Vì đâu Bồ Tát sợ “nhân”, chúng sinh sợ “quả”?

(PLO) - Tạo nghiệp là nhân, thọ báo là quả. Quy luật của sự luân hồi là “nhân quả”. Lăn lộn trong ba cõi sáu đường đều tùy thuộc nhân quả. Mình đã gây “nhân” nhất định mình phải chịu “quả”, “quả” khổ hay “quả” vui là do gây “nhân” khổ vui. 
Vì đâu Bồ Tát sợ “nhân”, chúng sinh sợ “quả”?

Theo quan niệm của đạo Phật, “nhân quả” là lẽ công bằng chân thật, bởi mỗi cá nhân gây tạo khác nhau, nên sự thọ nhận cũng sai biệt, không giống nhau. Sự công bằng từ “nhân” đến “quả”, không phải sự công bằng do ai khác áp đặt cho mình. Ngày nay  mỗi người tạo “nhân” thì ngày mai chính mình thọ “quả”, rõ ràng, rành mạch. 

Thắc mắc với … “Nhân quả”

“Đạo Phật nói “nhân quả” là căn cứ trên thời gian suốt cả quá khứ đến hiện tại vào kéo dài tới vị lai; trong quá khứ có cái gần có cái xa, trong vị lai cũng thế, khiến có những kết quả xảy đến mà đương sự không bao giờ nhớ. Lại có những sự kiện gây “nhân” mà không thấy kết “quả”, do đó “nhân quả” trở thành rắc rối, làm nhiều người khó tin, khó nhận”. Nhưng sự thật lúc nào cũng là thật, nếu mỗi người nhận hiểu sâu về lý “nhân quả” thì cuộc sống này rõ ràng đã có tiêu chuẩn nhắm đến và an ổn vô cùng vì mọi kết quả hiện chịu trong đời đều do “nhân” gây ra từ thuở trước, nên khổ không oán hờn, vui không ngạo mạn, mình làm mình chịu, chỉ cần ngay giờ đây phải biết chọn lấy “nhân” tốt mà làm, để mai kia khỏi phải thọ “quả” đau khổ.

Những kẻ gây tạo nghiệp ác, ắt phải thọ quả khổ trong ba đường dữ địa ngục, ma quỷ, súc sinh. Nghiệp ác là mình làm cho kẻ khác khổ, cân xứng với “nhân” mình gây,  thọ “quả” khổ một nơi trong ba đường dữ. “Nhân” khổ có khi không thành “quả” do nửa chừng mình biết hối cải, hoặc chuyển đổi. Nhưng “nhân” khổ nhất định thọ “quả” khổ, do sự nuôi dưỡng một cách sung mãn. Ví dụ, có người uống rượu mà không ghiền, vì họ biết giới hạn chừa bỏ nhưng có người uống rượu nhất định phải ghiền rượu, vì họ mãi tiếp tục và say mê. Có “nhân” khổ mà không thọ “quả” khổ, cũng như thế.

Ác khẩu vừa hại người vừa hại mình

Ác khẩu vừa hại người vừa hại mình

Người gây nghiệp thiện ắt thọ “quả” vui trong cõi người, cõi A Tu La và cõi trời, cân xứng của nghiệp lành mình đã tạo, nhiều ít thấp cao thì kết quả cũng có hơn kém thấp cao. Có khi người ta nghiệp lành mà không hưởng “quả” lành, ví như một số sinh viên vào học y khoa, có người không đủ khả năng học hoặc lười biếng học, nên tuy học y khoa mà không thể thành bác sĩ; có người đủ khả năng lại cần cù học tập, nhất định một ngày kia sẽ thành bác sĩ. 

Vì đâu “Bồ Tát sợ nhân”?

Trong kinh Phật có nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”, tại sao vậy? Bồ-tát (Bodhisavattu) là người giác ngộ, là người đã thấy tận cái manh nha, đầu mối của sự khổ đau và an lạc. Muốn hết khổ được vui, không gì hơn là mỗi người chớ gieo cái mầm đau khổ và ngược lại, biết cần mẫn gieo trồng cái mầm an vui. Không gieo nhân khổ thì không gặp quả khổ;  luôn gieo trồng “nhân” vui thì “quả” vui không vời cũng đến. Đây là sự hiểu biết và hành động của người giác ngộ. 

Bởi giác ngộ nên thấy rõ cái gì là “nhân” đau khổ liền sợ hãi, tìm mọi cách để diệt trừ. Thấy tham lam và keo kiệt là “nhân” đau khổ, Bồ-tát tu hạnh bố thí để tiêu diệt. Thấy buông lung ngạo mạn là “nhân” phá hoại đức hạnh, Bồ-tát tu trì giới để khử dẹp. Thấy nóng giận là “nhân” gây nhiều tội lỗi, Bồ-tát tu hạnh nhẫn nhục để dẹp. Thấy lười biếng bê tha là “nhân” hư thân mất công đức, Bồ-tát tu hạnh tinh tấn để đánh đuổi. Thấy tâm tán loạn là “nhân” điên đảo tối tăm, Bồ-tát tu thiền định để thu nhiếp. Thấy ngu si là “nhân” trầm luân sinh tử, Bồ-tát tu trí tuệ để chiếu phá.

Bồ-tát tu hạnh để diệt trừ sáu cái “nhân” xấu xa, tội lỗi, mù tối ,hiểm nguy vốn dẫn con người đi mãi trong trầm luân đau khổ. Khi sáu cái “nhân” ấy bị tiêu diệt hoàn toàn là giác ngộ giải thoát. Đó chính là tu Lục độ, đang hành hạnh Bồ-tát và đến khi giác ngộ thì là Bồ-tát thật sự. 

Kẻ trí sợ “nhân”, người ngu thì sợ “quả”. Chúng sinh là những kẻ mê, chỉ nhìn trên cái “quả” mà sợ mà cầu. Luôn luôn sợ khổ cầu vui mà “nhân” đau khổ không tránh, nhân an vui không tạo thì một khi “quả” đau khổ đến dẫu cầu khẩn van xin cũng vô ích. Cầu mong, mơ ước “quả” an vui, nhưng “nhân” không chịu gieo, không chăm chút thì “quả” từ đâu mà đến? Đây là sự khác biệt giữa kẻ mê và người giác; tuy nhiên, cái mê này ai cũng có thể trừ bỏ, cái giác này ai cũng có thể làm. Chỉ là nhắm vào “nhân” là giác, không ai là không thể làm được việc đó. 

Từ “nhân” đến “quả” còn cần có những sự kiện trợ giúp đầy đủ mới được viên mãn. Không có thể có nhận định tất nhiên rằng có “nhân” là có “quả” bởi vì thời gian từ “nhân” đến “quả” là giai đoạn biến động, hoặc được tăng trưởng, hoặc bị tiêu mòn, tùy theo những sự kiện trợ giúp. Biết rõ như thế, mỗi chúng ta có thể chuyển “nhân” xấu thành tốt, hoặc “nhân” tốt trở ra xấu.

Phá bỏ luân hồi - Cách nào?

Sự tất yếu của luân hồi tùy thuộc “nhân quả”, không có kẻ nào khác áp đặt khổ vui cho chúng ta, cũng không có bàn tay nào lôi kéo chúng ta phải đi đường này hay lối khác, mọi sự kết quả đều cân xứng với “nhân” mình gây tạo, như đã nói ở trên. Nắm vững yếu tố này, mới thấy mỗi chúng ta thật sự có trọn quyền định đoạt số phận của chính mình, chẳng cần phải dựa dẫm vào thế lực siêu nhiên nào khác. Cuộc đời của mỗi chúng ta hiện được tươi sáng hay đen tối đều do sự khéo léo hay vụng về của chính ta ngày xưa. Mỗi người phải can đảm nhận lấy trách nhiệm của mình, không oán trách kêu ca, không than thân tủi phận; gan dạ trong cuộc sống hiện tại song phải khôn ngoan chọn lối đi ở ngày mai.

Đạo Phật giải thích rõ lý luân hồi, nhưng không phải là để mỗi chúng ta mãi chịu luân hồi. Biết luân hồi tường tận rồi, Phật lại chỉ ra con đường… thoát ly luân hồi, cũng như đã biết đâu là khổ, chúng ta mới tìm cách thoát khổ. Luân hồi là vòng loanh quanh lẩn quẩn, nhào đi lộn lại không thể thoát ra. Chấp nhận cam chịu trong vòng quanh quẩn đó là do mỗi người không tìm được manh mối thoát ra, hoặc không đủ khả năng thoát ra.

Ví dụ, trước khi các nhà khoa học phát hiện ra sức hút của Trái đất, mọi người mọi vật đều cam chịu trong vòng “vọt lên rớt xuống”, không sao thoát ra ngoài được. Thế rồi khi chính các nhà khoa học chế tạo được phi thuyền đủ khả năng “vọt ra” khỏi lực hút của Trái đất, đi thám hiểm các hành tinh khác thì lực hút của Trái đất đâu còn trói buộc được chúng ta nữa. Cũng thế, Phật giải thích lý luân hồi rồi, mới dạy phương pháp thoát ly luân hồi mà mục đích của đạo Phật là thoát ly sinh tử luân hồi, không chấp nhận sự loanh quanh trong vòng sinh tử. Còn trong sinh tử - dù dài, ngắn, khổ, vui -  đạo Phật đều kết luận là đau khổ vì cùng một số phận vô thường, chỉ thoát được luân hồi mới là an vui giải thoát.

Như vậy, đạo Phật nói lý luân hồi cũng là phát hiện một sự thật của vạn vật và con người. Con người nhận hiểu thấu đáo về lý luân hồi, nếu họ không có khả năng thoát khỏi lý luân hồi, tự chọn lựa cuộc luân hồi an vui và thoải mái. Nếu họ có khả năng thoát ly luân hồi, do hiểu luân hồi mà tiến tu đạo giải thoát. Biết được lý luân hồi, mỗi chúng ta biết được lẽ công bằng của con người, cũng nhận thấy sự tự do căn bản ở mỗi chúng ta. Mọi sự mê tín do đó đều tiêu tan do ta biết chính ta là người quyết định thân phận của mình.

Cũng bởi thế mà tất cả oán hờn, tủi hận đều sạch hết, vì có ai áp đặt sự đau khổ cho mình mà than thở. Dù chưa giải thoát nhưng biết lý luân hồi, mỗi chúng ta cũng sáng suốt và yên ổn trong đời sống này. Mọi tương lai vẫn nằm trong tay mỗi chúng ta, chúng ta trọn quyền lựa chọn lấy một tương lai nào theo sở thích của mình thôi…/.

Đọc thêm