Vợ nông dân gặp khó vì “sổ đỏ” chỉ mang tên chồng

(PLO) - Tâm lý dựa dẫm vào người chồng, tự ti vì trình độ học vấn thấp làm phụ nữ bị hạn chế trong giao dịch sản xuất.
Còn những yếu tố cản trở hoạt động sản xuất nông nghiệp của phụ nữ.
Còn những yếu tố cản trở hoạt động sản xuất nông nghiệp của phụ nữ.

Đó là một trong những thông tin được công bố tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu: “Phụ nữ (PN) hoạt động nông nghiệp và tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam” vào hôm qua (12/5) tại Hà Nội do cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức. 

Nghiên cứu “PN hoạt động nông nghiệp và tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (IFGS) thực hiện năm 2015 với mục tiêu phân tích tác động của các yếu tố như chính sách, đặc trưng kinh tế xã hội, khu vực địa lý, v.v. đến sinh kế của PN hoạt động nông nghiệp, tập trung ở nhóm PN trồng lúa và cây ăn quả. 

Kết quả cho thấy, nữ giới, đặc biệt là PN thuộc nhóm tuổi trung niên đang là lực lượng chủ yếu tham gia trồng lúa, cây ăn quả ở nhiều địa phương. So với PN ở vùng đồng bằng, quyền quyết định trong trồng trọt giống cây trồng, vay vốn, mở rộng sản xuất, bán sản phẩm.. của PN ở miền núi hạn chế hơn.

Những tiến bộ trong khoa học công nghệ với sự ra đời của nhiều thiết bị máy móc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã giúp người PN tự chủ hơn trong sản xuất, giảm bớt sự lệ thuộc vào nam giới trong quá trình sản xuất, rút ngắn thời gian lao động trực tiếp. 

Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố cản trở hoạt động sản xuất nông nghiệp của PN như: việc chuyển nhượng và thuê đất trồng trọt chưa phổ biến, tình trạng manh mún đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hai người chưa kịp thời gây khó khăn nhất định cho phát triển sản xuất của nữ nông dân; nguồn vốn vay bằng thế chấp lãi suất còn cao và thời gian cho vay ngắn, chưa phù hợp với chu trình phát triển của cây trồng đặc biệt là cây ăn quả khiến nhiều PN ngần ngại trong tiếp cận vốn vay để phát triển trồng trọt; cơ hội tham gia các lớp tập huấn khuyến nông của PN còn hạn chế, đặc biệt là ở miền núi và đối với các khóa tập huấn về trồng cây ăn quả. 

PN cũng ít có cơ hội tiếp cận với thông tin thị trường. Điều này khiến cho PN hạn chế hơn trong thực hành kỹ thuật trồng trọt, thụ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Việc tự do tiếp cận thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong điều kiện hiểu biết về qui trình sản xuất nông nghiệp sạch của nữ nông dân còn hạn chế có thể dẫn đến việc lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. 

Ở gia đình, tâm lý dựa dẫm vào người chồng, tâm lý tự ti vì trình độ học vấn thấp còn tồn tại ở một số PN, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên việc giao dịch trong hoạt động sản xuất bị hạn chế. 

Ở những gia đình có con nhỏ, cha mẹ cao tuổi, gia đình có chồng di cư, gia đình PN đơn thân, người PN phải dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động chăm sóc gia đình. 

Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ ít có thời gian hơn cho sản xuất nông nghiệp hoặc sẽ phải giảm thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân để đảm bảo thời gian sản xuất nông nghiệp. 

Kết quả nghiên cứu cũng gợi ý cần chú trọng một số điểm sau nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nữ nông dân trồng lúa và cây ăn quả: như sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cả vợ và chồng; áp dụng những biện pháp tạm thời tạo điều kiện thuận lợi cho PN có thể tiếp cận với hình thức vay vốn có thế chấp mà không bị ảnh hưởng bởi việc có tên trong “sổ đỏ”; có chính sách chăm sóc sức khỏe và những hỗ trợ về mặt bảo hộ lao động cho nữ nông dân vì họ đang là người chủ yếu trực tiếp tiếp xúc với thuốc sâu và làm việc ở môi trường có nhiều ảnh hưởng không tốt tới tình trạng sức khỏe…

Đọc thêm