Vua chết uất vì hoàng hậu... gian dâm

(PLO) -Thực ra, vị hoàng đế này chết vì quá uất ức khi phát hiện ra bị người vợ yêu quý cấm sừng, mà kẻ cắm sừng ông lại chính là một gã hoạn quan thiến sót!
Tượng Ngụy Hiếu Văn đế Thác Bạt Hoành
Tượng Ngụy Hiếu Văn đế Thác Bạt Hoành

Trong lịch sử Trung Quốc có một hoàng đế nổi tiếng là nhà cải cách, bậc “minh quân”, được ca ngợi, đưa cả vào sách giáo khoa trung học với đánh giá là một nhà cải cách thành công hiếm có thời cổ đại.

Thế nhưng, vị hoàng đế anh minh người dân tộc thiểu số đó lại đột ngột qua đời ở tuổi 32 khi sự nghiệp đang chói sáng khiến người đời thương tiếc. Trong chính sử chỉ chép đơn giản là ông chết vì bệnh mà không nói rõ đó là bệnh gì. 

Vị hoàng đế cải cách thành công

Ngụy Hiếu Văn đế Thác Bạt Hoằng (467 – 499), người dân tộc Tiên Ti, quê Sơn Tây, tên gốc là Thác Bạt Hoành, sau đổi họ thành Nguyên Hoành vì muốn Hán hóa. Ông là con của Hiến Văn đế Thác Bạt Hoằng và Lý Phu nhân, là vị hoàng đế thứ 7 của thời kỳ Nam Bắc triều ở Trung Quốc. 

Thác Bạt Hoành ra đời khi cha ông mới 13 tuổi; Lý Phu nhân là con gái Lý Huệ - một viên quan trong triều. Thác Bạt Hoành được lập làm Thái tử khi 2 tuổi và lên ngôi khi mới 5 tuổi. Khi ông được lập làm Thái tử thì bà mẹ cũng bị buộc phải tự sát theo truyền thống của triều đình Bắc Ngụy nhằm hạn chế sự can dự của ngoại thích vào triều chính.

Việc dạy dỗ Thái tử được giao cho Phùng Thái hậu – bà nội, người đã giữ quyền nhiếp chính cho Hiến Văn đế trước đây. Sau khi ông lên ngôi, Phùng Thái hậu lại giữ quyền nhiếp chính, mãi đến năm 490, khi Thác Bạt Hoành đã 24 tuổi mới được “thân chính”.

Sau khi nắm quyền, Thác Bạt Hoành đã cho thực thi một loạt biện pháp cải cách: Năm Thái Hòa thứ 19 (495) cho dời đô từ Bình Thành (Đại Đồng, Sơn Tây ngày nay) tới Lạc Dương; bắt những người Tiên Ti đổi họ thành họ người Hán:

Thác Bạt đổi thành Nguyên, Khâu Mục Lăng đổi thành Mục, Độc Cô đổi thành Lưu, Vật Nữ Vu đổi thành Vu, Uất Trì đổi thành Uất, Hạ Lại đổi thành Hạ, Bộ Lục Cô đổi thành Lục…tiếp đó bắt thay đổi phong tục, ngôn ngữ, trang phục; khuyến khích, cổ vũ việc thông hôn giữa người Hán với người Tiên Ti; phân tầng xã hội, ban chức quan theo vị thế gia tộc, tăng cường sự liên kết cai trị giữa các gia tộc Hán và Tiên Ti; đề ra chế định quan chức, lễ nghi triều đình; cải cách chế độ quan lại, ban chế độ phụng lộc để làm dịu mâu thuẫn xã hội; ban hành, thực thi các chế độ về phân bổ dinh điền, ruộng đất, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tranh vẽ Thác Bạt Hoành và Phùng hoàng hậu
Tranh vẽ Thác Bạt Hoành và Phùng hoàng hậu

Những cải cách của Thác Bạt Hoành được cho là “có tác dụng tích cực trong việc hòa đồng các dân tộc, làm ổn định xã hội”…

Khốn đốn vì những người đàn bà họ Phùng

Cả đời Thác Bạt Hoành gắn liền với những phụ nữ họ Phùng. Người đầu tiên là Phùng Thái hậu – tổ mẫu (bà nội). Vốn Phùng Thái hậu có thể yên ổn lui về sau để hưởng cuộc sống an nhàn, thế nhưng con trai bà – Hiến Văn đế Thác Bạt Hoằng - lại không muốn yên ổn làm hoàng đế.

Thác Bạt Hoằng chán ghét triều chính, thích trốn việc đời, muốn làm bạn với kinh sách, chuông mõ nên quyết dấn thân vào cửa Phật. Muốn trút được gánh nặng việc trần, ông phải có con trai để bắt nó gánh nợ thay mình.

Cuối cùng, năm Hoàng Hưng thứ nhất (467), Lý Phu nhân – một người phi tần đã sinh được con trai, đặt tên là Thác Bạt Hoành. Thác Bạt Hoằng vui mừng vì được giải thoát, nhưng con trai ông lại khốn khổ vì lâm vào cảnh mất mẹ vì theo truyền thống hủ tục của đế quốc Bắc Ngụy: phi tần nào có con được lập làm Thái tử để nối ngôi thì người đó sẽ bị giết để tránh hậu họa “hậu cung thứ hai” về sau.

Bởi vậy, Thác Bạt Hoành mồ côi mẹ khi mới 2 tuổi. Không còn mẹ, chỉ được nuôi dạy bới các cung phi nhưng Thác Bạt Hoành lại rất ngoan ngoãn, thông minh, hiếu thuận. Năm ông 4 tuổi, trên người vua cha có một chiếc nhọt lớn rất đau, Thác Bạt Hoành đã dùng miệng hút hết máu, mủ trong nhọt khiến nó mau lành. Mọi người trong triều hay chuyện đều trầm trồ ca ngợi, Thác Bạt Hoằng rất hài lòng, một năm sau liền hạ chiếu truyền ngôi cho con trai rồi chính thức lui về ở ẩn trong chùa.

Thác Bạt Hoành dù có thông minh, chín chắn trước tuổi đến mấy, rốt cuộc vẫn là đứa trẻ, sao cai quản được thiên hạ? Thế là Phùng Thái hậu lại buông rèm nhiếp chính lần nữa. Thời gian trôi qua, Hiếu Văn Đế trưởng thành hơn, ông từng bước nắm giữ được nhiều quyền lực hơn.

Một khoảng thời gian trong quá trình này, Phùng Thái hậu đã trở nên lo sợ về khả năng của ông và do đó đã giam giữ Hiếu Văn Đế và tính đến việc phế truất ông rồi đưa người em là Thác Bạt Hi lên thay, song sau khi được các thân cận thuyết phục, Phùng Thái hậu không thực hiện việc này.

Dần dà, Thác Bạt Hoành vào khuôn phép, tỏ ra ngoan ngoãn nhất nhất làm theo ý bà. Phùng Thái hậu yên tâm, bắt đầu ra tay cài cắm những người tình của mình vào các vị trí để trở thành Lã Hậu như thời Hán. Thời gian trôi đi, Thác Bạt Hoành đã trưởng thành, Phùng Thái hậu lại ra tay cưới vợ cho. Cô dâu không phải ai khác, chính là Phùng Thanh, một người cháu con em trai bà, theo thứ bậc Thác Bạt Hoành phải gọi là cô.

Tuy cuộc hôn nhân do sắp đặt, nhưng Thác Bạt Hoành yêu say đắm Phùng Thanh, sau khi lập làm hoàng hậu rất quan tâm, thề “bạch đầu giai lão”, hai người trở thành cặp “ân ái phu thê”…Cuộc sống yên ổn chốn hậu cung đã trở thành động lực để Thác Bạt Hoành chú tâm đề ra và thực hiện những biện pháp cải cách mạnh mẽ để phát triển quốc gia...

Chân dung Ngụy Hiếu Văn đế
Chân dung Ngụy Hiếu Văn đế

Mùa hè năm 495, Hiếu Văn Đế Thác Bạt Hoành ban hành một số chiếu chỉ mà theo đó thì trang phục và ngôn ngữ Tiên Ti bị cấm, và người Tiên Ti phải mặc trang phục và nói tiếng của người Hán. Đầu năm 496, ông ra lệnh cho người Tiên Ti phải đổi sang họ của người Hán, ông đổi họ của hoàng tộc (Thác Bạt) sang Nguyên.

Ông cũng tăng cường sự phân tầng xã hội đã được tiến hành trong một thời gian trước đó, phong cho tám gia tộc Tiên Ti và năm gia tộc Hán vinh dự đặc biệt, và tất cả các chức quan sẽ được ban dựa theo vị thế gia tộc, chứ không phải do tài năng, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ một số đại thần.

Ông thậm chí còn bắt sáu người em trai phải giáng những chính thất hiện thời của họ làm thiếp, và lấy các con gái của những quan lại xuất thân từ năm gia tộc người Hán làm chính thất mới, một hành động bị các sử gia chỉ trích nặng nề.

Mùa thu năm 496, do ý của hoàng hậu Phùng Thanh, Thác Bạt Hoành đã đưa chị gái của bà là Phùng Nhuận vào hoàng cung. Phùng Nhuận cho rằng mình là chị gái nên không chịu kém cạnh Phùng hoàng hậu, bà ta bắt đầu tìm cách để làm suy yếu vị trí của em gái. Dần dà, Hiếu Văn Đế phế truất Phùng Thanh rồi lập Phùng Nhuận làm hoàng hậu.

Chết vì bị vợ “cắm sừng”

Vào mùa thu năm 497, Thác Bạt Hoành đã mở một cuộc tấn công lớn vào Nam Tề đang nổi lên cát cứ. Tuy nhiên, trong khi hoàng đế vắng mặt, Phùng Hoàng hậu đã bí mật rồi ngang nhiên dan díu với một tên thái giám giả là Cao Bồ Tát và buộc em gái ông là Bành Thành công chúa kết hôn với em trai bà ta là Bắc Bình công Phùng Túc.

Bành Thành công chúa trốn khỏi Lạc Dương chạy đi tìm Thác Bạt Hoành tố cáo tội thông gian của Phùng Hoàng hậu. Thác Bạt Hoành quay về Lạc Dương bắt Cao Bồ Tát, Phùng Hoàng hậu và phụ tá của bà là Song Mông thẩm vấn. Phùng Hoàng hậu vừa nhìn thấy chồng đã ra sức khóc lóc kêu oan, Thác Bạt Hoành bịt tai lại không nghe và kết luận rằng hoàng hậu đã thực sự phạm tội thông dâm.

Tuy nhiên, do không muốn gia tộc họ Phùng phải hổ thẹn, ông đã không phế truất bà ngay mà ra lệnh tống giam. Nhưng việc hoàng hậu ngoại tình với hoạn quan đã giáng đòn chí tử vào Thác Bạt Hoành, quá uất ức vì bị phản bội, ông suy sụp không gượng lại nổi rồi qua đời ở tuổi 32.

Sơ đồ thiên đô thời Thác Bạt Hoành
Sơ đồ thiên đô thời Thác Bạt Hoành

Trước khi chết, ông để lại di chúc ban cho hoàng hậu chết và chôn theo mình để giữ danh tiếng. Khi rượu độc được mang tới, hoàng hậu Phùng Nhuận khóc lóc, không chịu uống, các quan phải banh miệng ra đổ vào để kết liễu cuộc đời bà hậu dâm đãng này…

Đọc thêm