Việc làm thầm lặng mà cao cả

(PLO) - TP HCM vừa có cuộc tôn vinh “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”. Tại đây, ta bắp gặp những việc làm gây xúc động như có gia đình đón 2 bà cụ già vô gia cư, liệt giường, bệnh tật về nhà chăm sóc hàng chục năm trời, hoặc có người nhặt nhạnh phụ tùng xe đạp bỏ đi, âm thầm lắp ráp tặng các học trò nghèo,...
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Điểm chung ở những tấm gương âm thầm và cao cả này là họ đều nghèo, hết sức vất vả để mưu sinh, nuôi sống gia đình. Tương tự, cùng thời điểm, tại TP HCM tuyên dương những tấm gương “Vì người nghèo”, điểm tương đồng là những người giúp đỡ người nghèo này cũng không... giàu. Phải chăng vì cùng cảnh nghèo khổ mà người ta biết thương nhau chăng?

Sự đùm bọc và cưu mang nhau ấy là dòng chảy của đạo lý truyền thống “Thương người như thể thương thân”. Đạo lý đó đối lập với những hình ảnh mà giới truyền thông xuýt xoa, trầm trồ, thán phục những toa-let dát vàng, bồn rửa nạm kim cương, xe đạp nửa tỷ, phản gỗ 5 tỷ, giường 4 triệu USD,... mà giới nhà giàu Việt Nam mua sắm.

Tình thương trong căn nhà ổ chuột là tương phản với sự xa hoa tại các biệt phủ, lâu đài, dinh thự với nội thất sang trọng, “vườn thượng uyển”... của một số cán bộ thời nay, họ phô phang không cần giấu giếm. Đành rằng, người giàu có thì hưởng sự sang trọng là đương nhiên, họ có quyền đó vì có tiền. Thế nhưng, phô bày một sự xa hoa thái quá trong một cộng đồng còn nhiều người nghèo khổ thì điều đó có nên chăng? Hãy nhìn các tỷ phú thế giới xem họ đối xử với tài sản khổng lồ của mình như thế nào, họ sống ra sao và để lại cho con cháu những gì!

Mới đây, tại hồ Linh Đàm (Hà Nội) nổ đầy rác rưởi là bao cao su và băng vệ sinh “đã qua sử dụng”. Những người vứt thứ rác rưởi xuống hồ thiêng (Linh Đàm – hồ thiêng, cũng như Hồ Tây xưa gọi là Dâm Đàm – hồ mù sương) tất nhiên là một cách ứng xử thiếu văn hóa đã đành. Song, phát hiện ra chuyện này và công khai nó lại là một người nước ngoài. Bao nhiêu người dân Thủ đô đã đi qua bờ hồ vào sáng hôm đó, sao không có ý kiến gì. Cơ quan chức năng đâu mà để xảy ra chuyện này – một chuyện dơ bẩn cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Tất nhiên, với cách hành xử của ông Chủ tịch phường với ông Tây vớt rác trước đây, xảy ra ở Hà Nội thì người sẽ không dây vào làm gì. Tiếc thay, trong quan niệm của một số người (kể cả cán bộ lãnh đạo) những việc làm tốt cho cộng đồng bị coi là “dở hơi”, “không phải việc của mình”, và đặt câu hỏi nghi vấn “với động cơ gì?”. Những động thái ứng xử đó góp phần làm nên sự vô cảm, thui chột lòng tốt và vô hình trung cổ vũ cho lối sống ích kỷ lên ngôi.

Rất may, phần đông xã hội không nghĩ thế và chính quyền địa phương luôn quan tâm và động viên những tấm gương, việc làm “thầm lặng mà cao cả” để xã hội ta trở nên tốt đẹp hơn! 

Đọc thêm