Vụ ly hôn “gương vỡ lại lành” nhờ công đầu cán bộ tòa án

(PLO) - Hòa giải để vợ chồng trở về hàn gắn, đoàn tụ cùng nuôi dạy con cái là tâm nguyện của những người làm công tác xét xử trong các vụ án ly hôn. Để hòa giải thành công, nhiều lúc họ còn đau đầu khi phải nhập vai “chị Thanh Tâm”, giúp các đương sự tháo gỡ những khúc mắc trong lòng. Nhưng rồi, nhìn các cặp đôi “gương vỡ lại lành”, con cái quây quần hạnh phúc, thì những vất vả ấy chẳng còn đáng kể.
Khi hai đương sự ký vào giấy cam kết hòa giải thành công vụ án ly hôn, người thư ký tòa như trút được gánh nặng trong lòng
Khi hai đương sự ký vào giấy cam kết hòa giải thành công vụ án ly hôn, người thư ký tòa như trút được gánh nặng trong lòng

Hạnh phúc chìm dưới đáy ly rượu

Hai vợ chồng anh Hoàng Quang (35 tuổi) và chị Trần Lan Thi (32 tuổi, ngụ tỉnh Thừa Thiên Huế) cưới nhau gần chục năm ròng, đã có đến ba mặt con. Người chồng ngày trước vốn chăm chỉ làm ăn, thương yêu vợ con vô cùng. Vậy mà giờ đâm ra đổ đốn. 

Nguyên do là vì rượu. Lúc trước, quanh quẩn làm ruộng làm đồng, người chồng chẳng mấy khi đụng vào rượu. Nhưng từ lúc người chồng theo họ hàng đi làm phụ hồ mỗi mùa nông nhàn, tối về lại nghe lất phất hơi men. Vợ cằn nhằn. Chồng phân trần: “Anh em cuối ngày làm vài ly giải mỏi. Chủ nhà người ta đãi, không uống không được”. 

Uống lâu thành quen, đâm ra lại nghiền.Tính tình cũng theo con sâu rượu mà thay đổi.Giờ người chồng lập trang trại, đào ao thả cá, nuôi vịt nuôi cá chứ chẳng còn đi phụ hồ như ngày trước, nhưng thói quen tối đến vẫn không quên lai rai vài chén. 

Một ngày “đẹp trời”, chồng kiếm chuyện gây gổ với vợ con, rồi “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” trên người vợ. Lần đầu đánh vợ còn nhẹ tay, mà đôi khi còn phải “tìm lý do” để đánh vợ. Lâu dần thành quen, không có lý do cũng đánh. Dần dần, hễ trong người có vài giọt rượu, là chồng cứ thế quay ra đánh đập vợ con không thương tiếc.

Người vợ không chịu nổi những đòn roi của chồng, liền ôm con bỏ về nhà mẹ đẻ, đồng thời gửi đơn đến tòa án cấp huyện xin ly hôn. Theo người vợ, lúc đầu bị chồng bạo hành, chị cứ cắn răng chịu đựng, chẳng dám “vạch áo cho người xem lưng, bởi xấu chàng thì hổ thiếp” chứ ích gì. Nhưng sự việc cứ kéo dài mãi, chị đành phải “cầu cứu” đến chính quyền. 

Tổ hòa giải của địa phương năm lần bảy lượt hòa giải vẫn không thành. Xã “nói” chồng cũng không nghe. Vợ mấy lần ôm con bỏ đi, bỏ mặc gia đình trong cảnh “vườn không nhà trống”, nhưng chồng vẫn không tỉnh ngộ. Đến nước này, chị quyết định gửi đơn đến tòa, nhờ can thiệp cho mình được ly hôn. “Tụi nhỏ sẽ ra sao khi ngày nào cũng nhìn thấy cảnh cha đánh mẹ?”, chị ứa nước mắt khi trình bày với vị thẩm phán.

3 đứa trẻ khóc tỉ tê tại phiên hòa giải

Hôm tòa gọi cả ba đứa trẻ đến để hỏi (theo quy định của luật hôn nhân và gia đình), các cháu muốn ở với bố hay ở với mẹ? Cả ba đứa trẻ đều khóc sướt mướt, bảo chỉ muốn ở chung với cả cha lẫn mẹ, nghe mà thương tâm.

Người thư ký tòa án chịu trách nhiệm hòa giải các đương sự trong vụ án tâm sự, nhìn cả ba đứa trẻ mới tí tuổi ngồi khóc lóc vì không muốn “mất” cha hay “mất” mẹ, khiến anh quyết tâm phải hòa giải đến cùng. Để những đứa bé ấy không phải sống trong một gia đình hao khuyết, thiếu đi sự yêu thương, che chở của cha hoặc của mẹ.

Sau khi gửi đơn ly hôn đến tòa, người vợ dắt cả ba đứa con về nhà ngoại. Người chồng ở hẳn trong trang trại cách nhà mấy chục cây số lo chăm sóc vườn cây, ao cá. Căn nhà ấm cúng một thuở giờ thành “nhà hoang”, bếp núc lạnh lẽo, lá rụng đầy sân.

Tòa triệu tập người chồng đến. Người chồng mới hốt ha hốt hoảng khi biết vợ đâm đơn ra tòa ly hôn thật, chứ không phải “dọa suông”. Anh bảo mình còn yêu thương vợ. Không muốn hai vợ chồng bỏ nhau. Vị thư ký phân tích “tình hình”. Nếu người chồng muốn vợ “hồi tâm chuyển ý”, anh phải tuyệt đối không bao giờ được đánh đập vợ con. Mà muốn vậy, thì phải bỏ hẳn rượu. 

Chưa kể, để vợ con quay lại, anh còn phải thể hiện trách nhiệm của một người chồng, người cha, sao cho vợ con kính nể, yêu thương, trân trọng. Nếu người chồng làm được, thì mới mong lấy lại được tình cảm với vợ. Người chồng một hai vâng dạ, hứa nhất định sẽ làm được. Đồng thời còn “viết giấy cam đoan”. Người thư ký liền “bốc” điện thoại, triệu tập người vợ đến tòa, để đôi bên “ba mặt một lời”.

Nguyên đơn lúc đầu không chịu, bảo chị đã không còn tin tưởng chồng từ lâu. Giờ có về nhà, được ít bữa thế nào cũng lại bị chồng lôi ra đánh tiếp. Người thư ký tòa án phân tích hết lời. Nói chồng chị đã hứa, còn viết cam kết, giấy trắng mực đen rõ ràng, không cần lo lắng, sợ hãi. Chị cần cho chồng một cơ hội, cũng là cho bản thân và các con một cơ hội. Cơ hội này vô cùng quan trọng, nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của ba đứa trẻ con chị.

Người vợ lặng thinh, đăm chiêu suy nghĩ. Nhìn vẻ lặng im của chị, người thư ký biết rằng chị đã thuận ý, nên khuyên chị đưa các con về nhà. Anh còn cẩn thận dặn dò nguyên đơn, cứ cuối tuần chồng từ trang trại trở về, chị phải ở nhà nấu cơm ngon canh ngọt cho chồng, nhà cửa phải dọn dẹp gọn gàng chu đáo. Người vợ lúc này mới mạnh dạn gật đầu. Lúc cả hai rời khỏi phòng hòa giải, còn nhìn nhau cười tủm tỉm.

Thư ký tòa nhập vai “chị Thanh Tâm” 

Cứ tưởng vợ chồng đã “lập thỏa thuận”, thì từ nay sẽ cố gắng vun vén gia đình, nhường nhịn nhau để sống hòa thuận. Vậy mà mới hết một ngày, màn đêm vừa kéo xuống, người thư ký trong vai chị “Thanh Tâm” đã nhận ngay điện thoại của người chồng. Bị đơn hốt hoảng gọi điện “méc”: “Vợ tui hứa ngon lành ở tòa rứa, chứ có làm theo mô. Hôm nay tui về nhà, thấy nhà trống trơn. Vợ tui mô có chịu dắt con về”. 

Người thư ký lật đật gọi điện thoại cho người vợ, tìm hiểu ngọn nguồn. Chị này phân trần, bảo mình không phải là người nói không chịu giữ lời. Chẳng qua nhà lâu nay không có người ở, bụi bặm bám đầy, mạng nhện lại giăng tứ phía. Nhà cửa mốc meo thế kia, chị không thể dẫn đàn con về ở ngay được. Chưa kể điện đóm trong nhà bị lũ chuột chạy nhảy, gặm đến  đứt dây cháy bóng. Không điện không đóm, thì làm sao ở. 

“Chị Thanh Tâm” lại lần nữa “quay ngược” điện thoại, nói rõ lý do để người chồng yên tâm. Còn “chỉ điểm” để anh ta ra tay, “ghi điểm” với vợ bằng cách dọn dẹp nhà cửa, sửa điện sửa nước rồi lên đón vợ con về. 

Hai vợ chồng sống êm đẹp được ít lâu, người chồng lại gọi điện thoại cho vị thư ký, “phản ánh” việc vợ dẫn cả ba đứa con về quê ngoại ở tỉnh khác mà không “báo cáo” với chồng. Người thư ký lại lật đật gọi điện hỏi người vợ. Chị này lại giải thích, do công ty nghỉ lễ dài ngày, nên chị dắt con về thăm ngoại. Khi đi chị có “xin phép” chồng đàng hoàng. Nhưng vì mỗi lần đi mỗi lần khó, nên bốn mẹ con có ở “ráng” thêm mấy hôm, chứ chuyện chẳng có gì.

Cứ thế, người thư ký nhận trách nhiệm hòa giải vụ việc luôn phải đóng vai “chị Thanh Tâm” đứng ở giữa đôi vợ chồng, nghe họ phân trần, rồi dàn xếp, giải quyết mọi chuyện. Để việc hòa giải “đến nơi đến chốn”, tòa còn mời cả mẹ chồng của nguyên đơn đến tòa. 

Gỡ rối cả quan hệ mẹ chồng – nàng dâu

Tòa mời mẹ chồng đương sự đến, để bà hiểu rõ hơn nội tình vụ việc, biết rõ cái sai của con trai mình. Nguy cơ tổ ấm của con trai tan vỡ, từ đó mà mấy đứa cháu phải chịu cảnh thiệt thòi, nếu con trai bà không chịu “quay đầu” sửa chữa tính xấu. Tòa cũng muốn bà giúp một tay, làm cầu nối để vợ chồng con trai con dâu hòa thuận vững bền.

Vậy mà, khi thấy con trai viết giấy cam đoan không đánh vợ, bà “hấm háy” con dâu: “Nếu chồng đã viết cam đoan thì vợ cũng phải viết. Vì cả vợ lẫn chồng đều có cái sai. Thời của tui, bị chồng đánh như cơm bữa mà có dám “hó hé” chi mô. Có bị đánh đau quá thì bỏ chạy, đôi bữa lại về nhà. Chứ ai đời lại “xách” cả đàn con về nhà mẹ. Bước vào nhà tui, có cưới hỏi, đưa rước đàng hoàng, chứ mô ưng là đi, ưng là về như thế”. 

Tòa lại phải nhỏ to với bà mẹ chồng, xưa nay đều như nhau, việc chồng đánh vợ là hành vi sai trái, cả về pháp luật lẫn đạo đức. Việc bạo hành trong gia đình cần phải bị lên án và nên được gia đình hàng xóm và cả chính quyền can thiệp. Ngày xưa, bà cũng từng ở vào hoàn cảnh con dâu, chịu cực chịu khổ vì bị chồng đánh đập. Hơn ai hết, bà là người thấu hiểu nỗi khổ ấy, cho nên bà cần phải cảm thông, giúp đỡ con dâu nhiều hơn.

Tòa cũng “lên lớp” người vợ, sống trong gia đình phải có trên có dưới, có trước có sau. Đi đâu cũng phải biết thưa gửi, lễ phép với mẹ chồng. Phải biết làm tròn bổn phận người con dâu, như vậy mới được nhà chồng cảm thông, ủng hộ. Mối quan hệ giữ con dâu với nhà chồng cũng khắng khít hơn, tình cảm gia đình cũng bền vững hơn. Người vợ lúc này mới vâng vâng dạ dạ, mà người mẹ chồng cũng “hạ nhiệt” hơn một chút.

Người thư ký tòa án kể lại cảm xúc khi hai đương sự ký vào giấy cam kết hòa giải thành công vụ án ly hôn, anh như trút được gánh nặng trong lòng. Bởi hai vợ chồng đương sự trở về sống hạnh phúc, thì người “được lợi” nhất vẫn là ba đứa trẻ con của họ. Bởi lũ nhóc có được sự chăm sóc, yêu thương tròn trịa từ cả cha lẫn mẹ. Không phải chỉ có trẻ con, mà bất cứ với ai, thì gia đình vẫn là nơi ấm áp nhất.

Đọc thêm