Vị lương y bỏ hết gia tài vào chùa chữa bệnh cứu người

(PLO) - Với niềm đam mê y học và mong muốn chữa bệnh từ thiện cứu người, vị lương y ấy đã từ bỏ hơn 10 cơ sở kinh doanh cùng thương hiệu bút bi Sông Bé mà bản thân vất vả tạo dựng để vào chùa thực hiện ý nguyện. Người ta gọi ông bằng cái tên lương y có “bàn tay vàng” Lương Bình (SN 1952, thị xã Thuận An, Bình Dương).
Lương y Bình (đứng thứ 2 bên phải) tại phòng khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở chùa Thiên Phước
Lương y Bình (đứng thứ 2 bên phải) tại phòng khám chữa bệnh miễn phí
cho người nghèo ở chùa Thiên Phước 
Cơ duyên đến với nghề 
Là con thứ 5 trong gia đình có đến 18 người ở dải đất miền Trung nắng cháy, từ nhỏ, Lương Bình đã ham đọc sách và thích lang thang đến ngôi chùa Bảo Tịnh gần nhà để phụ các sư thầy cắt thuốc. 
Dần dà, Bình được thầy trụ trì quý mến chọn làm truyền nhân để truyền thụ cho các bài thuốc chữa bệnh bằng bấm huyệt, châm cứu bí truyền. Các ni sư trong chùa cũng dạy cho cậu bé Lương Bình nhiều thế tuyệt chiêu của võ Tây Sơn. 
Mới 15 tuổi, Lương Bình không chỉ trở thành thầy thuốc giỏi trị bệnh khắp xóm làng mà còn là một người giỏi võ thuật. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, cậu bé Bình đã có hàng chục môn sinh đến xin học võ. Đến năm 1970, ông Bình vào Sài Gòn lập nghiệp. Hành trang quý giá của ông lúc bấy giờ cũng chỉ là những bài thuốc bí truyền của chùa Bảo Tịnh. 
Vào năm 1995, Lương Bình đã hiến cho Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) hai toa thuốc gia truyền trị bệnh tim mạch và tai biến do bản thân sáng chế là “Linh Tâm Đơn” và “Thất Điệp Công Phiến”. 
Cho đến nay, Bệnh viện y học cổ truyền vẫn sử dụng hai đơn thuốc này để chữa trị cho bệnh nhân.
Bỏ kinh doanh để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Bình cùng vợ về miền quê Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước) để lập nghiệp. Bằng tài năng trời phú, thời điểm đó ông Bình mày mò, học hỏi bạn bè cách sản xuất mực chất lượng để xây dựng thương hiệu “Bút bi Sông Bé”. 
Ngoài ra, ông còn mở thêm một cơ sở sản xuất khác mang tên “Kem đánh răng Sông Bé”. Từ những cơ sở do chính ông Bình tìm tòi, sáng lập ra đã tạo được công ăn việc làm giúp nhiều người dân nghèo tại khu vực nơi ông ở có việc làm. 
Vào những năm 1980 trở về sau, nhiều nhà doanh nghiệp, ban ngành địa phương của tỉnh Sông Bé ví ông Bình như một “hạt nhân đỏ”, là nhân tố điển hình trong sản xuất kinh doanh của địa phương. 
Ông Bình hồi tưởng lại: “Hồi ấy tôi mở ra trên 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ mọi lĩnh vực nhưng bản chất của một thầy thuốc sống mãi trong tôi nên có muốn làm kinh doanh cũng khó toàn tâm, toàm ý cho công việc”. 
Con đường nghề nghiệp đang lúc rạng ngời thì Lương Bình mạnh dạn trút bỏ tất cả để chuyên chú theo nghiệp chữa bệnh từ thiện, cứu giúp cho những người dân nghèo bệnh tật. 
Ông nói: “Hồi ấy, tôi bon chen tìm đủ thứ công việc để làm không phải vì bản thân mà vì những người thân trong gia đình. Lúc bấy giờ tôi phải làm có tiền để gửi về quê nuôi 9 người em ăn học và 7 người em vợ nữa. 
Sau khi đã lo cho các em học hành đến nơi đến chốn, con cái tôi cũng vậy có sự nghiệp theo mong muốn, tôi nhượng lại các cơ sở kinh doanh cho người ta và đến chùa Thiên Phước chữa bệnh từ thiện cho mọi người”. 
Lương y Lương Bình cũng cho biết thêm, ông có thể chữa dứt các loại bệnh như: Thần kinh tọa, phong tê thấp, viêm xoang, suy thận, tiểu đường, các bệnh về đường tiêu hóa… chỉ bằng phương pháp bấm huyệt và châm cứu.
Vị thầy thuốc đa tài
Sự đa tài của ông Bình còn được thể hiện ở một lĩnh vực khác, đó là văn hóa nghệ thuật. Sinh ra ở mảnh đất miền Trung nhưng lại sống tại Sông Bé (nơi gắn liền với nghệ thuật cải lương), ông Bình đã sáng tác ra không ít vở cải lương, vở tuồng tiếng tăm một thời như: Lửa cháy thành Tây Đô, Lời thề xác thác, Đường về Vạn Kiếp… 
Không chỉ vậy, những vở kịch được ông Bình biên soạn và tặng cho các chi hội của thị xã Thuận An như: Nỗi đau oan nghiệt, Hướng đẹp cuộc đời... đã đạt được giải thưởng cao trong tỉnh. 
Đặc biệt, vào năm 2006 ông Bình đã viết kịch bản “Ai giết tôi” cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương tham gia thi toàn quốc tại Hà Nội đã được xếp hạng ba. Ngoài việc sáng tác kịch, ông Bình còn sáng tác nhiều bài quyền dạy thể dục dưỡng sinh như bài 18 thế gậy y võ dưỡng sinh, bài Kim phụng kỳ vân, long phụng giao kiếm… 
Hiện tại, các bài quyền này đang được Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Bình Dương phát vào mỗi buổi sáng cho người dân tập luyện. Ông Bình không chỉ là người biết kết hợp “y  - võ -  nhạc” để sáng tác ra những bài quyền hay, giúp người lớn tuồi rèn luyện sức khỏe, ông còn là người đầu tiên gây dựng nên phong trào thể dục dưỡng sinh ở thị xã Thuận An. 
Ông Bình nhớ lại: “Vào năm 1996, phong trào dưỡng sinh trong tỉnh chưa có, ngay cả ở thành phố lớn TP.HCM vẫn còn đang rất yếu. Tôi soạn quyền chủ yếu là dựa trên những thế võ mà trước đây đã được học. Để tạo ra được một chuỗi câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh như Câu lạc bộ Thống Nhất (TX. Dĩ An); An Thạnh, Vĩnh Phú, An Sơn, Bình Nhâm (TX. Thuận An), tôi đã kết hợp với trung tâm văn hóa – thể thao ở các nơi, đến từng nhà để vận động mọi người tham gia tập luyện”. 
Mới đây nhất, vị lương y già đã sáng tạo ra một bài quyền mang tên “Hồi xuân công”, là bài quyền thể dục giúp trẻ hóa cơ thể, phòng và điều trị nhiều chứng bệnh mãn tính thường gặp ở những người cao tuổi. 
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Văn Kiệt – Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu cho biết: “Lương y Bình là người năng nổ trong mọi hoạt động của địa phương. Ông Bình không chỉ tận tình tham gia dạy dưỡng sinh cho các cụ trong phường mà còn làm từ thiện chữa bệnh giúp người. Ông là tấm gương sáng cho nhiều người noi theo”./.

Đọc thêm