Việt Nam đối mặt nguy cơ nhiễm độc dioxin mới

(PLO) - Nhiều nhà máy xử lý rác thải ở Việt Nam có hàm lượng dioxin trong khí thải và nước thải vượt nhiều lần cho phép gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người. Đứng trước những lo ngại này, Tổng cục Môi trường đã đề xuất với Bộ  Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát để tìm hướng giải quyết.
Dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt công nghệ NFI-05 P2. (Ảnh minh họa: MH)
Dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt công nghệ NFI-05 P2. (Ảnh minh họa: MH)

Các lò đốt rác hầu hết đều cũ, lạc hậu

Các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chọn 2 lò đốt rác ở miền Bắc để lấy mẫu và phân tích hàm lượng dioxin/furan trong mẫu khí thải lò đốt. Kết quả cho thấy, rất nhiều nhà máy xử lí rác thải có hàm lượng dioxin và các hợp chất tương tự dioxin (viết tắt là DRCs) cao gấp nhiều lần mức cho phép, thậm chí có nơi cao gấp 5.000 lần.

Ngoài ra, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) đã lấy mẫu tại một số lò đốt, cơ sở xử lí rác thải tại Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hoá và TP Hồ Chí Minh để phân tích hàm lượng dioxin dựa trên 29 chỉ tiêu.

Kết quả, 7/18 mẫu khí thải có hàm lượng TEQ (giá trị trung bình) cao vượt ngưỡng, trong đó nhiều mẫu cao hơn giới hạn tối đa cho phép hàng nghìn lần. Tại lò đốt rác thải công nghiệp ở Hải Dương cũng có hàm lượng DRCs tới 46.800pg TEQ/Nm3, cao gấp 81 lần mức cho phép.

Ở TP HCM, trong số 5 mẫu lấy từ 2 trạm xử lý chất thải nguy hại và 1 công ty môi trường thì có 3 mẫu vượt mức, trong đó 1 mẫu vượt tới 5.000 lần.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do các lò đốt rác hầu hết đều cũ, lạc hậu. Còn đối với nước thải, phần lớn các lò đốt hiện nay còn sử dụng công nghệ xử lý nước thải kiểu ướt, tiềm ẩn nguy cơ lớn về việc xả thải dioxin ra môi trường.

Không chỉ các lò đốt rác thông thường mà ngay cả các lò đốt rác thải y tế cũng tiềm ẩn các nguy cơ phát thải chất độc dioxin. Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế cho rằng, Việt Nam hiện có khoảng 400 lò đốt rác thải y tế. Các lò đốt này phần lớn được sử dụng ở Việt Nam từ năm 2000.

Suốt 15 năm qua, phần lớn rác thải y tế được xử lý bằng công nghệ lò đốt tại các bệnh viện, chỉ có một số ít thành phố xử lý rác thải y tế tập trung. 

Theo ông Nga, công nghệ đốt có ưu điểm là giảm thể tích, tiêu diệt mầm bệnh nhưng nhược điểm là chi phí ban đầu cao, vận hành phức tạp và gây ô nhiễm môi trường. Khí thải chưa được lọc dioxin và các hợp chất có độc tính giống dioxin, tro sau khi đốt xong là chất thải nguy hại chứa dioxin và furan. Nếu chôn lấp hay thải ra sông, hồ thì nguy cơ dioxin nhiễm vào đất, vào nước.

Đánh giá ô nhiễm các lò đốt: kinh phí quá lớn

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng, con số 5.000 lần là kết quả đo hàm lượng dioxin trong mẫu nước tuần hoàn chứ không phải trong nước thải. Lò đốt chuẩn về cơ bản không phát sinh nước thải, còn nước tuần hoàn nhiễm dioxin đến mức độ nào đó sẽ phải được xử lý và tuần hoàn trở lại.

Trước những mối lo ngại này, Tổng cục đang đề xuất mở rộng điều tra, đánh giá ô nhiễm dioxin từ các lò đốt. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất phức tạp, kinh phí lớn (hơn 10 triệu đồng/mẫu), số lượng mẫu ở mỗi lò đốt phải lớn, đủ tính đại diện. 

Ở Việt Nam cũng mới có 2 cơ sở đủ khả năng phân tích dioxin nên quá trình điều tra, khảo sát sẽ tốn nhiều thời gian. Tổng cục Môi trường với sự hỗ trợ của Nhật Bản đang xây dựng lại Quy chuẩn lò đốt công nghiệp thay thế QCVN 30:2012/BTNMT để vừa đảm bảo môi trường, vừa phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đọc thêm