“Vụ án Tống Văn Sơ” và người khai sinh ra nước Việt Nam mới: Kết thúc có hậu

(PLO) -Cuối cùng thì công lý đã được thực thi, mọi mưu toan, mong muốn và nỗ lực từ phía thực dân Pháp hòng kết thúc sinh mệnh chính trị của người tù An Nam Nguyễn Ái Quốc – Tống Văn Sơ đã không thể thực hiện được. Vụ án Tống Văn Sơ kết thúc với thất bại dành cho cường quyền, còn nhà cách mệnh Tống Văn Sơ tiếp tục trở lại cuộc chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc. 
Bến cảng Hồng Kông những năm 30 thế kỷ XX
Bến cảng Hồng Kông những năm 30 thế kỷ XX

Trải qua chín phiên tòa liên tiếp những mong có được Tống Văn Sơ trong tay, cùng mọi giải pháp ngoại giao với chính quyền Anh, nhưng người tù chính trị Tống Văn Sơ vẫn xa tầm với của Pháp. 

Thái độ ba bên

Ngày 2/12/1931, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Pháp gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp bàn về vấn đề Tống Văn Sơ, trong đó “nhấn mạnh thêm một lần nữa để đại sứ của ta ở Luân Đôn, bằng cách này hay cách khác, làm thế nào để nhà lãnh đạo của phong trào cách mạng Đông Dương không còn khả năng tiếp tục các hoạt động tai hại nữa”.

Và để làm được điều đó, phía Pháp cố tình viện dẫn Nguyễn Ái Quốc không chỉ gây nguy hiểm cho Pháp, mà cả cho Anh, vì Người còn là “đại diện chính thức phụ trách Phòng Phương Đông ở Malaysia thuộc Anh”.

Không lâu sau, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Beauvais gửi bức thư số 1606 cho Đại sứ Pháp tại Luân Đôn yêu cầu can thiệp với Chính phủ Anh để “bằng mọi cách Nguyễn Ái Quốc không thể tiếp tục hoạt động tuyên truyền phá hoại nữa”. Mọi tin tức về Tống Văn Sơ được Pháp theo dõi sát sao. 

Sau khi phiên tòa thứ chín kết thúc, đơn kháng án được chấp thuận, người tù Tống Văn Sơ và các luật sư đại diện của mình tính đến một giải pháp “sổ lồng” tiếp theo. Đó là xin đến Anh, như một cách để đảm bảo an toàn cho nhà cách mạng khỏi những mưu toan của chính quyền Pháp muốn làm hại Người.

Người “sẵn sàng chấp hành mọi sự hạn chế và mọi điều kiện hợp lý kèm theo sự cho phép này” (Theo Điện mật số 182 của Thống đốc Hồng Kông gửi Bộ trưởng Bộ thuộc địa Anh ngày 25/9/1931). Đổi lại, đơn kháng án, yêu cầu đòi bồi thường phí tổn, thiệt hại… trong thời gian bị giam giữ trái phép sẽ được nguyên đơn Tống Văn Sơ rút lại. Tuy nhiên, yêu cầu này không nhận được sự đồng thuận từ Bộ Nội vụ Anh. 

Theo điện số 309-SG ngày 22/1/1932 của Tổng nha An ninh Pháp, ta được biết lúc này Người “mắc bệnh lý và nặng hơn là bệnh lao”. Do đó, thay vì ở trong nhà giam, nhờ có sự vận động của luật sư Loseby, Tống Văn Sơ được chuyển đến bệnh viện đầu tháng 11/1931. Dù sức khỏe rất yếu, nhưng cũng ở bức điện trên ghi nhận Người vẫn tìm mọi cách hoạt động thư từ, tin tức cho Đảng Cộng sản Đông Dương

Về phía chính quyền Anh, khi nhận được yêu cầu của người tù Tống Văn Sơ muốn đến Anh, vấn đề đó được Thống đốc Hồng Kông cân nhắc và xin chỉ đạo từ Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh.

Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn của người tù cách mạng, điện 21g15 ngày 8/10/1931 của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh cho hay mong muốn này sẽ bị Bội Nội vụ bác bỏ. Nhưng để ngỏ khả năng có thể phóng thích Nguyễn Ái Quốc và cho phép rời khỏi Hồng Kông trong thời gian ấn định. Mọi dự định của ba bên dừng lại ở đó. Vụ việc được đưa ra Hội đồng Cơ mật. 

Luật sư Pritt đại diện cho Tống Văn Sơ
Luật sư Pritt đại diện cho Tống Văn Sơ

Kháng án thành công

Sau khi có cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa các luật sự đại diện cho Nguyễn Ái Quốc tại Anh mà luật sư Loseby ủy quyền và các luật sư Công ty Luật Burchells đại diện Bộ Thuộc địa Anh, hai bên thống nhất một số điều khoản để giải quyết đơn kháng án của Tống Văn Sơ.

Sáng ngày 27/6/1932, tại Luân Đôn, đơn kháng án đã được trình lên Ủy ban Pháp luật của Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh. Theo thỏa thuận, Nguyễn Ái Quốc rút đơn kháng án với sự cam kết của chính quyền Hồng Kông sẽ không chỉ định tàu biển trong lệnh trục xuất; không giao Tống Văn Sơ cho Pháp; đảm bảo cho Tống Văn Sơ đến được nơi muốn đến; chi 250 bảng Anh phí tổn cho người kháng án.

Những điều khoản này được thống nhất giữa luật sư Denis Noel Pritt đại diện Tống Văn Sơ, luật sư Richar Stafford Cripps đại diện Bộ Thuộc địa. Trong khi đó, Nguyễn Ái Quốc đang bị giam giữ ở Hồng Kông. 

Quan điểm của luật sư bảo vệ cho Tống Văn Sơ, cũng là cách để giữ thể diện cho chính quyền Hồng Kông, đó là lệnh trục xuất vẫn được thực hiện, nhưng không phải là dẫn độ về Pháp, mà cho phép Tống Văn Sơ chọn điểm đến cho mình.

Thỏa thuận của hai bên được ký ngày 27/6, nhưng đến ngày 21/7 mới được phê duyệt bởi vua Anh. Biết tin này, phía Pháp nóng lòng muốn biết được hướng di chuyển của Nguyễn Ái Quốc, nhưng Bộ Ngoại giao Anh phản đối mong muốn ấy.

Thậm chí, trong bức điện số 113 gửi ngày 29/8/1932, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh còn yêu cầu phía Hồng Kông phải đáp ứng nguyện vọng của Nguyễn Ái Quốc là “ông ta phải rời Nhượng địa nhưng không được đưa ông ta vào chỗ để Pháp bắt hoặc có nguy cơ bị Pháp bắt”. 

Ngày 28/12/1932, Nguyễn Ái Quốc được chính quyền Hồng Kông trả tự do. Và giờ đây, vấn đề là làm sao rời khỏi Hồng Kông mà không bị rơi vào tay mật thám Pháp đang giăng lưới khắp nơi.

Luật sư Cripps đại diện Bộ Thuộc địa Anh
Luật sư Cripps đại diện Bộ Thuộc địa Anh

Ung dung tạm biệt Hồng Kông

Nghiên cứu về vụ án Hương Cảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhà nghiên cứu Lê Tư Lành, cũng là đại biểu Quốc hội khóa I cho hay, nhân có một chuyến tàu thủy đi châu Âu cập bến Hồng Kông trung tuần tháng 1/1933, Tống Văn Sơ từ biệt những ân nhân của mình, lên tàu đến đất Tân-gia-ba (Singapore).

Hiềm nỗi, nhất cử nhất động của Người lại bị Pháp theo dõi. Tàu vừa cập bến Tân-gia-ba, Nguyễn Ái Quốc bị bắt phải xuống con tàu có tên Ho Sang và trục xuất trở lại Hồng Kông, bởi chính quyền Tân-gia-ba lấy lý không phụ thuộc bất cứ lệnh nào của chính quyền khác. Sự việc này, trong bức điện ngày 23/1/1933 (tức là một ngày sau khi Người đã rời khỏi Hồng Kông lần thứ hai trót lọt) của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp có viết:

“Nhà cầm quyền Singapore đã từ chối không cho ông ta lên bờ và bắt ông ta quay lại Hồng Kông. Đến đó ông ta đã bị bắt do đã vi phạm lệnh trục xuất và vì sự vi phạm này ông ta có thể bị cầm tù một năm nữa”. 

Tàu vừa quay trở lại Hồng Kông, đã có tin mật báo từ trước, cảnh sát Hồng Kông bắt Nguyễn Ái Quốc vì tội không có giấy phép nhập cảnh. Hôm đó nhằm ngày 19/1. Thế là, Nguyễn Ái Quốc lại làm bạn với buồng giam. May sao, Người kịp viết mẩu tin nhờ người lính gác gửi đến luật sư Loseby thông báo hoàn cảnh của mình.

Ngay lập tức, vị luật sư người Anh liền gặp nhà chức trách, kịch liệt phê phán hành động của chính quyền Hồng Kông và yêu cầu thả Tống Văn Sơ. Theo bức điện của Thống đốc Hồng Kông William Peel gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh Phillip Lister ngày 31/1/1933, nhà cách mạng được trả tự do ngay trong đêm 19/1/1933. 

Trong thời gian chờ đợi chuyến tàu biển thích hợp để đi khỏi Hồng Kông, và tránh sự theo dõi của Pháp, Nguyễn Ái Quốc được gia đình luật sư Loseby gửi vào ở tại Ký túc xá của Hội Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa (YMCA). Một thời gian sau, Tống Văn Sơ được đưa về nhà luật sư Loseby sống như người bạn đến thăm ở lại. 

Chiều ngày 22/1/1933, Tống Văn Sơ với trang phục sang trọng, trong vai một nhà buôn, bí mật rời Hồng Kông bằng chính chiếc xuồng riêng của Thống đốc Hồng Kông chủ động giúp đỡ, lên con tàu Anhui vừa rời bến chưa lâu như một hành khách trễ chuyến.

Điều này được chính Thống đốc William Peel tường thuật chi tiết trong bức thư ngày 31/1/1931 gửi Phillip Lister. Đi cùng Người là thư ký riêng của luật sư Loseby. Chỉ một người duy nhất biết nhận dạng Nguyễn Ái Quốc, đó là Trợ lý giám thị cảnh sát. 

Ngay sau khi biết tin Nguyễn Ái Quốc đã rời khỏi Hồng Kông, ngày 25/3/1933, Bản tin định kỳ số 1 của Cảnh sát hình sự Bắc Kỳ đã phát lệnh truy nã Nguyễn Ái Quốc, nhưng rõ là giờ thì… bóng chim tăm cá.

Hơn 12 năm sau, tội phạm chính trị của Pháp ngày nào đã lãnh đạo toàn dân lật đổ nền thống trị gần một thế kỷ của người Pháp trên đất Nam, giải phóng kiếp tù đày không chỉ cho bản thân, mà cho toàn thể dân tộc Việt Nam…/.

Đọc thêm