Về miền sông nước quê anh…

(PLO) - “Sông quê nước chảy đôi bờ. Để anh chín dại, mười khờ thương em”. Câu hát ngọt ngào, ấm áp của anh hay tiếng sóng nước lao xao đã đánh thức em bừng tỉnh sau giấc ngủ thật sâu, bù đắp cho hành trình dài vượt ngàn cây số về Cà Mau cùng anh theo lời hẹn. Ngợp trong tầm mắt em sông nước Cà Mau bát ngát, đỏ nặng phù sa…
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Lần đầu tiên trong cuộc đời cô nữ sinh Hà Nội đặt chân đến vùng đất mũi, tiếng là về quê bạn trai nhưng thú thật là tâm trạng em lại dạt dào những cảm xúc thiêng liêng khi tự mình được trải nghiệm, cảm nhận sự trù phú, rộng dài của non sông đất nước mình.

Lần đầu tiên em được chứng kiến cuộc sống sông nước của người dân Cà Mau nửa nằm vắt vẻo trên bờ, nửa tắm mình dưới con sông phù sa bát ngát ngay trước mặt. Và em không khỏi lạ lẫm khi nhìn những ngôi nhà hiền hòa, lúp xúp có mặt tiền là chính mặt sông.

Khi em ngạc nhiên hỏi sao những ngôi nhà không hướng mặt tiền ra đường lộ mà lại hướng ra sông, anh cười hiền khô: “Cuộc sống của người dân quê anh “ăn đời ở kiếp” bên dòng sông này, dòng sông uốn lượn thay cho những con đường nên mọi hoạt động, sinh hoạt đều diễn ra ở đó nên đương nhiên nhà cũng phải quay mặt ra sông là vậy… Rồi em xem…” 

Lời anh bỏ ngỏ khiến em thêm hồi hộp. Nhưng cũng chẳng phải đợi lâu, thoáng cái đã thấy tấp nập thuyền ghe đi chợ sớm, tiếng cười nói lao xao. Anh bảo, cũng giống như chợ nổi, cứ nhìn thứ cây, trái treo trên cột thuyền là em sẽ biết người ta định bán thứ gì. Này là những trái xoài treo lúc lỉu đầu cột nhìn đến phát thèm, rồi những trái thanh long mở mắt hiền lành mà tinh nghịch, này là dưa hấu, mãng cầu…

Vừa vẫy tay một chiếc ghe có treo chiếc bánh tét ở đầu cột, em hít hà khi thấy chở tới là khoang thuyền đầy ăm ắp với đủ loại nào là bánh bò rễ tre, bánh phu thê, bánh ướt, bánh khọt, bánh ngũ sắc… Em quên khuấy mình cần phải giữ eo mà lúc này chỉ ước chi có cái bụng của lão Trư để có thể chén tất tần tật mọi món cho thỏa thích…

Nắng lên, mặt sông lóng lánh như được dát vàng. Lái vỏ lãi chở em đi thăm thú một vòng, anh bảo cứ ôm anh thật chặt là khỏi lo té xuống sông. Anh nói Cà Mau là miền kênh rạch nên những dòng sông uốn lượn còn nhiều hơn những con đường. Mọi hoạt động buôn bán, sinh hoạt của người dân diễn ra ở đó, cũng bình dị như bao làng quê khác. Chỉ khác là thay vì đi xe máy hoặc đi bộ trên đường lộ, người dân ở đây đi lại bằng xuồng, ghe; thay vì buôn bán trên mặt lộ thì người dân chuyển hết xuống mặt sông giao dịch...

Em nhìn thấy hai bên bờ sông cũng có đủ loại cửa hàng chẳng khác gì Hà Nội phố của em: hàng điện thoại, hàng điện tử, hàng bán vật liệu xây dựng, thậm chí có cả trại hòm nữa… Em không còn thấy lạ khi cả những cửa hiệu lớn, những cửa hàng sửa chữa, những cây xăng cũng đều hướng mặt ra sông. Thấy vỏ lãi có dấu hiệu cạn xăng, anh táp vô một cây xăng ở vệ sông để mua và được một chị bán xăng trẻ măng, dễ thương đừng trên bờ bơm xăng xuống xuồng cho khách.

Trên bờ sông yên ả, có vài người dân đứng đợi xuồng máy y như người miền xuôi đứng vẫy xe đò. Và lẫn trong tiếng sóng, tiếng gió, em lại nghe giọng anh ngọt lịm ca một câu vọng cổ: “Em ơi dù có gian lao/ Nhưng đời vẫn đẹp, vẫn ngọt ngào vì mình thương mến nhau…”

Đọc thêm