Vợ chồng nghèo có thể thành triệu phú nhờ đọc báo PLVN?

(PLO) -Gần 6 năm qua, viên đá vẫn nằm yên trong góc tủ và có lẽ sẽ mãi là 1 viên đá bình thường nếu ông  ông Đỗ Em không tình cờ đọc được thông tin về viên đá giống của mình được trả giá cả trăm triệu trên báo Câu chuyện Pháp luật, một ấn phẩm của Pháp luật Việt Nam…
Vợ chồng ông Em, bà Tùng bên viên đá quý hiếm
Vợ chồng ông Em, bà Tùng bên viên đá quý hiếm

Nhặt đá để chơi

Ông Đỗ Em (77 tuổi, trú tại tổ 3, phường Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) kể, đầu năm 2011 trong quá trình xây nhà, vợ chồng ông có thuê thợ đào một cái giếng ngay trước cửa để lấy nước sinh hoạt hàng ngày. Do tuổi đã cao nên ông Em không trực tiếp cùng thợ xuống đào mà chỉ ở trên phụ giúp việc kéo đất mang đi đổ. Vì địa hình đồi núi nên việc trong đất có lẫn đá là bình thường. 

Chính vì vậy, ban đầu ông Em cũng không để ý đến viên đá được cho là do gỗ hóa thạch này. Ông cũng đem đổ đi như bao viên đá khác. Thế nhưng, trong lúc ngồi nghỉ ông vô tình đưa mắt nhìn thì thấy viên đá có điểm gì đó khá lạ mắt, hoàn toàn khác với những viên đá bình thường. Thấy lạ, ông đem rửa sạch rồi cất vào xó tủ.

Nghĩ đó là viên đá bình thường, chỉ có hình dạng bên ngoài khác lạ một chút nên vợ chồng ông cũng để tâm tìm hiểu thêm về nguồn gốc, giá trị của viên đá có hình thù kỳ lạ này. Thậm chí khi có cháu nhỏ ông bà vẫn thường mang ra để cho con trẻ chơi đùa, quăng quật khắp nhà. 

Ông Em chỉ vị trí chiếc giếng nơi đào được viên đá
Ông Em chỉ vị trí chiếc giếng nơi đào được viên đá

Sau này, khi các con trưởng thành và chuyển đi ở riêng nhà chỉ còn 2 ông bà già ở với nhau, ông Em lại “ném” hòn đá vào trong một góc tủ chuyên đựng những thứ lặt vặt mà ông sưu tầm được.

Suốt 6 năm qua, viên đá vẫn nằm yên trong góc tủ như một vật vô giá trị. Và có lẽ nó vẫn sẽ nằm đó hoặc thậm chí bị lãng quên nếu chủ nhân của nó không tình cờ đọc được thông tin trên báo.

“Tôi vẫn thường theo dõi thông tin trên báo in. Tình cờ sáng ngày 2/7/2016 tôi có đọc được một bài báo đăng trên báo Câu chuyện Pháp luật nội dung viết về một người dân trong lúc đào giếng vô tình phát hiện một hòn đá nghi là do gỗ hóa thạch. Hòn đá đó được người ta trả giá rất cao. Nhìn hình thù của hòn đá trong bài báo thấy khá giống với viên đá trong tủ của mình nên tôi rất tò mò muốn tìm hiểu…”, ông Em chia sẻ.

Sau khi đọc thông tin và hình ảnh trên báo, ông Em lấy viên đá của mình từ trong góc tủ ra để so sánh thì thấy có nhiều điểm tương đồng nên ông tin rằng viên đá mà mình đang sở hữu có nguồn gốc từ gỗ hóa thạch. Nhưng vì đã cao tuổi, nhà lại chỉ có 2 vợ chồng già ở với nhau nên ông không biết cách nào để xác định nguồn gốc, giá trị của viên đá. 

Vì vậy, ông đã quyết định gọi điện nhờ phóng viên báo Câu chuyện pháp luật đến chụp hình của viên đá để nhờ các chuyên gia có kinh nghiệm xác định xem đây có phải là đá do gỗ hóa thạch không hay chỉ là 1 viên đá bình thường như trước đây vợ chồng ông vẫn nghĩ.

Theo quan sát ban đầu của chúng tôi thì viên đá có màu vàng nâu, thoạt nhìn thì rất giống với một cành cây mục. Tuy nhiên khi cầm bằng tay sẽ thấy cành cây này rất nặng, rắn chắc. Hòn đá trên dài khoảng 14cm, bề ngang 8cm và nặng khoảng 800gam. 

Không mong sẽ đổi đời

Hoàn cảnh hiện tại của vợ chồng ông Em cũng khá khó khăn. Các con đều đã trưởng thành và có gia đình riêng chỉ còn hai vợ chồng già sống nương tựa vào nhau. 

Bà Trương Thị Tùng (70 tuổi, vợ ông Em) chia sẻ: “Không phải vợ chồng tôi ở một mình vì con cái không nuôi nổi hay chúng không muốn nuôi mà vì vợ chồng tôi thương các con còn vất vả, kinh tế còn khó khăn. Chúng phải lo cuộc sống, giờ lại phải nuôi thêm bố mẹ già nữa thì khổ lắm. Tuy nói là ở mình nhưng hàng tháng các con vẫn chu cấp tiền cho bố mẹ nên cuộc sống của vợ chồng tôi cũng vẫn ổn”.

Ngoài tiền các con hỗ trợ, hàng ngày bà Tùng vẫn đi giao những đồ lặt vặt như bim bim, bánh kẹo… cho một số cửa hàng quen kiếm thêm 20 đến 30 ngàn. Gần như cả cuộc đời lam lũ, khó khăn là vậy thế nhưng khi được hỏi là ông bà có mong viên đá đang sở hữu giúp mình đổi đời hay không thì cả 2 đều trả lời dứt khoát là không.

Một số hình ảnh về viên đá được cho là do gỗ hóa thạch
Một số hình ảnh về viên đá được cho là do gỗ hóa thạch

Ông Em khẳng định là mình cũng đã đọc thông tin trên báo thấy viên đá của người ta có kích thước, hình dạng gần giống với của mình và được người ta trả đến cả chục triệu, thậm chí có tin đồn là hàng trăm triệu. Thế nhưng, ông không hy vọng viên đá của mình cũng sẽ bán được với cái giá như vậy.

Điều ông muốn đó là xác minh xem có phải mình đang sở hữu một viên đá hiếm và có giá trị cao không hay thực ra nó chỉ là 1 viên đá bình thường. Ông chỉ muốn thỏa cái tính tò mò của bản thân, cũng như không muốn một vật thật sự có giá trị về thẩm mỹ, tâm linh lại bị lãng quên trong góc tủ cũ của mình.

Bà Tùng vợ ông cũng chia sẻ: “Vợ chồng tôi nghèo cả đời rồi, giờ có đổi đời thì ở cái tuổi này cũng chẳng để làm gì. Điều chúng tôi mong muốn nhất lúc này là ông nhà tôi chữa khỏi được bệnh, 2 vợ chồng sống những năm cuối đời được khỏe mạnh, thanh thản bên con cháu ngoan ngoãn hiếu thảo là mãn nguyện rồi.

Nếu thực sự viên đá có giá trị cao như vậy thì cũng coi như là cái lộc trời cho nên sẽ để cái lộc đó cho con cháu được hưởng, chứ tuổi này thì chẳng có mong muốn, thiết tha gì nữa”.

Trước thông tin về viên đá khi đăng lên báo có thể sẽ gây ra rất nhiều tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến cuộc sống yên bình, vợ chồng ông Em vẫn tỏ ra khá lạc quan. Ông Em cười bảo:

“Vợ chồng tôi già cả, lại nghèo khó nhưng sống không làm hại ai bao giờ nên chắc cũng không ai nỡ làm khó ông bà già này đâu. Đã chắc gì viên đá của chúng tôi là do gỗ hóa thạch hay chỉ là đá bình thường. Và giá trị của gỗ hóa thạch có thực sự cao đến vậy hay chỉ là do người ta đồn thổi lên thôi”.

Theo các chuyên gia cho biết: gỗ hóa thạch là cây gỗ bị chôn vùi dưới lòng đất trong khoảng thời gian từ 4-12 triệu năm. Trong quá trình phát triển địa chất, khi cây bị chôn vùi xuống lòng đất thì biến thành than đá.

Trường hợp gặp điều kiện thuận lợi như trong đất có dung dịch silic (SiO2) thì nó sẽ tẩm vào các thớ cây, khiến cho cây cứng như đá. Độ cứng của gỗ hóa thạch ngang với mã não, tuy nhiên gỗ hóa thạch không nằm trong danh mục đá quí.

Việt Nam có 2 vùng thường xuất hiện gỗ hóa thạch là Lạng Sơn và Tây Nguyên. Ở Tây Nguyên cách đây từ 4 đến 12 triệu năm, các trận núi lửa tràn qua các rừng cây làm chôn vùi hầu hết những cánh rừng này. Trong dung nham của núi lửa có silic. Một số cây không bị đốt cháy mà được tẩm loại dung nhan này nên biến thành gỗ hóa thạch.

Ngày nay, người ta tìm thấy nhiều gỗ hóa thạch ở trong các lớp bùn đỏ. Sau mỗi trận mưa hoặc lũ, thỉnh thoảng lại trồi ra vài khúc gỗ hóa thạch này.

Đọc thêm