Vén bức màn bí ẩn về hoạn quan trong cung đình Trung Hoa

(PLO) -Khi xem các phim cổ trang về cung đình Trung Hoa, người ta thường thấy: đàn ông để được vào cung làm thái giám, việc trước tiên là phải “tịnh thân” (hay gọi nôm na là thiến, tức cắt bỏ bộ phận sinh dục nam). Quá trình này diễn ra rất đáng sợ.
Nhóm tượng mô tả việc tịnh thân đời Thanh
Nhóm tượng mô tả việc tịnh thân đời Thanh

Thời cổ, trong cung đình Trung Hoa, hoàng đế có tới “giai nhân ba ngàn”, thậm chí còn nhiều hơn, tới cả vạn phi tần. Ngoài việc “lâm hạnh” số phi tần ấy, hoàng đế còn có thể tùy ý lên giường với bất cứ cung nữ nào. Có những phi tần được tuyển chọn vào cung để làm vợ vua, nhưng ngay đến “long nhan” của chồng cũng không biết dù chỉ một lần. 

Vì sao thái giám phải tịnh thân?

Các hoàng đế do không muốn bị cắm sừng nên đã biến những người đàn ông hầu hạ họ trở thành những kẻ phế thải, bị tước mất khả năng đàn ông.

Hoàng đế cắt bỏ công cụ truyền giống của thái giám là muốn loại bỏ mối họa loạn hậu cung, nhưng rắc rối thường bắt nguồn từ thân thể các hoạn quan này. Nếu tịnh thân không triệt để thì thái giám và những người đàn ông bình thường không khác nhau là mấy: vẫn ham muốn tình dục và vẫn “hoạt động” phòng the được.

Một ca tịnh thân đời Thanh
Một ca tịnh thân đời Thanh

Đó chính là chuyện xảy ra giữa Từ Hi Thái Hậu với các thái giám An Đức Hải, Lý Liên Anh đời nhà Thanh. Tóm lại, nguyên nhân khiến thái giám phải tịnh thân là do hoàng đế sợ họ dâm loạn với những người phụ nữ trong cung.

Tịnh thân – quá trình ghê rợn

Trước đây, có hai nơi làm công việc tịnh thân cho đàn ông trước khi trở thành thái giám: một là của triều đình, đời Thanh là “Thận hình tư” trực thuộc Nội vụ phủ chịu trách nhiệm quản lý mọi chuyện chốn hậu cung, ngoài dân gian thì có “Tịnh thân sở”. Ngoài ra cũng có các trường hợp “tự xử” trong gia đình.

Mối nguy hiểm trong khi tịnh thân rất lớn, tỷ lệ tử vong rất cao, chỉ có 40% người sống sót sau tịnh thân. Nếu không còn đường nào khác thì những gia đình bình thường nói chung không chọn con đường “đoạn tử tuyệt tôn” này.

Theo sách “Thần hoàn tạp thức” đời Thanh ghi chép, những người muốn tịnh thân để vào cung làm hoạn quan cần phải được thái giám có địa vị trong cung giới thiệu, đưa vào, sau đó lập “hôn thư”, coi mình là phụ nữ xin gả vào hoàng cung.

Then chốt trong đó là lập “sinh tử văn thư” (cam kết sống chết) và mời “tam lão tứ thiếu” (3 người già, 4 người trẻ) làm chứng, viết rõ là “tự nguyện tịnh thân, sinh tử bất luận”, cam kết không kiện cáo nếu không may bị chết.

Chi phí tất nhiên gia đình người tịnh thân phải chịu, nói chung là phải nộp từ 8 đến 10 lạng bạc; những gia đình nghèo thường không kiếm đâu ra tiền, phải lập bản “khế ước”, đợi đến khi con được vào cung, phát tài sẽ trả sau. Để càng lâu thì lãi càng nhiều, nếu vào cung mà không được trọng dụng phát tài thì khoản nợ này phải sau 10, 20 năm mới trả hết được.

Ngoài ra còn phải có hai thứ phải có: thứ nhất là lễ vật cho “tịnh sư” (thợ hoạn) - người cầm dao “ra tay” với mình, thường là một thủ lợn hoặc một con gà, thêm một bình rượu; thứ hai là những vật dụng để dùng trong thời gian làm phẫu thuật, gồm 30 cân gạo, thân ngô khô (để đốt sưởi), tro vỏ quả vừng (để chườm), giấy dán cửa sổ (để tránh gió lùa)…

“Tịnh sư” phải chuẩn bị 2 cái mật lợn, canh cần sa và cọng lúa mạch rỗng ruột. Mật lợn có tác dụng giảm đau, chống phù nề rất tốt, sau khi cắt bỏ “cái ấy” thì bôi chúng lên chỗ cắt. Canh cần sa có nhiều công dụng, trước khi phẫu thuật uống 1 bát, người sẽ mê man, có tác dụng gây mê, sau khi làm thủ thuật thì uống để rửa ruột, giảm nhẹ lượng nước tiểu bài tiết, đảm bảo cho phẫu thuật thành công, cọng lúa mạch dùng để cắm vào niệu đạo (lỗ tiểu) sau khi phẫu thuật.

Quy trình tịnh thân diễn ra như sau: trước khi tịnh thân phải nghỉ ngơi 10 ngày, được ăn nhiều thứ bổ dưỡng, nhưng nước thì uống ngày một ít. Hôm tịnh thân, đương sự bị trói chặt tứ chi, nhét trứng gà vào miệng; rồi “phựt” một cái là xong.

Dụng cụ dùng để tịnh thân đời Thanh
 Dụng cụ dùng để tịnh thân đời Thanh

Theo lời những hoạn quan già kể lại thì ngay sau hôm bị tịnh thân giọng nói đã thay đổi, sau 3 ngày râu đã bắt đầu rụng, 12 ngày thì rút được cọng lúa mạch rỗng ruột, sau 21 ngày đã có thể dò dẫm đi lại…

3 ngày sau khi tịnh thân không được uống nước, do khát nước và đau đớn bởi vết thương nên thời gian này đương sự khổ sở nhất.

3 ngày sau, khi tháo chỗ băng kín, rút nút đút bằng sáp trắng, nước tiểu tháo ra ào ào, cuộc phẫu thuật coi như thành công. Nếu tình hình không diễn ra như thế, tức không đi tiểu được, coi như ca phẫu thuật thất bại, đương sự chỉ còn nước nằm chờ thần chết đến đưa đi, không ai có thể cứu được. Sau 100 ngày, vết thương hoàn toàn lành hẳn, thế là trong cung có thêm một hoạn quan.

Thứ được cắt bỏ được “tịnh sư” thu giữ như một báu vật, người bị cắt không có quyền đòi lại. “Tịnh sư” chuẩn bị sẵn một cái thưng, trong để nửa thưng vôi bột, ông ta đặt “bộ ba” vào đó để vôi bột hút cạn lượng nước trong đó, tránh cho nó bị phân hủy.

Sau đó dùng giấy dầu bọc lại rồi đặt lại vào thưng, dùng vải điều bọc kín miệng thưng đặt lên trên xà nhà chỗ ngay dưới mái. Cách làm này gọi là “hồng bố cao thăng”, với ý nghĩa cầu mong cho đương sự vận đỏ, từng bước lên cao. 

Rắc rối chuyện đi tiểu của hoạn quan

Mức độ tịnh thân có những mức khác nhau: có người chỉ cắt bỏ ngọc hành, nhưng phần lớn là cắt cả “bộ ba”. Đối với người cắt bỏ bộ ba, trước khi vết thương lành hẳn phải cắm cọng thân lúa mạch rỗng vào để dẫn tiểu; sau khi lành hẳn sẽ để lại một lỗ tiểu. Nếu không đặt cọng mạch rộng ruột vào thì khi vết thương lành hẳn sẽ không thể đi tiểu được.

Sau khi trở thành hoạn quan, phần lớn những thái giám phải tiểu ngồi. Hầu hết các hoạn quan đời Thanh đều “thiến gọn” nên phải đi tiểu kiểu này. Điều này còn phụ thuộc vào tay nghề của tịnh sư.

Nếu thiến sót thì sau này chỗ đó sẽ lồi lên, sau 1 năm sẽ khám lại, nếu thấy sẽ bị cắt tiếp, nếu cắt quá sâu, chỗ đó sẽ bị lõm xuống, nước tiểu phun ra như chiếc vòi sen, dù có tiểu ngồi cũng bị ướt quần, ướt chân.

Những dật sự về hoạn quan đời Thanh

Đời Thanh được coi là triều đại vấn nạn hoạn quan tác quái nhẹ nhất, có lẽ là do đây là triều đại chế độ thái giám hoàn thiện nhất với hơn 10 bộ. Số lượng hoạn quan thời nhà Thanh có sự thay đổi dưới các triều vua nhưng về tổng thể thì ngày càng ít dần.

Ban đầu, nhà Thanh tiếp quản số lượng rất đông thái giám dưới triều Minh, lên tới hơn 90 ngàn người, do đó số lượng hoạn quan đời Thanh sơ đông nhất, đến đời hoàng đế Thuận Trị thì còn hơn 9 ngàn, sau đó càng ngày càng ít: đời Càn Long có 2.866 người, Gia Khánh 2.638, Quang Tự còn 1.989 người, năm Dân Quốc thứ 2 (1912) theo thống kê có 1.517 người.

Trong cung nhà Thanh lưu truyền câu nói: “đủ hay không, ba ngàn sáu”, có người nói là chỉ số lượng cung nữ, nhưng cũng có học giả nói đó là số lượng hoạn quan. Nhưng dù thế nào thì thực tế là về cuối triều đại này, số lượng hoạn quan ngày càng ít, không bao giờ đủ mức đó.

Ngoài hoàng cung, một số nơi khác cũng có bố trí hoạn quan như các vương phủ, phủ công chúa, mỗi phủ vài chục người, cá biệt phủ đại thần cũng có hoạn quan nhưng rất ít.

Ngoài ra, các chùa, miếu cũng có hoạn quan già về hưu dưỡng lão. Nguồn cung thái giám đời Thanh chủ yếu là người nghèo hoặc con cái những nhà bị dồn vào đường cùng. Đại thể gồm mấy loại người: do quá nghèo khổ tự xin được tịnh thân để vào cung, bị  bố mẹ bán đi để tịnh thân vào cung, bị bắt cóc bán cho những người mua gom trẻ em rồi tịnh thân, do khiếm khuyết bẩm sinh hoặc bị thương rồi tịnh thân, tự tịnh thân do chán đời hay tức giận do mâu thuẫn với người khác…

Ngoài ra cũng có một số người phạm trọng tội, dùng cách tịnh thân để trốn tội như trường hợp Đồng Hải Xuyên, hoạn quan phủ Túc Vương do phạm tội giết người nên tịnh thân để tránh họa.

Cách xưng hô của hoạn quan trong cung: ngang hàng thì gọi là “gia” kèm với họ. Ví dụ Trương Gia, Lý Gia…người bậc thấp gọi người bậc trên là Sư Phụ; các hoạn quan rất không thích người khác gọi mình là thái giám, nếu kêu họ là “lão công” chả khác nào réo tám đời họ ra chửi.

Thái giám bậc cao đời nhà Thanh đều có nhà ở bên ngoài cung và có thể lấy vợ. Tiểu Đức Trương có tới 4 bà vợ nhưng tất nhiên chả làm ăn gì được. Đời Thanh có chuyện tái kiểm tra thân thể các hoạn quan là do sau khi thái giám An Đức Hải bị xử trảm rộ lên tin đồn ông ta chưa tịnh thân và thái giám trong cung dâm loạn ra sao.

Vì vậy đã xảy ra chuyện “nhị kiểm” tức kiểm tra lại thân thể các thái giám – điều mà các hoạn quan thời đó coi là sự sỉ nhục lớn nhất đối với họ…

Đọc thêm