Việt Nam có thể thiết lập “bong bóng du lịch”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều mô hình “bong bóng du lịch” trên thế giới đã tan vỡ trong quá trình triển khai do những diễn biến khó lường của Covid-19 hoặc do những yêu cầu về mặt phòng dịch ngặt nghèo và mức độ chi trả tốn kém. Làm thế nào để mô hình này phát huy hiệu quả ở Việt Nam?
Việt Nam đang là địa điểm lý tưởng nhiều quốc gia muốn kết nối “bong bóng du lịch”.  Ảnh minh họa: Reuters
Việt Nam đang là địa điểm lý tưởng nhiều quốc gia muốn kết nối “bong bóng du lịch”. Ảnh minh họa: Reuters

Tiêu chí hàng đầu: An toàn

“Bong bóng du lịch” lần đầu xuất hiện vào tháng 5/2020, khi New Zealand và Australia đàm phán về việc cho phép đi lại tự do hai quốc gia giữa đại dịch Covid-19. 

"Bong bóng du lịch" được hiểu là mối quan hệ đối tác độc quyền giữa các quốc gia láng giềng hoặc lân cận mà đã chứng tỏ thành công đáng kể trong việc ngăn chặn và chống lại đại dịch Covid-19. Các quốc gia này thiết lập lại kết nối bằng cách mở cửa biên giới và cho phép công dân của họ đi lại tự do giữa lãnh thổ hai bên mà không cần phải kiểm dịch khi nhập cảnh.

Trên thực tế, nhiều quốc gia đã triển khai “bong bóng du lịch nội địa”. Tùy theo điều kiện tại khu vực mà những nguyên tắc để duy trì “bong bóng du lịch” cũng khác nhau. Chẳng hạn, tại Mỹ, nơi ghi nhận số ca lây nhiễm chiếm khoảng 25% toàn thế giới, các bang như New York, New Jersey và Connecticut tự tạo ra “bong bóng du lịch nội địa” riêng. Theo đó, quy định tự cách ly 14 ngày chỉ áp dụng với các du khách đến từ những bang ghi nhận số người dương tính với Covid-19 trung bình lớn hơn 10% trong 7 ngày; hoặc số ca dương tính lớn hơn 10 trên 100.000 dân.

Nhiều chuyên gia nhận định, dù “bong bóng du lịch” đến nay không còn là hình thức mới, cũng chưa phải là mô hình lý tưởng nhưng lại được đánh giá là khả thi. Trong bối cảnh vắc xin ngừa Covid-19 mang đến những hiệu quả nhất định, “bong bóng du lịch” có thể coi là bước khởi đầu cho việc phục hồi du lịch của các quốc gia. 

Cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua, hành lang du lịch đầu tiên được thiết lập giữa Đài Loan và Palau, với 16 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần. 

Ngày 19/4 tới đây, New Zealand sẽ cho phép người Australia đến quốc gia này mà không cần kiểm dịch, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển “bong bóng du lịch” nối lại các chuyến du lịch giữa 2 nước. 

Làm thế nào thu hút khách du lịch?

“Bong bóng du lịch” giữa Việt Nam và Nhật Bản được triển khai từ tháng 11 năm ngoái, với mục đích kêu gọi các kỹ sư và chuyên gia từ Nhật Bản sang Việt Nam - điểm đến đầu tư ưa thích của các doanh nghiệp nước này. Tuy nhiên đến nay, “bong bóng du lịch” vẫn chưa tạo ra nhiều hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Một chuyên gia chia sẻ: “Mô hình này chủ yếu được áp dụng cho một số nhà ngoại giao, nhưng về phía doanh nhân thì lại rất ít”.

Nhiều yêu cầu nghiêm ngặt cũng như quy trình giám sát khắt khe khiến các doanh nghiệp e ngại. Cụ thể, khách du lịch phải gửi trước giấy tờ, bao gồm hành trình chi tiết các địa điểm cụ thể và những người mà họ lên kế hoạch ghé thăm. Ngoài ra, du khách phải thực hiện xét nghiệm 2 ngày một lần. “Như vậy, điều này đã không phù hợp đối với tính chất công việc của các doanh nhân”, một giám đốc điều hành của doanh nghiệp Nhật Bản cho hay.

Đây không phải là tình cảnh chỉ riêng Việt Nam mới gặp phải khi thực hiện các “bong bóng du lịch”. Tại Thái Lan, nhu cầu người dân đi du lịch đến các nước kiểm soát dịch tốt đang bị dồn nén. Tuy nhiên, những rào cản trong chính sách kiểm soát nhập cảnh lại khiến cho họ trở nên ngần ngại hơn. 

Việt Nam đang là địa điểm lý tưởng mà nhiều quốc gia trên thế giới muốn kết nối tạo “bong bóng du lịch”. Theo các doanh nghiệp đầu ngành, để mô hình hành lang du lịch an toàn tại Việt Nam, vấn đề cơ bản là phải có được bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ mở cửa với từng thị trường. Không đánh giá được sẽ không thể miễn cách ly, nếu không miễn cách ly thì gần như không thể thu hút khách du lịch.

Ngoài ra, các điều kiện kèm theo đối với khách khi nhập cảnh cũng phải được cân nhắc nếu triển khai mô hình này. Chẳng hạn tại Campuchia, khách du lịch đến đây hiện phải nộp 3.000 USD tiền cọc tại sân bay, đồng thời phải có bảo hiểm du lịch trị giá ít nhất 50.000 USD. Theo các chuyên gia, với các điều kiện như vậy, ngành du lịch khó có thể phục hồi.

Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch – Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Việt cần đánh giá những rủi ro xảy đến trong quá trình ứng dụng “bong bóng du lịch”, xây dựng nguyên tắc và cam kết dựa trên thỏa thuận của hai bên đảm bảo mô hình hoạt động hiệu quả nhất có thể. Yêu cầu khách du lịch khi nhập cảnh phải cài các phần mềm quản lý dịch tễ của từng nước cũng nên được xem xét. 

Đọc thêm