài đường hơn bước vào nhà vệ sinh”.

Với nhà vệ sinh công cộng trên đường, nghịch lý là người ta dễ dàng bắt gặp người dân tè bậy cách nhà vệ sinh công cộng chỉ… vài bước chân. Với người Việt, có thể “bất chấp” mà tè bậy ngoài đường, nhưng với du khách nước ngoài thì là cả một nỗi sợ hãi, bởi nhà vệ sinh công cộng thì quá dơ bẩn, không chịu được, còn phóng uế ngoài đường thì họ… không dám.

Có thể thấy, khu vực trung tâm thành phố (các quận 1, 3) là nơi được phân bố nhiều nhà vệ sinh công cộng nhất, cũng là nơi có nhà vệ sinh sạch sẽ, chất lượng nhất, tuy nhiên, đợt ra quân đầu vẫn phát hiện không ít người dân tiểu bậy nơi công cộng, huống hồ là các quận không phải trung tâm, quận ven.

Chính vì thế, nếu chưa xử lý bài toán thiếu số lượng, kém chất lượng nhà vệ sinh công cộng cùng với sự phân bổ hợp lý thì việc mở rộng xử phạt người “tè bậy” trên toàn địa bàn thành phố chỉ mang hiệu quả nhất thời, “bắt cóc bỏ đĩa”, tốn sức người, sức của mà thôi.

Đọc thêm