Vĩnh Phúc: Nhiều công trình lớn kịp chào đón dịp 2/9

(PLO) - Nhiều người dân có dịp trải nghiệm nhà hát và quảng trường “trăm tỷ” từng khiến dư luận xôn xao khi tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức nhiều sự kiện lớn nhân dịp Quốc khánh 2/9. 

Vĩnh Phúc: Nhiều công trình lớn kịp chào đón dịp 2/9
Buổi gặp mặt các thế hệ hoạt động cách mạng và kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức vào sáng 01/9 tại Nhà hát lớn của tỉnh. Đây là công trình có tổng mức đầu tư lên tới 755 tỷ, tọa lạc tại trung tâm thành phố Vĩnh Yên. 
Nhiều quan khách có mặt tỏ ra khá “ngộp” khi lần đầu chứng kiến không gian mới toanh có gần 2000 chỗ ngồi. Nhà hát có diện tích sàn 23.500m2, với một tầng hầm và ba tầng nổi. Trước khi được chính thức đưa vào sử dụng, các công trình này được dư luận soi xét khá kỹ và nhiều câu hỏi đặt ra: liệu có sự bất thường nào trong việc một tỉnh ven Hà Nội chi bạo cho công trình dân sinh? 
Một công trình khác liền kề, tạo khuôn viên quang đãng cho Nhà hát là Công viên Quảng trường tỉnh cũng thuộc hàng “trăm tỷ”. Công viên có tổng đầu tư hơn 100 tỷ đồng, rộng 30ha, trong đó, khu quảng trường phía Bắc với 8,87ha, khu công viên phá Nam vói 17,42ha, bao trọn phía tây bắc Nhà Thi đấu thể thao thành phố Vĩnh Yên và bao trọn khu vực Đầm Vạc. Tối 01/9, tại đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo một sân khấu nổi để “chiêu đãi” người dân chương trình nghệ thuật quy mô có tên “70 năm khúc hát tự hào”. 
Các nghị sĩ biểu diễn tại sân khấu nhà hát
 Các nghị sĩ biểu diễn tại sân khấu nhà hát
Không chỉ “chi bạo” cho các công trình lớn, ở chương trình nghệ thuật kể trên, tỉnh này cũng mạnh tay mời rất nhiều nghệ sĩ, ngôi sao ca nhạc hàng đầu biểu diễn trong chương trình như NSND Quang Thọ, ca sĩ Mỹ Linh, Tấn Minh, Minh Thu, Nhật Thủy, Đinh Mạnh Ninh, Vũ Hà Anh… Sau đó, màn bắn pháo hoa tầm thấp kéo dài 15 phút sau sự kiện đã kéo hàng vạn người dân thành phố Vĩnh Yên và trong tỉnh đã đổ về khu vực sân khấu và quảng trường để chiêm ngưỡng. 
Chị Phan Thị Linh (phường Đồng Tâm, thị xã Vĩnh Yên) hiện công tác tại Hà Nội chọn quê nhà cho dịp nghỉ lễ 2/9. Có mặt tại sân khấu nổi, chị cho biết nhiều người trong gia đình mình cũng đến theo dõi chương trình nghệ thuật mừng Quốc khánh. “Nhiều người dân ở đây rất tự hào vì những công trình lớn do tỉnh đầu tư đã đi vào hoạt động. Trước đây, tôi biết có không ít người nghi ngờ về hiệu quả và mức độ đầu tư cho những công trình có vẻ xa xỉ này. Riêng mình, tôi chỉ mong khi tỉnh đã quyết chi tiêu như thế, kể cả với công trình mới nhất là Văn Miếu đang gây xôn xao dư luận, thì cũng đồng thời có kế hoạch khai thác  sao cho thuyết phục”.
Từ huyện xa Lập Thạch, anh Vũ Việt Hùng cùng bạn lên thành phố Vĩnh Yên sớm để xem chương trình lớn của tỉnh. “Tối nay quá đông vui, chương trình ’70 năm khúc hát tự hào’ rất quy mô, hoành tráng. Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế về du lịch nên tôi cho rằng quần thể nhà hát, công viên, hồ nước, nhà thi đấu, hệ thống giao thông xung quanh thông thoáng ở vị trí rất đẹp thế này… thực sự là điểm nhấn với du khách khi đến với thành phố Vĩnh Yên”. 
Ngoài hai sự kiến chính tại các công trình lớn kể trên, dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 này, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn diễn ra nhiều hoạt động động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu, gặp mặt, tri ân… khác, trong đó có các hoạt động thăm hỏi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng  bào vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách.
Theo bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh, khi mới tái lập tỉnh năm 1997, Vĩnh Phúc là một tỉnh nghèo, thuần nông, thu ngân sách chưa đạt 100 tỷ đồng, thu nhập bình đầu người chỉ đạt gần 140 USD/năm, bằng 48% bình quân chung cả nước. Đến nay, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong các tỉnh, thành có giá trị sản xuất công nghiệp, có tổng thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước. 

Đọc thêm