Vế đối chấn động vua quan nhà Thanh

(PLO) -Nhân vật có những điều khá lý thú nhưng ít được sử sách nhắc tới này là Bảng nhãn Nhữ Trọng Thai (?-?) còn có tên khác là Nhữ Trọng Đài, người làng Hoạch Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, Hải Dương). 
Viết câu đối
Viết câu đối

Nhữ Trọng Thai xuất thân trong gia đình khoa bảng có tiếng ở huyện Đường An, ông nội là Nhữ Tiến Dụng đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Giáp Thìn (1664), chú ruột là Nhữ Đình Hiền (còn có tên khác là Nhữ Tiến Hiền) đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Canh Thân (1680), em họ là Nhữ Đình Toản (con trai của Nhữ Đình Hiền) đỗ tiến sĩ khoa thi năm Bính Thìn (1736)…

Thăng trầm chốn quan trường

Nhữ Trọng Thai đỗ Đình nguyên đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa thi năm Qúy Sửu (1733) đời Lê Thuần Tông. Trên văn bia khắc tóm lược về khoa thi này như sau: “Lúc bấy giờ sĩ tử đăng tên dự thi gần 3.000 người, chọn được hạng xuất sắc là bọn Nguyễn Hồ Quýnh 18 người.

Ngày tháng 5 triệu vào thi Điện, ban cho Nhữ Trọng Đài đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh; Trần Trọng Liêu, Nguyễn Hồ Quýnh đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Kỳ Nhậm 15 người đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Gọi loa xướng tên ở thềm rồng, treo bảng vàng tại nhà Thái học, ban mũ áo triều phục, cho hoa bạc yến Quỳnh, thứ lớp ban ơn nhất nhất đều theo điển chương phép cũ, mà việc khắc đá đề tên cũng theo đúng lệ xưa”.

Sau khi đỗ đạt, Nhữ Trọng Thai làm quan trải nhiều chức vụ, dần được thăng lên chức Hiến sát sứ. Bấy giờ, khởi nghĩa nông dân nổ ra nhiều nơi, triều đình Lê – Trịnh phải thường xuyên cho quân tướng đi đánh dẹp.

Trong số các lực lượng chống đối triều đình, mạnh nhất là lực lượng của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở Ninh Xá; không ít lần quân tướng triều đình bị đánh cho đại bại. Năm Tân Dậu (1741), “triều đình sai Đặng Đình Luận làm Đốc lãnh thượng đạo Hải Dương, Trần Trọng Liêu và Nhữ Trọng Thai giữ chức Hiệp đồng, đem quân đi đánh.

Bọn này tiến quân đóng ở Đông Triều. Tuyển sai người xin hàng, Đình Luận tin lời, không phòng bị. Đêm đến, Tuyển đánh úp doanh trại. Đình Luận, Trọng Liêu và Trọng Thai đều bị bắt, Tuyển cho ở riêng một chỗ. Sau này Tuyển bị thua, bọn Đình Luận trốn về, đều bị lột hết quan chức và tước phẩm” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

Như vậy, tính từ khi đỗ đạt đến khi bị cách chức, Nhữ Trọng Thai làm quan chưa đầy 8 năm. Sau khi bị tước hết các chức vụ, ông về quê sống ẩn dật. 

Vì sao chỉ đỗ Bảng nhãn?

Tương truyền rằng vào khoa thi Tân Hợi (1771), Nhữ Trọng Thai về kinh ứng thí. Theo thông lệ, trước kỳ thi các sĩ tử thường rủ nhau đến Chân Vũ quán ngủ đêm tại đó để cầu mộng. Đêm ấy, thần báo mộng cho Nhữ Trọng Thai biết ông sẽ đỗ Trạng nguyên. Khi tỉnh dậy, nghĩ tới giấc mộng mà vui mừng, ông nói với đầy tớ: “ Sau khi đỗ Trạng, ta sẽ cưới con gái nhà quyền quý kia và lấy thêm đất của hàng xóm để xây dinh thự cho rộng rãi”.

Người đầy tớ mới hỏi: “Cô gái nhà quyền quý kia liệu có chấp nhận để ông lấy về làm vợ lẽ hay không? Còn bà nhà ông sẽ phải giải thích thế nào?” Nhữ Trọng Thai đáp: “Bà nhà là người phụ nữ quê mùa, thô tục. Ta thấy không cần phải bàn tới làm gì”. Người đầy tớ lại hỏi: “Vậy còn đất đai của hàng xóm, làm sao ông có thể lấy của họ được?”  Nhữ Trọng Thai trả lời luôn: “ Khi đã đỗ Trạng nguyên rồi, ta muốn gì mà chẳng được!?”

Người đầy tớ cho lời ấy là không phải, nhưng biết không khuyên can được nên cũng im lặng. Khoa thi năm ấy, chẳng những không đỗ Trạng nguyên mà Nhữ Trọng Thai còn không đỗ đạt gì cả. Ông buồn bã trở về và nhận ra rằng, trong lòng mình chứa đầy những điều thất đức, lời nói của mình vô lễ, ngạo mạn nên chắc trời giận, dẫu đã có sự sắp đặt người đỗ trong khoa thi ấy nhưng vì người được chọn không có đức nên trời mới đổi ý. 

Sách Đăng khoa lục sưu giảng cho biết rõ hơn về câu chuyện này như sau: “…Thế rồi quả nhiên ông trượt khoa đó, ông ngờ là Thần báo mộng một cách huyền ảo. Khi về đến nhà, đêm hôm ấy lại thấy mộng Thần bảo rằng: “Thượng đế đã cho khoa này đỗ Trạng rồi, nhưng Trạng nguyên không có đức không nhớ câu chuyện dọc đường hay sao? Thượng đế phạt nghỉ một khoa và giáng xuống thứ nhì.” Khi thức dậy, lấy làm hối lắm, mới tin mộng khi trước là thực chứ không phải huyền ảo. Khoa sau chỉ đỗ Bảng nhãn”.

Tới khoa thi năm Qúy Sửu (1733) Nhữ Trọng Thai rất nỗ lực phấn đấu, trước hôm thi ông lại đi cầu mộng, lần này nhiều sĩ tử được thần báo rằng bảng Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) chỉ có duy nhất một người và người đó tên là Thái Công.

Bấy giờ ai cũng cho rằng thần báo mộng sai vì khoa thi năm ấy không có ai tên là Thái Công cả, nhưng Nhữ Trọng Thai liền nói rằng đó là điềm ứng vào bản thân ông: “Thái Công là tôi chứ ai nữa, khi nói lái sẽ thành Cống Thai, tôi là cống sĩ có tên là Thai. Thái Công là Cống Thai, đích thị là tôi rồi!”

Qủa nhiên khoa đó triều đình chỉ lấy đỗ một Bảng nhãn là Nhữ Trọng Thai, không lấy Trạng nguyên hay Thám hoa và lấy đỗ 17 tiến sĩ. Tuy đỗ cao nhưng Nhữ Trọng Thai cho rằng vì lần trước mình có điều trái đạo nên trời phạt bắt thi hỏng một khoa và khi đỗ cũng bị hạ một bậc.

Sĩ tử đi thi
Sĩ tử đi thi

Sứ thần Việt và câu đối treo tại Thiên An Môn

Cuối thời Lê, triều chính đổ nát, quyền thần lộng hành, vua Lê Chiêu Thống bạc nhược, phải cầu viện quân Mãn Thanh để duy trì ngai vàng. Trong bối cảnh đó, Nhữ Trọng Thai và một số cựu thần nhà Lê như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích… đã dũng cảm gạt bỏ quan niệm trung quân mù quáng để hướng theo lực lượng chính nghĩa, tiến bộ, tham gia phục vụ vương triều Tây Sơn.

Đầu năm Kỷ Dậu (1789), sau khi đánh đuổi 29 vạn giặc Mãn Thanh xâm lược, thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, để đỡ “mất mặt thiên triều”, vua Quang Trung đã chủ động sai sứ triều cống, xin đặt quan hệ; vua Thanh là Càn Long (1735-1796) cũng nghe danh vị vua dũng mãnh, tài cao của nước Việt nên đành phải chấp thuận, lại còn có lời mời Quang Trung sang thăm nhân dịp lễ mừng thọ 80 tuổi của mình.

Đầu năm Canh Tuất (1790), nhà Tây Sơn chọn võ tướng Nguyễn Quang Thực (một số sách ghi là Phạm Công Trị) có dung mạo giống vua Quang Trung để đóng giả làm quốc vương nước Nam dẫn đầu phái bộ gồm 150 người sang nhà Thanh, trong số đó có Nhữ Trọng Thai.

Đoàn phái bộ nước Nam sang nhà Thanh đúng vào dịp Càn Long tổ chức lễ mừng thọ 80 tuổi và 55 năm ở ngôi hoàng đế, khắp nơi cờ hoa, đèn nến trang trí rực rỡ, lung linh đủ sắc màu; tại cửa Thiên An Môn còn treo một vế đối mừng viết trên tấm lụa hồng lớn mang đầy ý nghĩa chúc tụng:

“Long phi cửu ngũ, ngũ thập ngũ niên, ngũ số hợp thiên, ngũ số hợp địa, ngũ đức tu, ngũ hành dụng, ngũ phúc lung linh hàm phượng liễu”, nghĩa là:  “Trên ngôi cửu ngũ, trị vì 55 năm, số năm hợp với trời, số năm hợp với đất, sửa mình theo năm đức, trị nước theo ngũ hành, năm phúc chầu vào liễu phượng”. (Năm đức là: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Ngũ hành là: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Năm phúc là: Phú, quý, thọ, khang, ninh).

Sau ngày làm việc và hành lễ, quan bộ Lễ nhà Thanh dẫn một số đại thần trong đoàn sứ của nước Việt đi ngoạn cảnh và đến trước Thiên An Môn, một người chỉ lên vế đối có ý nói mời bên ta đối lại. Nhữ Trọng Thai hỏi ngày tháng sinh của vua Càn Long rồi mượn giấy bút viết ngay vế đối:

“Thánh thọ bát tuần, bát phùng bát nguyệt, bát thiên vi xuân, bát thiên vi thu, bát nguyên tiến, bát khải đăng, bát tiên cổ vũ hạ nghê thường”, nghĩa là: “Thánh thọ 80 tuổi, sinh ngày 8 tháng 8, tám nghìn mùa xuân, tám nghìn mùa thu, tám bậc hiền tới, tám bậc tài về, tám tiên múa nghê thường mừng thọ”.

Điều thú vị là ở câu đối này Nhữ Trọng Thai đã vận dụng nhiều điển cố, tích cũ, theo đó câu “tám nghìn mùa xuân, tám nghìn mùa thu” vốn bắt nguồn từ tích Thiên Tiêu diêu du ở sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử nói rằng: “Thời xa xưa có cái xuân lớn, tám ngàn năm là mùa xuân, tám ngàn năm là mùa thu”, ở đây có ý ca ngợi sự sống lâu của vua Càn Long.

Còn câu “tám bậc hiền triết, tám bậc tài năng” bắt nguồn từ sách Tả truyện có chép: Thời vua Chu Văn Vương năm thứ 18, họ Cao Tân có tám người tài giỏi, thiên hạ đều gọi đó là “bát nguyên”; “tám khải” cũng là chỉ kẻ sĩ tài đức, “khải” có nghĩa là hòa nhã, hành động hòa nhã với mọi sự vật. Sách Tả truyện chép: Cũng thời vua Văn Vương năm thứ 18, họ Cao Dương có tám người tài giỏi, thiên hạ gọi đó là “bát khải”. 

Câu đối có ý ca tụng một vị vua có tuổi thọ sống lâu, có nhiều nhân tài quy tụ phù tá thì ắt làm cho thiên hạ no ấm, cuộc sống yên ổn thái bình khiến cho thần tiên trên trời cũng phải múa hát mừng vui.

Vế đối của Nhữ Trọng Thai không chỉ quá hay mà còn thể hiện một trí tuệ sâu sắc, học vấn uyên thâm và kiến thức rộng mở khiến vua quan nhà Thanh ai cũng khen ngợi, sau đó có lệnh truyền viết câu đối này vào một tấm lụa hồng treo một bên cửa Thiên An Môn, cùng với vế đối được treo trước đó đã tạo thành câu đối hoàn chỉnh  mừng ngày đại lễ chúc thọ Càn Long 80 tuổi.../.

Đọc thêm