Về nơi người chết “hành” người sống

(PLO) - Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống quanh Nghĩa trang Vĩnh Yên (TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) phải sống trong cảnh khổ sở vì ô nhiễm, nghĩa trang quá tải... 
Người dân trao đổi với PV.
Người dân trao đổi với PV.

Ô nhiễm và quá tải...

Nghĩa trang TP.Vĩnh Yên (còn gọi là Nghĩa trang Cây số 4) được xây dựng khoảng năm 2002. Sau nhiều lần mở rộng, hiện tại diện tích nghĩa trang được nâng lên 12ha nhưng vẫn quá tải và gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương.
Ông Hoàng Văn Cường, Trưởng thôn Tấm (xã Định Trung) than vãn: “Nhà chúng tôi bị mồ mả áp sát tận vách rồi. Môi trường ô nhiễm, nguồn nước sinh hoạt, không khí đều mất vệ sinh. Chưa kể ruộng vườn, đất đai cũng không sản xuất được vì ô nhiễm. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị chuyển nghĩa trang xa khu dân cư nhưng chưa thấy được xử lý”.
Theo ông Cường, thôn Tấm có 89 hộ dân. Dù xét ở góc độ nào, thôn Tấm vẫn thuộc diện khó khăn nhất TP.Vĩnh Yên. Đất đai canh tác ít, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất không có… Đã thế, kể từ khi xây dựng nghĩa trang TP.Vĩnh Yên, mồ mả cứ lấn dần rồi bao bọc, co hẹp đời sống người dân. Bây giờ, cả thôn nằm lọt thỏm giữa bốn bề mồ mả, có nhà bị lấn vào cả vườn. 
Mồ mả xen lẫn với nhà dân.
Mồ mả xen lẫn với nhà dân. 
“Khổ nhất vẫn là nguồn nước sinh hoạt. 100% người dân khu vực này đều phải sử dụng nước giếng khoan, trong khi mồ mả ngay cạnh. Ruộng nương cũng không sản xuất được vào mùa mưa vì rác thải, xác vòng hoa, nhà táng, xốp từ trên nghĩa trang tuồn xuống lấp kín cả cánh đồng Lọi” - ông Hoàng Xuân Vân, một người dân thôn Tấm phàn nàn. 
Được biết, chi phí cấp nước sạch khá cao trong khi đời sống người dân còn khó khăn nên họ chọn cách đào, khoan giếng để lấy nước sinh hoạt, dù biết rằng phải chịu ô nhiễm. “Nhiều gia đình khi khoan giếng ngửi thấy nước có mùi tanh. Ai cũng nghĩ dùng nước giếng khoan cạnh nghĩa trang sẽ bị bệnh tật nhưng không dùng thì lấy nước ở đâu”, Trưởng thôn bức xúc nói. 
Người dân thôn Tấm dẫn chúng tôi đi một vòng quanh Nghĩa trang Vĩnh Yên. Họ kể, khi mới qui hoạch xây dựng, các ngôi mộ đều theo một hướng “đầu gối núi, chân đạp nước”, hàng lối so le nhau khá đẹp, lại cách nhà dân khá xa. Còn bây giờ, mồ mả san sát, ken kín. Thậm chí, nhiều ngôi nhà của người sống nằm sát sạt những ngôi mộ mới đắp. Nhưng hơn hết là nỗi lo “chết không có đất chôn” dần hiện hữu.
“Nghĩa trang chật ních rồi. Nhiều gia đình ông bà, bố mẹ nằm mỗi người một nơi, muốn qui tập lại gần nhau để tiện bề hương khói nhưng không còn đất nữa. Mồ mả cả thành phố tập trung về đây, đất nào kham cho nổi”, ông Bạch Văn Trung, Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang Vĩnh Yên chia sẻ.
Cần xây dựng Công viên nghĩa trang
Trao đổi với PV, Ông Dương Đức Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Sơn thẳng thắn nhìn nhận: Người dân sống cạnh nghĩa trang khổ thật, nguồn nước ô nhiễm thật nhưng hiện chưa biết xử lý theo hướng nào. 
Theo ông Sơn, TP từng có ý định mở rộng nghĩa trang nhưng phương án này xem chừng khó khả thi bởi quỹ đất gần như đã hết, nếu mở rộng phải thu hồi ruộng của người dân thôn Tấm. “Phương án mở rộng nghĩa trang khó có sự đồng thuận của người dân vì họ vừa mất ruộng, vừa chịu ô nhiễm nặng nề hơn. Một phương án nữa là di dời các hộ dân khu vực thôn Tấm đi tái định cư nơi khác, nhưng cũng không ổn do gặp khó khăn trong việc bố trí nơi ở mới. Thành ra theo tôi, cách tốt nhất là nên đóng cửa nghĩa trang này, tìm quỹ đất xây dựng thêm một nghĩa trang mới”, ông Sơn cho biết.
Ông Dương Đức Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Sơn trao đổi với PV.
 Ông Dương Đức Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã 
Đức Sơn trao đổi với PV.
Nói thêm về vấn đề này, ông Lê Đức Dũng, Phó Chủ tịch thường trực TP.Vĩnh Yên cho biết: Trước kia Nghĩa trang TP.Vĩnh Yên chỉ rộng chừng 4ha, sau khi tái lập tỉnh, trước nhu cầu ngày càng lớn của người dân, TP đã đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc mở rộng lên thành 12ha.  Thế nhưng do dân số phát triển nhanh, từ 3,7 vạn người lên 13 vạn nên nghĩa trang bị quá tải. Hiện TP đã có qui định dừng các hoạt động chôn cất ở nghĩa trang này. 
Được biết, theo dự kiến ban đầu, TP.Vĩnh Yên có dự án mở rộng nghĩa trang. Tuy nhiên, phương án này chỉ mang tính chất “chữa cháy”, bởi theo ông Dũng, hiện quỹ đất chỉ cho phép mở rộng thêm một vài hécta, đủ phục vụ nhu cầu người dân trong một vài năm là cùng. 
“Việc xây dựng Công viên nghĩa trang vừa giải quyết được vấn đề quá tải của Nghĩa trang TP.Vĩnh Yên vừa giải quyết được vấn đề môi trường và cảnh quan đô thị. Cùng với đó, theo tiêu chí phát triển đô thị, theo nhu cầu bức thiết của người dân thì còn cần phải có Đài hóa thân hoàn vũ để phục vụ mục đích hỏa táng”, ông Phó Chủ tịch thường trực TP phân tích.
Chung quan điểm với lãnh đạo TP.Vĩnh Yên, ông Nguyễn Văn Chúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Quan điểm của tỉnh là không mở rộng Nghĩa trang TP.Vĩnh Yên nữa. Vì quỹ đất còn lại ở khu vực núi Trống sẽ được qui hoạch đô thị và có thể đưa vào phục vụ mục đích du lịch. Tuy nhiên, phải tính toán địa điểm xây dựng nghĩa trang mới hợp lý để làm sao có thể vừa phục vụ nhu cầu người dân TP.Vĩnh Yên, vừa phục vụ người dân trong tỉnh. Đặc biệt, yêu cầu cấp thiết là cần phải xây dựng Nhà tang lễ và Đài hóa thân hoàn vũ. 
"Theo tôi, mô hình Công viên nghĩa trang là rất tốt. Ở Việt Nam hiện nay, giải pháp kiến trúc, quy hoạch các nghĩa trang thành phố đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ về loại hình “Công viên nghĩa trang”, tức là nghĩa trang nằm xen kẽ với khu dân cư (áp dụng cho các mộ hỏa táng) với hình thức mộ nhỏ gọn, tiết kiệm diện tích, nhập vào với thiên nhiên, không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường xung quanh, tiện lợi cho việc quần tụ theo họ tộc và con cháu có thể thăm nom thường xuyên”.
Cũng theo ông Chúc, tỉnh Vĩnh Phúc từng có qui hoạch Công viên nghĩa trang ở khu vực Tam Đảo nhưng chưa thực hiện được. Với thực trạng hiện nay, tỉnh đang phải mượn Nhà tang lễ của Bệnh viện 109, thì nhu cầu bức thiết là phải xây dựng khu nghĩa trang công viên, có Nhà tang lễ, có Đài hóa thân hoàn vũ đàng hoàng để phục vụ nhu cầu người dân. Sắp tới tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có chủ trương điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch đất đai và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực xây dựng nghĩa trang trong tiến trình xã hội hóa lĩnh vực này.  
“Mô hình “Công viên nghĩa trang” sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, nguồn nước. Điều cốt yếu là phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của người dân”, ông Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định./.

Đọc thêm