Vì sao chưa thể LED hóa ngay hệ thống chiếu sáng công cộng ở Hà Nội?

(PLO) - Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, chiếu sáng đều nhìn nhận lợi ích của việc áp dụng đèn LED trong chiếu sáng công cộng (CSCC). Thế nhưng, thực trạng việc áp dụng đèn LED tại các đô thị VN mới dừng ở con số vài tuyến đường, vài trăm bộ đèn LED…
Vì sao chưa thể LED hóa ngay hệ thống chiếu sáng công cộng ở Hà Nội?

Mặc dù UBND TP Hà Nội vừa có một quyết định táo bạo trong việc sử dụng đèn LED trong CSCC, nhưng với việc triển khai ở các dự án cải tạo, xây mới, dần thay thế các loại đèn truyền thống… thành phố sẽ phải mất hàng chục năm để có thể đạt tới lợi ích mà công nghệ LED đem lại là giảm 50 – 60% điện năng tiêu thụ trong CSCC, tiết kiệm cả 100 tỉ đồng tiền điện ngân sách/năm.

Theo Cty TNHH MTV chiếu sáng và thiết bị đô thị (Hapulico), tính đến này 1.1.2016 Cty này đang quản lý 1.554 trạm đèn chiếu sáng với 128.451 bóng các loại, chiếu sáng cho 3.278 km đường trên địa bàn của 12 quận và 10 huyện của TP Hà Nội.

Là một Cty được thành phố giao quản lý hệ thống chiếu sáng, Hapulico nhìn nhận rất khó khăn khi chuyển đổi các loại đèn truyền thống sang sử dụng đèn LED vừa tiết kiệm năng lượng vừa bảo vệ môi trường.

Tại Hội thảo bàn tròn “Quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng – Thực trạng và giải pháp” do Hội Chiếu sáng VN tổ chức vào đầu năm 2016, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Chiếu sáng VN, TGĐ Cty Hapulico cho biết: Hiện nay, hệ thống đèn LED dùng cho CSCC chỉ chiếm khoảng 5%. Sử dụng đèn LED cho CSCC sẽ tiết kiệm được điện năng tiêu thụ, giảm bớt gánh nặng về ngân sách Nhà nước cho vấn đề chi trả tiền điện, ngành điện bớt được nỗi lo thiếu điện trong mùa khô.

Để thay thế toàn bộ hệ thống CSCC sử dụng các loại đèn truyền thống hiện nay của Hà Nội, theo tính toán của các chuyên gia, trong trường hợp tận dụng hệ thống cột, dây và chỉ thay bóng đèn LED cũng cần đến khoản đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. Đây là một phương án không khả thi trong tình hình ngân sách hiện nay.

Được biết, Hà Nội đang xem xét phương án kêu gọi đầu tư đèn LED cho CSCC bằng hình thức xã hội hóa theo mô hình ESCO, đó là việc các công ty đầu tư công trình CSCC bằng LED sẽ đề xuất các giải pháp kỹ thuật, cam kết hiệu quả tiết kiệm năng lượng với chính quyền thành phố. Nhà đầu tư sẽ thu hồi vốn và lợi nhuận dựa trên việc sẽ chia sẻ khoản lợi nhuận từ việc tiết kiệm điện mà dự án mang lại (trong khoảng thời gian nhất định) với chính quyền thành phố.

Mô hình này các nước đã thực hiện và mang lại hiệu quả, nhưng theo các chuyên gia năng lượng, chiếu sáng và doanh nghiệp, rất khó thực hiện vì giá thành điện của VN cho CSCC quá thấp, thời gian thu hồi từ tiền tiết kiệm điện cùng với cơ chế quản lý chồng chéo, trong khi tiền đầu tư cho LED cao, các công ty khó thu hồi vốn, không khuyến khích được họ đầu tư.

Một cản trở khó vượt qua, theo một chuyên gia tài chính là theo cơ chế hiện nay ngành tài chính sẽ chỉ chấp nhận việc thanh toán tiền điện của thành phố căn cứ vào hóa đơn tiền điện. Do vậy, nếu đầu tư đèn LED mà tiết kiệm được một nửa số tiền điện các địa phương đang phải chi trả thì cũng không có căn cứ pháp lý nào để đem số tiền tiết kiệm được chi trả cho nhà đầu tư.

Không thể dùng tiền ngân sách để đầu tư thay thế toàn bộ hệ thống đèn CSCC bằng đèn LED, nhưng cũng chưa tìm được cơ chế chi trả số tiền điện cả 100 tỉ đồng tiết kiệm được cho nhà đầu tư, không chỉ Hà Nội mà tại các địa phương khác đang… “loay hoay” tìm giải pháp!

Đọc thêm