Vì sao nhiều di sản đìu hiu du khách?

(PLVN) - Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch, hơn 70% khách quốc tế đến nước ta để khám phá những nét văn hóa độc đáo thông qua các di sản. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng du lịch di sản Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức về xây dựng bản sắc, thương hiệu, nhất là ở các đô thị lớn.
Nhiều di tích chưa phát huy giá trị du lịch như Thành Cổ Loa ở Hà Nội
Nhiều di tích chưa phát huy giá trị du lịch như Thành Cổ Loa ở Hà Nội

Tiềm năng di sản chưa phát huy 

Hiện nay trên cả nước có khoảng hơn 4 vạn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cộng thêm gần 1000 di sản phi vật thể. Các di sản đều được đánh giá cao nhằm khai thác thành những điểm du lịch tiềm năng cho sự phát triển du lịch của cả nước.

Điển hình như trung tâm văn hóa nghìn năm Hà Nội, hay di sản Vịnh Hạ Long và các không gian du lịch ở miền Trung như: nhã nhạc cung đình Huế, khu di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An.

Riêng Thủ đô Hà Nội hiện nay có gần 6000 di tích lịch sử, văn hóa được kiểm kê. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% di tích thực sự được du khách quan tâm, như: Tháp Rùa (Hồ Gươm), Văn miếu Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long… 

Thế nhưng, trong số đó liệu có bao nhiêu di sản được khai thác một cách hiệu quả? Đa phần, mới chỉ khai thác tốt một số điểm đã có thương hiệu, được giới thiệu và biết đến nhiều. Ngoài ra còn rất nhiều các di tích, hoạt động và sản phẩm khác chưa được “phát lộ” như chùa Đậu với hai pho “tượng táng” của 2 thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, hay những di sản văn hóa phi vật thể như: ca trù, chèo, xẩm, các bộ môn võ thuật cổ truyền. Và ngay cả Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, thành Cổ Loa… cũng chưa tổ chức, quảng bá và giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước. Nói cách khác, chúng ta còn “bỏ sót” nhiều tài nguyên di sản văn hóa rất quý giá. 

Khai thác kinh doanh tại các điểm đến đã được đưa vào khai thác cũng còn những bất cập, hạn chế. Điểm dễ nhận thấy nhất là các sản phẩm còn tự phát, không theo hệ thống nên thường manh mún, hay bị trùng lặp. Hầu hết sản phẩm đơn điệu nghèo nàn, thiếu bản sắc, không tương xứng với nhu cầu mua sắm trong và ngoài nước. 

Nguyên nhân chủ yếu được cho là do sản phẩm du lịch tại di sản chưa được đầu tư nghiên cứu và quy hoạch phát triển một cách hệ thống trên diện rộng. Với mục tiêu và chiến lược dài hạn ở tầm quốc gia, sự phối hợp liên ngành còn thiếu giá trị di sản văn hóa còn chưa được đánh giá một cách khoa học và toàn diện.

Mặt khác sự tham gia của người dân chưa thực sự góp phần bảo tồn và tôn vinh các giá trị của di sản. Như phố cổ Hà Nội - hình ảnh dãy nhà mang kiến trúc Pháp đã khó hình dung trong mắt khách du lịch bởi sự đánh đổi về mặt kinh tế, đổi đất xây homestay, khách sạn. 

Như vậy có thể thấy, quá trình phát triển du lịch ồ ạt, không đi kèm với bảo tồn và phát huy giá trị bền vững, dễ gây ra những hệ lụy tiêu cực cho tài nguyên di sản ở nước ta, giảm thiểu lợi ích kinh tế tự nhiên cho xã hội và cộng đồng người dân.  

Khó khăn tồn đọng

Câu chuyện du lịch di sản vẫn luôn là vấn đề nóng hổi, bởi thiếu giải pháp hiệu quả giữa “phát triển” và “gìn giữ”. Vậy chìa khóa nào dẫn tới sự thành công trong việc khai thác du lịch di sản tại Việt Nam?

Trả lời báo chí, Phó GS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho biết không phải di sản nào cũng phát huy tốt vai trò, giá trị của mình trong hoạt động du lịch bởi chính cách làm du lịch hiện nay.

Ông Lương cho biết: “Trong quá trình làm du lịch, giữa điều chúng ta mong muốn và thực tế không song hành với nhau, mà trong khi đó chính sách của chúng ta đối với câu chuyện này có sự mâu thuẫn giữa việc bảo tồn với sự phát triển của xã hội hiện đại. Ví dụ khi người ta đến với Hội An, họ muốn trải nghiệm những thứ thật là cổ, nhưng cuộc sống hàng ngày vẫn diễn ra, thế hệ sinh ra nên nhà cổ không thể giữ”.  

Mặt khác, những di sản văn hóa phi vật thể, có rất ít những công trình kết nối sản phẩm du lịch, thiếu thốn những người tâm huyết đứng ra tổ chức, đưa giá trị văn hóa độc đáo phổ biến tới du khách.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hậu - Tổng Thư ký Hội khoa học Việt Nam cho rằng, cái khó khăn lớn nhất là sự kết hợp đồng bộ giữa những ngành liên quan đến di sản, ví dụ ngành du lịch khai thác di sản như thế nào, ngành quản lý di sản là bên văn hóa đã làm được những gì, kể cả quản lý nhà nước về thành phố.

Ngoài các lý do khách quan như khoảng cách của các điểm du lịch quá xa, không phù hợp với lịch trình tour, hoạt động văn hóa nghèo nàn, khiến người làm du lịch dù muốn cũng khó lòng đưa khách đến. Mặt khác chưa có tính kết nối, phối hợp giữa các điểm đến di sản, trong việc hấp dẫn, thu hút khách tham quan. 

Chung quy lại, trong bối cảnh số lượng di sản được chứng nhận ngày một nhiều, thì việc chiến lược phát triển, quảng bá cũng cần phát triển song song, đồng bộ, để không còn cảnh di sản đìu hiu khách tham quan. 

Đọc thêm