Vợ chồng hội ngộ sau 40 năm thất lạc

(PLO) - Cái tin bà Tý tìm được chồng và con trai sau 40 năm thất lạc lan khắp huyện. Câu chuyện như cổ tích đi đâu cũng nghe bàn tán. Nhiều người kéo tới chúc mừng cũng không khỏi rớt nước mắt trước hạnh phúc của đôi vợ chồng già ngày gặp lại.  
Ông Niết và bà Tý sau 40 năm mới gặp lại nhau
Ông Niết và bà Tý sau 40 năm mới gặp lại nhau
Giống như nhiều hộ dân khác ở Quế Sơn, trong thời điểm vùng đất là chiến trường khốc liệt 40 năm trước, vợ chồng ông Nguyễn Niết (quê Quảng Nam, SN 1928, ngụ Cam Ranh, Khánh Hòa) và bà Phan Thị Tý (SN 1930, ngụ thôn Phước Thành, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) bỏ quê đi tìm nơi khác lập nghiệp. 
Đầu tháng 2/1975, ông Niết dắt theo 3 con lớn gồm Nguyễn Thị Ty (SN 1959), Nguyễn Văn Tuệ (SN 1963), Nguyễn Văn Huệ (SN 1967); còn bà Tý ẵm con gái nhỏ Nguyễn Thị Liên (SN 1972) ra Đà Nẵng theo tàu vào Cam Ranh (Khánh Hòa). 
Lúc bấy giờ cả trăm hộ gia đình như bà Tý xếp hàng dài đứng đợi đưa ra tàu  ngoài khơi. Do cảnh chen chúc nên vừa bước lên tàu, ông Niết để lạc mất hai con Ty và Huệ. 
Tàu khởi hành vẫn không thấy hai con đâu, vợ chồng hốt hoảng nhưng bất lực không còn cách nào khác. Trên hành trình lênh đênh giữa biển, vừa say sóng mệt mỏi, vừa đói khát, mấy mẹ con bà Tý lả người nằm bẹp ra sàn. 
Bà Tý nhớ lại, trong lơ mơ, bà nghe chồng cho biết sẽ đi tìm nước uống. Thế nhưng đợi mãi không thấy chồng, trong khi hai đứa con đang yếu dần vì khát, bà gượng dậy bế con gái ba tuổi đi xin nước. Lúc quay lại, chồng và con không còn ở chỗ cũ nữa. 
Bế con gái chạy khắp tàu tìm chồng mãi không được, bà Tý gần như tuyệt vọng. Thời điểm này, thường có tàu lớn cập vào để cung cấp nước, đồng thời đón từng tốp người vào đất liền nên bà cũng không biết chồng con đã đi theo hay rớt xuống biển. Cứ thế bà chọn cách ngồi im đợi chờ. 
Qua hơn một ngày, tàu cập cảng, bà mới biết mình được đưa đến Vũng Tàu. Lạc mất chồng con, bản thân không có tiền, lại phải chăm sóc con nhỏ, bà quyết định theo tàu trở ngược về Quảng Nam sinh sống. 
Tại quê nhà, bà tiếp tục nghe ngóng tin chồng và các con. Cháu Ty lớn tuổi, sau khi lưu lạc vào tới Cam Ranh, được một số người giúp đỡ, gần ba tháng sau tự tìm đường trở về. 
Huệ đi lạc vào Khánh Hòa và bị trúng đạn, một số người dân đưa vào Sài Gòn chữa trị. May mắn sau đó Huệ được một gia đình ở tại đây nhận làm con nuôi. Bẵng đi 5 năm, Huệ nhờ cha mẹ nuôi đưa về quê tìm người thân, rồi tiếp tục trở vào Sài Gòn sinh sống cùng cha mẹ nuôi cho đến nay. 
Chỉ còn lạc chồng và người con tên Tuệ, thời gian càng lâu, hi vọng dần hóa vô vọng. Mười năm sau, bà lập bàn thờ thờ cúng, mỗi năm lấy ngày lên tàu làm ngày giỗ chung cho cả hai cha con.
Cơ duyên để có cuộc hội ngộ xuất phát từ chuyện một ngày giữa tháng 5/2015, một thanh niên tên Nguyễn Văn Hải quê ở Cam Ranh đến UBND xã Quế Thuận xin xác minh lý lịch. Lý lịch anh này ghi cha tên Niết, và cha nuôi của ông Niết tên Lê Đó, đang sinh sống ở địa phương. 
Tuy nhiên vì ông Đó xác nhận mình chỉ có một đứa con nuôi nên Nết chứ không phải Niết nên chính quyền xã không chấp thuận lý lịch anh Hải gửi tới. Câu chuyện này sau đó được kể lại cho gia đình bà Tý.
Nghe thế, con gái bà Tý lên UBND xã xin xem lại hồ sơ lý lịch của người thanh niên tên Hải rồi lấy số điện thoại hỏi thăm. Qua nhiều cuộc gọi, hồi hộp chờ đợi, chị được anh Hải cho biết cha mình trước đây có vợ tên Nguyễn Thị Tý, hai vợ chồng có với nhau bốn người con nhưng tất cả đã mất.
Sau cuộc gọi, biết chắc cha mình còn sống, người con gái bắt xe vào Khánh Hòa. Đến nơi, mọi người nhận ra nhau, ông Niết vội khăn gói lên đường về lại Quảng Nam đoàn tụ với vợ con sau 40 năm.
Nghe tin ông Niết trở về, bà con hàng xóm đều tìm đến hỏi thăm và chúc mừng. Bên vòng tay người thân, ông Niết giải thích, Hải là con riêng của ông với vợ sau. Về sự khác biệt giữa cái tên Nết và Niết, chỉ đơn giản do đặc trưng về giọng nói ở hai vùng khác nhau. 
Ông tên Nguyễn Nết nhưng lúc làm lại giấy khai sinh, vì giọng Quảng Nam có phần nặng hơn nên họ ghi nhầm thành Nguyễn Niết. Phần nữa, do ông muốn quên đi cái tên “có quá khứ buồn” nên để như vậy luôn. 
Nhờ lần gặp lại này, ông cũng mới biết gia đình sáu người chia thành bốn hướng nhưng may mắn đều sống sót. Kể lại quá trình để thất lạc vợ con, ông Niết cho biết, dù đuối sức nhưng thấy vợ con khát, ông cố gắng gượng dậy đi tìm nước. Ban đầu cứ nghĩ vợ yếu sức sẽ không di chuyển được, ông rời chỗ ngồi một lúc sẽ quay lại.
Chiếc tàu dài khoảng 30 m, người ngồi, kẻ nằm ken đặc, nên ông đi hơi lâu. Lúc quay lại, vợ con đã biến mất, chỉ còn mỗi Tuệ. Ông đi tìm đến đêm vẫn không thấy, hỏi thăm thông tin lại nghe có người nói vợ con ông đã rơi xuống biển. Đang không biết xử lý như thế nào, vừa lúc có tàu đón, ông và Tuệ theo vào cảng Cam Ranh. Không tiền bạc, hai cha con lang thang ở cảng làm thuê một thời gian dài. 
“Dù có tin tức vợ con đã chết, nhưng hễ gặp người dân từ quê đến, tôi đều hỏi thăm. Vợ chồng tôi đã từng quyết tâm vào Khánh Hòa sống nên không có ngày nào tôi không chờ chực ở cảng tàu để ngóng tung tích gia đình mình. Tôi nghĩ, nếu có lạc đến đâu, bà cũng sẽ tới nơi mình đã hẹn. 
Suốt 3 năm liền như vậy, tôi mới tin vợ con đã chết thật. Hòa bình lập lại, tôi rất muốn về quê sinh sống nhưng cảm giác tội lỗi vì để vợ con mình phải chết, lại không biết phải ăn nói như thế nào với bà con nên chọn cách ở lại vùng đất mới. 
Tôi dắt theo đứa con trai vào Cam Ranh khai hoang lập nghiệp, lấy ngày ly biệt trên tàu làm ngày giỗ. Vài năm sau, tôi kết hôn với một phụ nữ địa phương và sinh thêm được ba người con trai, định cư tại Khánh Hòa luôn”, ông Niết thuật lại.
Thế là ông Niết hiện đang có đến 2 gia đình.Thời gian tiếp theo, dù già yếu nhưng ông vẫn sẽ ra vào thường xuyên giữa Quảng Nam và Khánh Hòa để làm tròn trách nhiệm. 
Ông chỉ hi vọng có được sức khỏe để đi lại. Đỡ lời chồng, bà Tý cũng vui vẻ chấp nhận. Với bà, gặp lại ông là bà vui. Do xa nhau lâu, còn nhiều chuyện muốn nói nên thời gian này, bà giữ ông ở bên mình thêm vài tháng./.

Đọc thêm