Về chợ Hàng đất Cảng săn hàng “độc”

(PLO) -Trong khi chợ phiên truyền thống ở nhiều vùng quê đang dần mai một bởi sự ra đời của các siêu thị hiện đại, trung tâm thương mại sầm uất thì cách trung tâm Hải Phòng không xa, vẫn còn có phiên chợ Hàng quê kiểng như vốn có từ hàng trăm năm trước đều đặn họp vào sáng chủ nhật hàng tuần. Đây là chợ phiên truyền thống duy nhất còn lại của thành phố Hoa Phượng Đỏ...
Một góc chợ Hàng tấp nập kẻ bán, người mua.
Một góc chợ Hàng tấp nập kẻ bán, người mua.

“Đặc sản” của thành phố Cảng

Từ khoảng 3h sáng sớm chủ nhật hàng tuần, các chủ hàng từ Hải Phòng và vùng lân cận đã chở hàng hóa đến tập kết và bày bán ở khu vực đường Nguyễn Văn Linh, đường Dư Hàng, đường Hoàng Minh Thảo... 
Giữa lòng một thành phố công nghiệp hiện đại, phiên chợ là cả một thế giới đồng quê, dân dã. Chẳng phải tìm kiếm đâu xa, người Hải Phòng sinh sống ở nội thành cứ đến chợ Hàng là có thể mua được đàn gà con, cây rau giống, cây cảnh, đặc biệt là các món đồ thân thuộc ở làng quê như điếu cày, rổ rá đan bằng tre, chõng tre, quả bồ kết, lá hương nhu…
Phiên chợ có đủ thứ để hấp dẫn mọi người với vô vàn sở thích và… túi tiền khác nhau. Hàng hóa có giá chỉ từ vài nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng. Cũng có những cây cảnh quý, dáng đẹp có giá đến hàng chục triệu đồng. 
Giáp tết, chợ bày bán bạt ngàn đào, quất, mai, hải đường, lộc vừng và cả những cây sung sai trĩu quả. 
Không những vậy, chợ còn bày bán những thứ mà tìm “đỏ mắt” ở ngoài cũng không thấy, từ bộ sưu tập bật lửa, đồng hồ cũ đến cả bát điếu, máy đánh chữ, nhạc cụ cổ… Tất cả đều là hàng “độc”. 
Anh Nguyễn Thiện, một doanh nhân có sở thích sưu tầm hàng “độc” chia sẻ: “Chủ nhật tuần nào tôi cũng đến chợ để “săn tìm” những món đồ càng dị càng lạ càng tốt. Có lần tôi “bắt” được mấy chiếc bình cổ chạm khắc vô cùng tinh xảo, chỉ có từ thời vua chúa xưa. 
Nhưng có khi đi mấy phiên tôi cũng không kiếm được món nào ưng ý. Đổi lại, tôi được gặp gỡ những người có cùng sở thích, trao đổi kinh nghiệm mua hàng “độc”, hàng cổ”.
Cái hay của phiên chợ là không quá quan trọng việc mua bán. Người  đến chợ nhiều khi chỉ để ngắm nghía, chiêm ngưỡng và thư giãn trong dịp cuối tuần, thế nhưng lúc nào chợ cũng đông đúc, tấp nập. Dạo một vòng quanh chợ, ta có thể bắt gặp nhiều khách hàng từ Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh... 
Không chỉ được hàng vạn người địa phương yêu mến, chợ Hàng còn hấp dẫn cả với khách du lịch nước ngoài. 
Kể về “cái duyên” gắn bó cùng chợ Hàng trên 40 năm, ông Phan Thanh Ngọc, thợ rèn bán hàng gần cổng chợ cho biết: “Đã mấy chục năm nay, tôi thuê một cái kho nhỏ gần chợ để chứa đồ. Chủ nhật hàng tuần, tôi chạy xe từ quê Bát Trang, huyện An Lão ra chợ Hàng để bày bán đồ rèn. 
May mắn là gian hàng nhỏ của tôi lúc nào cũng đông khách quen. Đồ rèn gia truyền của dòng họ tôi trông rất giản dị nhưng sắc nét”. 
Nuối tiếc “thuở vàng son”
Theo Tiến sỹ Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng, chợ Hàng gắn liền với sự ra đời và phát triển của làng xã Hàng Kênh xưa. Trong lịch sử, đây là một làng giàu có nổi tiếng của Hải Phòng, quan hệ mua bán rộng rãi với thương nhân ở nhiều địa phương khác. 
Một góc chợ Hàng
 Một góc chợ Hàng
Chợ Hàng xưa nằm giữa sông Lạch Tray và nhánh sông nhỏ chảy từ sông Cấm đến ngã ba An Đà (nay là hồ An Biên), một nhánh chảy theo mương An Kim Hải ra khu vực Máy Chai, một nhánh chảy qua phố Đồng Quốc Bình ra cầu Rào. 
Khi đó, chợ được đặt ở vị trí là cận sông để tiện lợi cho việc giao thương chủ yếu bằng tàu thuyền. Vì thế mà xưa kia, chợ Hàng là phiên chợ đông nhất, nhiều mặt hàng nhất, không gian rộng rãi nhất TP Cảng.
Các bậc cao niên sinh sống ở khu vực chợ Hàng xưa kể lại, đây là chợ phiên truyền thống đã tồn tại 50-60 năm. Thời xưa, chợ chỉ họp vào các ngày 5, 10, 15 âm lịch hàng tháng, nhưng hiện nay sáng chủ nhật nào chợ cũng họp. 
Trải qua nhiều năm tháng, do không đáp ứng được nhu cầu mở rộng của chợ, chợ Hàng cũ được chuyển về vị trí mới thuộc phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân.
Sử sách ghi chép lại, chợ Hàng mang yếu tố tín ngưỡng – tâm linh quan trọng với người dân Hải Phòng xưa. Trước tết Nguyên đán, người dân Hải Phòng “chơi chợ” để mua sắm đồ thờ, hoa, cây cảnh… về trang trí. Sau tết, mọi người “chơi chợ” để mua cây giống, con giống về nuôi trồng với mong muốn một năm làm ăn phát đạt, thịnh vượng. 
Không chỉ mang yếu tố tín ngưỡng - tâm linh, chợ Hàng còn mang đậm nét văn hóa của cộng đồng làng xã. Trong đó, cư dân Hàng Kênh xưa chủ yếu từ vùng Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương đến định cư, tạo lập cuộc sống từ thế kỷ 10 với cư dân ven biển.
Tiến sỹ Đoàn Trường Sơn nuối tiếc: “Giá mà Hải Phòng coi trọng việc lưu giữ, mở mang chợ Hàng xưa thì chắc chắn phiên chợ sẽ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo chẳng kém gì chợ Viềng (Nam Định). Xét về quy mô, mức độ giao thương, lượng hàng hóa, chợ Hàng xưa “chiếm lĩnh” vị trí đầu bảng so với các chợ phiên khác ở miền Bắc”.
Thay lời kết
Tới chợ Hàng, người ta như “lạc” vào thế giới đồng quê thực sự gần gũi, mộc mạc, dân dã với những trải nghiệm thú vị. Không gian phiên chợ chẳng khác nào không gian của một ngày hội. Hầu như chẳng có ai đi chợ Hàng lại về tay không, dù cho người đó chỉ định tới chợ để chơi, để ngắm. Tháng Chạp đã tới. 
Đâu đó, nhiều người than thở không khí tết chưa nhộn nhịp, cuộc sống hiện đại khiến nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị lãng quên. Vậy tại sao không tới chợ Hàng để tìm lại chút hương vị tết xưa, khi chỉ còn vài phiên nữa là xuân sang?.

Đọc thêm