Việt Nam sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ

(PLO) - Ngày 24/9, tại Đà Nẵng, Tổng cục DS- KHHGĐ phối hợp với Hội nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề hưởng ứng Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2015 với chủ đề “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”. 
Việt Nam sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ

Hoạt động này nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10.

Theo báo cáo tại Hội thảo, tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) ở Việt Nam đang ở mức cao, tăng nhanh và ngày càng lan rộng; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) xảy ra cả ở thành thị và nông thôn.

Cụ thể, TSGTKS của Việt Nam từ năm 2006 đến nay luôn ở mức trên 110%, liên tục tăng và còn tiếp tục tăng. Năm 2014, 10 tỉnh có TSGTKS cao nhất ở cả nước bao gồm: Quảng Ninh: 124,4; Hưng Yên: 119,5, Lào Cai: 228,4; Hải Dương: 118,3; Bắc Ninh: 117,8: Sơn La: 117,6; Hà Nội 117,3…

Kết quả điều tra biến động DS-KHHDGĐ năm 2011 của Tổng cục Thống  kê cho thấy, tất cả các lần sinh, TSGTKS của Việt Nam đều ở mức cao và mất cân bằng: Lần thứ nhất: 109,7; Lần thứ 2: 11,9 và lần thứ 3 trở lên rất cao: 119,7. TSGTKS cao ở ngay lần sinh thứ nhất cho thấy khát vọng có con trai của nhiều gia đình rất mãnh liệt và các bà mẹ đã sớm lựa chọn giới tính của con ngay lần mang thai đầu tiên. Điều này khác với các nước, thường có TSGTKS cao ở lần sinh cuối. TSGTKS thấp nhất (107) ở các bà mẹ không biết chữ và tăng dần theo trình độ học vấn lên đến 114 ở những bà mẹ có trình độ cao đẳng trở lên; ở 3 nhóm dân cư giàu nhất, TSGTKS là, trong khi đó nhóm dân cư nghèo nhất tỉ số này là 105.

Về MCBGTKS xảy ra ở thành thị: 114,2% và nông thôn: 111,1%. Thống kê của của Tổng cục Dân số - KHHGĐ năm 2014, 6/6 vùng có tình trạng MCBGTKS, cao nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng (115%) và thấp nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (108,5%). Mức độ MCBGTKS cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình trạng kinh tế khá giả.

Nguyên nhân trực tiếp được xác định, do lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính như: áp dụng ngay từ lúc có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn); trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng để chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y…) hoặc khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối…) để chuẩn đoán giới tính. Nếu là thai trai, họ để lại, nếu thai gái phá đi…
Ngoài ra, còn có nhóm nguyên nhân phụ trợ khác như: do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con, nhưng các cặp vợ chồng lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Do nhu cầu phát triển kinh tế gia đình: nhiều công việc nặng nhọc như khai thác khoáng sản, đi biển đánh bắt xa bờ… đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai. 
Do chế độ an sinh xã hội chưa đảm bao, hiện nay trên 70% dân số nước ta còn sống ở nông thôn, hầu hết không có lương hưu khi về già, họ cần sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm, trách nhiệm này chủ yếu thuộc về con trai. Bên cạnh đó, chính sách ưu tiên của nữ giới cũng chưa thật thỏa đáng
Từ tình trạng gia tăng TSGTKS, Hội thảo cũng phân tích, dân chứng ra nhiều hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị… khi nam nữ bước vào độ tuổi kết hôn (năm 2025). 
Các nhà nghiên cứu dự báo, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ. Trước hết, tình trạng dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể sẽ dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ không có khả năng kết hôn. TSGTKS còn làm tăng thêm sự bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ li hôn và tái hôn của phụ nữ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ cũng sẽ gia tăng.

Đọc thêm