Văn Miếu 271 tỷ đồng chưa biết... thờ ai

(PLO) - Công trình xây mới Văn Miếu ở tỉnh Vĩnh Phúc đang gây “bão” dư luận trong những ngày vừa qua. Dù công trình sắp hoàn thành với số kinh phí gần 300 tỷ đồng nhưng tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang loay hoay đi tìm… người để thờ. Để “chốt” việc thờ ai, tìm tên chuẩn cho công trình này, có lẽ tỉnh Vĩnh Phúc lại tiêu tốn thêm nhiều thời gian và kinh phí. 
Một góc Văn Miếu - Vĩnh Phúc
Một góc Văn Miếu - Vĩnh Phúc 
Ai sẽ được thờ?
Công trình Văn Miếu ở tỉnh Vĩnh Phúc được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt đầu tư xây dựng từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Chủ đầu tư là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Vĩnh Phúc. Được xây dựng trên khu đất có diện tích 42 nghìn mét vuông tại Khu đô thị Hà Tiên (phường Liên Bảo, TP.Vĩnh Yên), Văn Miếu Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư 271 tỷ đồng từ 100% ngân sách của tỉnh với các hạng mục như: hồ Thiên Quang, tứ trụ, cầu đá, nghi môn, đền chính, bia tiến sĩ, gác chuông, gác trống, sân hành lễ, đại thành môn...  
Dư luận “dậy sóng” vì sự  đầu tư “khủng” này, bởi  hiện nay Vĩnh Phúc có hơn 1.000 di tích lịch sử miếu mạo, đền thờ, trong đó có hàng chục di tích được xếp hạng quốc gia đang xuống cấp một cách nghiêm trọng. Vậy tại sao không trích một khoản tiền ra để trùng tu những di tích lịch sử đang xuống cấp trước đã? Tuy nhiên, chuyện phản đối sự lãng phí xây Văn Miếu chưa lắng xuống thì dư luận lại bức xức khi cơ quan chức năng Vĩnh Phúc đang “toát mồ hôi” khi tìm người để… thờ.  
Ông Trần Mạnh Định, Giám đốc Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc cho rằng: “Trong thiết kế, bài trí thờ tự ở phần cuối là bài vị Khổng Tử. Tuy nhiên, khi xây dựng gần xong thì có ý kiến không đưa bài vị của Khổng Tử vào thờ nên vẫn đang tranh cãi. Cái gì không ổn thì tổ chức hội thảo để làm rõ”. 
Còn ông Kim Văn Ngoan Quýnh - Phó Giám đốc Sở lại cho rằng: “Toàn bộ đề án trưng bày nội thất của Văn Miếu (ở Vĩnh Phúc) mà Sở Văn hóa là chủ đầu tư, đã báo cáo qua nhiều lần hội thảo khoa học, qua nhiều lần họp với các nhà khoa học đều không đưa Khổng Tử vào thờ ở đó mà chỉ đưa vào gian thờ chính là ông Chu Văn An, chứ không phải Khổng Tử. Sau này mới có một số ý kiến cho rằng phải đưa Khổng Tử vào thờ trong Văn Miếu. Quan điểm của ngành chúng tôi trong việc phê duyệt nội thất ở Văn Miếu là không thờ Khổng Tử trong đó”. Việc trả lời “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này khiến dư luận không khỏi bức xúc khi một công trình tốn kém, hoành tráng ấy xây gần xong mà không… biết thờ ai (!)
Có đổi tên Văn Miếu?
Trước sự việc “tréo ngoe” này, nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận: “Tôi lấy làm tiếc khi Vĩnh Phúc quyết định xây một công trình lớn như vậy mà không tranh thủ ý kiến của các chuyên gia lịch sử. Bây giờ đang loay hoay với việc sử dụng công năng của nó như thế nào và nói sẽ xem xét có nên thờ Khổng Tử hay không thì thật buồn cười, bởi lẽ đã gọi là Văn Miếu thì sẽ thờ Khổng Tử. Không thể thờ ai khác được”. Nhà sử học gợi ý, nếu đã không thờ Khổng Tử thì nên đặt cho nó một cái tên khác đi, ngoài Văn Miếu.
TS khoa học- lý luận và lịch sử văn hoá Phan Đình Tân - Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL cũng băn khoăn về tên công trình này có nhất thiết cứ phải đặt là Văn Miếu một cách rập khuôn và máy móc như thế?. Có cần thiết xây thêm Văn Miếu ở Vĩnh Phúc hay không khi Việt Nam đã có Văn Miếu nổi tiếng, lâu đời như Quốc Tử Giám, Hà Nội?. Theo ông Phan Đình Tân, cách tốt nhất là tỉnh Vĩnh Phúc nên đặt một cái tên khác thay vì Văn Miếu. Nếu không thờ Khổng Tử, lãnh đạo tỉnh có trách nhiệm hỏi xin ý kiến các chuyên gia, nhân dân để cùng chọn ra những tấm gương sáng của Việt Nam để tôn thờ.
Công trình sắp hoàn thành, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang loay hoay đi tìm… người để thờ. Để “chốt” việc thờ ai, tìm tên chuẩn cho công trình này, có lẽ tỉnh Vĩnh Phúc lại tiêu tốn thêm nhiều thời gian và kinh phí…
Cần xác định rõ mục đích xây Văn Miếu
Giáo sư Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống cho rằng một tỉnh như Vĩnh Phúc muốn xây dựng hay tu bổ công trình văn hóa gì thì đều phải chú ý đến các vấn đề quan trọng như: thứ nhất, phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép; thứ hai, phải xem nguồn tiền ở đâu, từ xã hội hóa hay lấy từ nguồn ngân sách quốc gia; thứ ba là, xác định xây dựng một Văn Miếu to hơn Văn Miếu ở Hà Nội mục đích để làm gì? Có vì việc học, việc tôn vinh đạo đức, giữ gìn văn hóa của xã hội hay không hay lại vì nguyên do nào khác?. Trong khi đó ở Vĩnh Phúc có rất nhiều công trình lịch sử đã xuống cấp lại không được chú ý và tu bổ. Ngoài ra, còn có nhiều việc cần đầu tư hơn như: xây trường học, nhà ở, bệnh viện... cho đồng bào nghèo khó.

Đọc thêm