Về Hoài Nhơn chơi Cổ nhơn

(PLO) - Mỗi độ xuân về, ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) lại tưng bừng với trò chơi dân gian vui vẻ mà người chơi dựa vào những câu “đề thai” (câu thơ) gợi ý để đoán mua các số từ 1 đến 36, mỗi số ứng với một con vật. Một ngày hai lần, Hội đồng Cổ nhơn sẽ đưa ra kết quả.

Về Hoài Nhơn chơi Cổ nhơn

Trước đây, trò chơi này chỉ gói gọn trong địa bàn thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), nhưng vài năm nay được mở rộng ra các xã lân cận…

Trò chơi lắm công phu

Theo những người đã sống lâu năm ở đây, trò chơi Cổ nhơn có từ vài thế kỷ trước do người xưa “sáng kiến”nghĩ ra trò chơi thâm thúy này để vui trong những ngày xuân. Sau một thời gian im ắng, từ năm 2000 chính quyền sở tại đã cho phép người dân được chơi Cổ nhơn trong dịp Tết. Việc tổ chức trò này cũng lắm công phu.

Phải có một Hội đồng Cổ nhơn là những người có khả năng tài chính đứng ra hùn vốn. Họ mua những câu thơ của những người giỏi thơ văn làm “đề thai”, thường gồm bốn câu thơ, để người chơi dựa vào đó mà đoán số.

Cổ nhơn chỉ có 36 số. Mỗi số được đặt một tên gốc Hán mang mật mã một con vật. Ví dụ: Số 2 có tên là Bản Quế tượng trưng cho con ốc, còn con khỉ là Tam Huề mang số 23… 

Từ sáng sớm, người bán Cổ nhơn đến Hội đồng Cổ nhơn nhận đề thai (đề thơ) và tịch (tờ giấy ghi tên con vật và số tương ứng). Người chơi sau khi có “đề thai” sẽ luận để tìm ra con số “sát đề” nhất. Trong Hội đồng Cổ nhơn, người có uy tín nhất sẽ chọn một con vật làm kết quả cho buổi chơi.

Hình vẽ con vật này được đặt trong một cái hộp gỗ (kích thước 20cmx30cm), khoá kín và treo lên cây tre cao khoảng 4m trong khuôn viên nhà văn hoá huyện, nơi tổ chức hội xuân.Việc chọn con vật cũng có những quy định nghiêm ngặt. 

Hai buổi chơi liền nhau thì con vật này không được giống nhau. Trò này cũng có “con tổ”, đó là con trùn, miền Bắc gọi là giun (số 5, Chí Cao). Hội đồng thường kỵ xổ con này vì đó là con vật phù trợ. Tuy nhiên, đôi khi ra bất ngờ con này nên người mua bị thua liểng xiểng vì họ nghĩ Hội đồng luôn “gìn giữ” con vật phù trợ “ăn nên làm ra” này.

Năm nay là Bính Thân (năm con khỉ), nhưng khả năng ra con khỉ là rất hiếm, vì nếu ra con này dễ bị …“bứng cái” vì nhiều người thích đánh con này để lấy hên. 

Một số hình ảnh của trò chơi.
 Một số hình ảnh của trò chơi.
Niềm vui khám phá đề thơ

Đúng 12 giờ trưa, sau khi bán Cổ nhơn, người trong Hội đồng Cổ nhơn kéo hộp gỗ xuống, mở ra lấy mảnh vải vẽ con vật đã xổ cho mọi người biết, giải thích cho họ biết thai có ý nghĩa thiết thực với con vật đó (con vật đã chọn xổ). Tất nhiên phải giải thích “thấu tình, đạt lý”, nếu không sẽ bị phản ứng dữ dội: “Xổ xạo, đề một đường, xổ một nẻo”.

Sau đó, chân dung con vật được treo công khai lên ngọn tre để mọi người biết mình có trúng hay không. Trò chơi được tiếp tục từ khoảng 13 giờ đến 17 giờ cùng ngày. Cổ nhơn được chơi trong khoảng năm, bảy ngày Tết.

Trong sáng ngày mồng 4 Tết Quý Tỵ, “đề thai” tương đối dễ nên nhiều người rủng rỉnh tiền túi vui xuân: “Sông Lại Giang mơ màng lối mộng/Cầu Bồng Sơn gió lộng trăng thanh/Khuyên em cố gắng học hành/Mai này thi đỗ ghi danh bảng vàng”. Thai này có kết quả là con ếch (số 24, Hiệp Hải).

Sáng 30 Tết Giáp Thân 2004, đề thai được “mở hàng” như sau: “Quý Mùi qua trăm hoa đua nở/Giáp Thân về hớn hở xuân sang/Dù cho còn lắm gian nan/Sức trai Phù Đổng vẫn còn vươn xa”. Không ít người bàn “sát đề” đoán con ngựa (12-Quang Minh), oái ăm thay, trưa hôm đó xổ con rồng bay. Người thì trúng đậm, kẻ thì thua liểng xiểng.

Cách đây không lâu lại có “đề thai”: “Thức đêm mới biết đêm dài/Sống lâu mới biết tình ai mặn nồng/Vọng phu hoá đá chờ chồng/Chờ chồng hoá đá mà không thấy về”. Thai này có kết quả được xem là “sát đề” bởi xổ hòn đá (số 20) với tên cúng cơm là Trân Châu.

Tuy nhiên, chính vì sát đề theo kiểu này, người mua lại ngỡ rằng không xổ hòn đá nên chụm đầu bàn bạc sâu xa rồi đánh những con vật xa xôi.

Bàn luận, động não đoán thơ giúp nhiều người hiểu thêm kiến thức văn hoá, xã hội. Ví như đề thơ: “Hán Hồ muốn giữ vẹn trăm đường/Đem cống Chiêu Nương há phụ nhường/Vì nước vì nhà thân bạc bẽo/Giúp tình liễu yếu ấy ơn sâu”.

Người ta căn cứ vào hai câu thơ cuối để luận từ “bạc bẽo” ra “bọt bèo và đoán đó là con ốc thường nhả bọt, sống ở đáy bùn sâu. 

Câu thai của chiều mồng 3 Tết Giáp Thân là: “Thành công rực rỡ SEA Games/Xây dựng đất nước càng thêm bạn bè/Cùng nhau đoàn kết nắm tay/Khối Đông Nam Á từ nay vững bền”, không ít người đoán con trâu (Trâu Vàng là biểu tượng SEA Games) đều bị thua, bởi người tổ chức trò chơi không dại gì xổ sát đề như vậy.

Câu thai này té ra trùng ý nghĩa với  con voi (số 13 –Hữu Tài), vì “khối Đông Nam Á từ nay vững bền” thể hiện sự to lớn, mà voi là con vật to nhất trong các loài.

Cổ nhơn ra đời đã từ lâu và là trò chơi cổ truyền chỉ có trong ngày Tết Nguyên đán. Nó là thú vui tao nhã, ý vị. Hầu chuyện với các bậc lão niên trong thị trấn Bồng Sơn, họ đều công nhận đây là trò chơi truyền thống chỉ được tổ chức trong dịp Tết đến, xuân về. Trong chừng mực nào đó, trò chơi Cổ nhơn làm giảm đi các tệ nạn cờ bạc khác như đánh bài, số đề, bầu cua ăn tiền…
Để trò chơi “lâu lâu mới có một kỳ” này có thể tồn tại dịp Tết Nguyên đán hàng năm, chính quyền địa phương cần đảm bảo thật tốt an ninh trật tự để trò chơi dân gian truyền thống diễn ra vui tươi, lành mạnh.

Đọc thêm