Vua triều Nguyễn khổ vì 'sống như hình nộm' theo luật tục

(PLO) - Trong lịch sử Việt Nam, Thành Thái là một trong những vị vua nhận được nhiều sự đánh giá trái chiều nhất. Trong quá trình ông tại vị từ 1889 đến khi bị Pháp ép thoái vị năm 1907, người nói ông bình thường, người nói ông “bất thường về tâm thần”. Người cho rằng ông trọng truyền thống lễ nghi, người một mực ông “Tây hóa”. 
Vua Thành Thái (ngồi) và ba người em trai (từ trái qua): Bửu Trang, Bửu Liêm, và Bửu Lũy. Đứng phía sau là sĩ quan bảo vệ và người phiên dịch.
Vua Thành Thái (ngồi) và ba người em trai (từ trái qua): Bửu Trang, Bửu Liêm, và Bửu Lũy. Đứng phía sau là sĩ quan bảo vệ và người phiên dịch.

Số những người đã từng một số lần gặp, trò chuyện với vua Thành Thái không nhiều. Trong số báo này, PL4P xin giới thiệu hồi ức của Paul Doumer về một số cuộc gặp của toàn quyền Pháp với vua Thành Thái. Bài viết biên soạn dựa trên tài liệu của học giả Vương Hồng Sển:

“Năm 1897, vua Thành Thái trị vì đã được tám năm, tức vị năm 1889, và còn vài tháng nữa sắp bước vào tuổi 18. Đó là tuổi trưởng thành bên nước An Nam. Vậy phải nghiên cứu về tánh tình,về sở thích, về ý muốn của ngài, để hoặc dùng ngài làm cộng sự viên cho nhiệm vụ khai hóa của chính phủ Pháp, hoặc biến ngài nên một vị vua an vui tọa hưởng lạc thú, xa hoa, ngôi sang hoàng đế hữu danh vô vị.

Trong vài giờ nữa đây, tôi sẽ giáp mặt vị vua trẻ này, vị ấu vương đang cầm đầu vận mạng nước Nam này, một ấu hoàng mà tôi cần xem xét kỹ lưỡng về cốt cách giống nòi hơn là cứ tin theo tiếng đồn do miệng các quan lại Pháp ở Đông Dương phúc trình.

Vả lại người thân sinh của vị vua bé thơ này, vốn là dưỡng tử,là người thừa nghiệp có di chiếu tiên đế Tự Đức để lại, người cha bạc phước ấy,trước đây vừa tỏ có thiện cảm đối với Pháp ta thì chết. 

Dường như cho đến ngày lên ngôi báu, buổi ấu niên của ngài Thành Thái vẫn cơ cực, u tối lắm, gần như cùng khổ. Ngài phải sống chung với anh em trai như gái, không khác những trẻ nghèo mạt đất Huế. 

Bỗng dưng ngài được cất nhắc lên ngôi vua, rồi ngài bị bao vây nào thầy dạy, nào cố vấn. Những người này chuyên giáo huấn ngài về Hán tự, về lịch sử các nước bên Đông Á, chút ít sử qua loa vài nước phương khác trên hoàn cầu, và luôn luôn họ dồn nhắc ngài về phận sự làm hoàng đế, phận sự vua đối với lễ tắc, và lễ tắc mới là điều cần nhất. 

Vua Thành Thái trong triều phục
Vua Thành Thái trong triều phục

Hại thay, những điều giáo hóa ấy lại đem giảng dạy trước sự hiện diện sát cánh hoàng cung của bọn người lang sa đầy quyền lực, hống hách, đi đứng tự do, không theo lễ phép, không cần có dây thắng.

Bao nhiêu việc hỗn độn như vậy đã nhiễm ông vua trẻ, tuổi vừa 18 xuân xanh, và đã biến ngài ra thế nào? Ra một hoàng đế khát máu ư? Một cuồng vương hành động nông nổi gần như điên chăng? Đó là theo dư luận của phần đông người Pháp tại đây nói với tôi, và những tiếng đồn ấy vẫn chuyền lần lan rộng ra mãi, lập đi lập lại mãi mãi. 

Chính ông khâm sứ Briere cũng có cảm tưởng không tốt đối với Thành Thái, duy khâm sứ nói một cách dè dặt hơn. Khâm sứ kể mỗi khi ngài lên cơn cuồng nộ dâm dật mà những việc ấy vẫn diễn ra gần như thường ngày, thì ngài có thể đánh đập hành hạ cung tần đến chết người, và có đêm ngài bỏ cung lẻn ra ngoài thành làm việc dâm ô… Ông tiền nhiệm toàn quyền trước tôi, cũng đã loan những tin như vậy tại Paris, trong các phủ bộ và những nhóm am hiểu về thuộc địa.

Ngày 11/3/1897, lần đầu tiên, tôi đã giáp mặt với vua Thành Thái trong một buổi lễ long trọng. Tôi sang sông Hương, vừa lên bờ là cuộc nghi lễ tiếp rước bắt đầu. Từ bờ sông đến thành vua cách có mấy trăm thước, mà hai hàng quân sĩ Pháp đứng dàn hầu hai bên đường đi, kèn thổi súng nổ rình rang… 

Thành Huế thật đồ sộ, vách cao, cửa rộng, hùng vĩ xứng đáng theo kiểu thức Vauban. Trong thành, chỉ có Thành Nội chỗ vua ngự là vĩ đại, chung quanh chỉ có dinh thự công phủ hoặc phủ đệ các quan phụ chánh, lục bộ đài quan, trại lính, kho lẫm… và xưa kia có cả xưởng đúc tiền đúc súng. Từ năm biến cố 1885, trong thành hư hao nhiều và nay cái “cung điện Versailles” của Huế này chỉ gồm cảnh điêu tàn và những lộng lẫy lạ mắt như nay tôi được thấy. 

Khi đoàn kỵ mã và khâm xa của chúng tôi tới nơi cửa thành vua, thì bên triều đình Huế bày cuộc tiến rước: Lính vua nón đỏ giáo nhọn gươm trường, các quan võ vừa lanh lẹ vừa lộn xộn trong những bộ nhung phục thêu chỉ vàng, rực rỡ thật nhưng không được gọn. 

Dàn nhạc vua trỗi giọng nghe những tiếng ét tai, tiếng kèn lạ mắt ăn nhịp theo sanh gỗ. Điệu nhạc này rất gần nhạc Trung Quốc và không mấy thuận lỗ nhĩ Tây Âu, mới nghe lần đầu có lẽ chói tai là khác, vì gồm tiếng thét óc o, nhưng cũng có nhiều đoạn vắn vắn lập đi lập lại vui vui. 

Bây giờ chúng tôi đã đi đến trước cửa Thành Nội, và đó là một vuông thành nhỏ kiểu Á Đông xây trong một thành lớn kiểu Pháp thế kỷ thứ XVIII. Chúng tôi dừng bước nơi cửa trước, và gồm độ 30 người Pháp, quan văn mặc đại phục đeo huy chương nhiều thứ, quan võ mặc nhung phục đại lễ, nhưng võ quan nhiều hơn văn, vì các quan võ trong thành đều nhập vào đây với đại tá Nicolas và thiếu úy Dubosc là tùy giá quan theo tôi vào đây. Đoàn của tôi và đoàn lính vua ăn mặc lạ mắt, nhập lại và dừng bước tại đây. 

Các ông phụ trách tiếp chúng tôi và đưa qua một điện rộng lớn, có hơi tối, trông không gì đặc sắc, duy nhớ có nhiều cột gỗ to, dẫn qua nhiều cửa rộng, kế đến sân trong. Nơi đây mới là một cảnh huy hoàng, lộng lẫy có thể nói là uy nghi không thể tả, một cảnh tượng nghi vệ Á Đông không bao giờ thấy lại lần nữa. Nơi đây vừa rực rỡ huy hoàng nhưng cũng vừa hùng tráng, u buồn bạc nhượng lẫn lộn, chứng tỏ một thế lực đã hết lúc mạnh và bắt đầu suy chăng? 

Vua Thành Thái và quan chức Pháp trong một chuyến thăm viếng
Vua Thành Thái và quan chức Pháp trong một chuyến thăm viếng

Một cái sân to rộng ba bề bao bọc ba dãy lâu đài, gồm tòa vừa trẩy qua và tòa đối diện thì xây trên nền cao, giữa sân có dựng cửa tam quan cột đồng khảm mảnh sứ điểm tô rất mỹ thuật. 

Tòa đối diện vừa nói là điện vua ngự, và vua cùng triều thần đang đứng trước điện để nghinh tiếp chúng tôi. Nơi bên trái, và trước dãy nhà thấp bọc bên đó, thấy đứng trực các quan mặc đại phục, nhưng họ vẫn đứng ung dung không cứng ngắc như sơn đá sắp hàng hai kia đâu. 

Nơi bên tay mặt, phía sau lưng là vườn tược cây tươi và một góc trời xanh thắm, cũng có quan đứng hầu, phần đông đây là võ quan và đoàn voi chiến của vua như sắp ra trận, cặp ngà có đeo khâu bằng vàng, trên lưng voi có phủ yên lụa viền đường biên chỉ vàng rực rỡ. Mấy con voi to lớn quá cỡ này, đều trang sức như “thần” tượng, xem thấy phát khiếp và rất cân xứng với đám người áo mão đủ màu thêu vàng chói mắt ấy. 

Đức vua mặc ngự bào quý trọng hơn các quan chầu hầu. Đầu ngài đội mão cứng gần như nón “cát” của ta, chân ngài đi giày da có ống cao đến gối, đế rất dày bằng nỉ êm, long bào màu vàng và có thêu chỉ vàng, phủ lên giày, nơi lưng vua có thắt sợi trang trí nạm nhiều ngọc và kim cương quí báu.

Đức vua đeo huy chương vàng và ngọc và dây băng bửu tinh Pháp. Đúng là hết sức huy hoàng, nhưng phải nói kệch cỡm không thanh nhã. Cách ăn mặc của ngài, quả làm cho chúng tôi phục về lạ mắt và bực vì thiếu vẻ sang.

Khi tôi bước đến trước mặt vua, tôi chào theo lễ và chìa tay tới trước. Đức vua cũng nghiêng mình thi lễ và với nắm tay tôi. Rồi cả hai, không thốt lời nào, đồng thời bước tới trước ngai, đặt trên một bệ cao vài ba nấc.

Ngài đứng lại trước ngai, còn tôi thì đứng trước mặt ngài, chung quanh là các quan phụ chánh, các quan triều thần và nội thị hầu hạ. Bọn nội thị thảy đều quỳ gối, kẻ mang gươm lệnh, kẻ cầm quạt hầu thật lớn bằng lông chim kết lại, kẻ khác nữa bưng hộp vàng hộp bạc và đều trông vua ra dấu lệnh để thi hành. 

Lễ quan dâng vua một tờ giấy vàng có viết chữ Hán. Vua cầm đọc giọng y như hát, giọng này tôi đã từng nghe khi ở Nam Kỳ. Độ vài phút sau, có một thông dịch viên đọc lại tờ phiên dịch sẵn bản của vua đã đọc.

Thiết tưởng các người đã đoán trước đó là những lời gì. Chung quy toàn là lời chúc tụng gửi lên vị tân thủ lĩnh nước Pháp, và lời chúc mừng riêng, cùng với lời quả quyết mối nhiệt tâm đối với nước bạn bảo hộ.

Một tài liệu của Pháp nói về chuyến thăm Hà Nội – Hải Phòng của vua Thành Thái năm 1902
Một tài liệu của Pháp nói về chuyến thăm Hà Nội – Hải Phòng của vua Thành Thái năm 1902

Và lời tôi phúc đáp, cũng có thể định trước được, tôi đã đáp từ đức vua bằng lời trống không nhưng hết sức tương thân tương ái, và tôi dám cam đoan cả hai bài chúc từ này không làm chấn động nền hòa bình của thế giới chút nào đâu. Đến đây là chấm dứt buổi lễ tiếp kiến sơ bộ này. 

Đức vua bước xuống ngai, và mời tôi sang qua phòng tư mà chỉ có quan khâm sứ và tùy giá quan của tôi được theo. Bày thết rượu champagne và trà ngự. Lại cũng chúc nước Pháp, nước Nam, chúc sự thịnh vượng cho hai xứ, chúc giám quốc Pháp, chúc vua, chúc hoàng tộc…

Buổi đàm đạo bắt đầu, có thông ngôn dịch lại. Đức vua rất ham nghe việc xảy ra bên Âu, việc đời công cũng như tư của Pháp. Mười lăm phút sau, vua đưa chúng tôi trở lại điện ngự, nghi lễ giã từ y như buổi đến. 

Cảm giác đầu tiên buổi tôi tiếp xúc với đức Thành Thái là cảm giác tốt.

Ông vua rất trẻ này có dáng thông minh, ngay thật và lối ngài bắt tay quả là nồng nhiệt chân thành. Có thể nào tin vào cặp mắt ngó và lối bắt tay của một người mà suy đoán về tánh tình người đó hay chăng? Và khi nào người đối diện biết ngó ngay, biết siết tay mạnh và chân thật, có thể người đối diện ấy là người khác.

Nội cái cách vua Thành Thái ngó ngay mặt tôi và bắt tay tôi nồng hậu đã chứng tỏ đức vua không phải là người giảo quyệt và có dạ hung tàn ác xấu trong bản tâm ngài đâu. Cố nhiên tôi có thiện cảm ngay đối với ngài, tôi đặt hết lòng tin vào mối cảm tình tốt vào ngài, và tất nhiên sự này vẫn trái hẳn với bao nhiêu lời đồn đại xấu về ngài mà tôi đã nghe được cho đến hôm nay.

Tôi muốn về đến tòa khâm sứ thì súng đồn nổ rền báo tin vua sẽ đến đáp lễ. Lại lính bồng súng chào, kèn nhà binh thổi bài ra trận. Đức vua đến viếng tôi, ngài phen này ngự kiệu, quan, lính, kẻ hầu người hạ, kiệu phất lụa màu vàng, trước kiệu có người cầm gươm bạc.  

Đức Thành Thái phen này không mặc bộ ngự bào nặng nề buổi sáng, không đội mão giống nón “cát”, không đi giày bó chân cao gót nhung dạ nữa. Y phục ngài dùng phen này vừa đơn giản, gọn gàng, rất là khéo lựa và rất hợp nhãn và thanh lịch. 

Trong ảnh là cảnh lễ đón vua Thành Thái tại dinh Toàn quyền Norodom (Sài Gòn), tranh khắc in trên báo Pháp số ra ngày 19/12/1897
Trong ảnh là cảnh lễ đón vua Thành Thái tại dinh Toàn quyền Norodom (Sài Gòn), tranh khắc in trên báo Pháp số ra ngày 19/12/1897

Phen này ngài ăn mặc không khác lối ăn mặc ngày thường của người An Nam dân chợ, vẫn cái áo dài lụa, cái quần rộng, hai ống phất phơ, chân đi dép da, đầu bịt khăn xếp, nhưng chính màu sắc và lối mịn màng và nối cắt may mới làm tôn lối ăn mặc của ngài.

Áo dài của ngài, không thêu thùa, duy đó là hoàng bào, chiếc áo màu vàng mà nơi nước An Nam chỉ có vua mới được mặc. Quần bằng lụa màu hồng đào chỉ thấy dưới áo, ló ra độ 25cm hay 30cm và ló ra hai bên vạt áo xẻ hai bên nách cho dễ đi đứng, và trên đầu ngài chít khăn nhiêu vàng rất thanh.

Hoàn toàn thanh lịch, hoàn toàn hợp thời trang, và càng tôn vẻ quý phái sang trọng của một ông vua vừa trẻ, vừa cao, mình dây, đi đứng khoan thai gọn gàng.

Những lời trao đổi trong buổi tiếp xúc này có phần tự do hơn và thân mật hơn kỳ tiếp xúc buổi sáng. Có quan khâm sứ tham gia vào buổi đàm đạo này; quan khâm có nhắc lại những náo loạn do đức ngài đã diễn ra những hôm trước. Đức ngài nghe và vẫn tươi cười, không làm bộ tịch cũng không hề ngượng nghịu”. 

Lần tiếp xúc sau đó giữa Paul Doumer và vua Thành Thái trong lễ tế Nam giao, Paul Doumer hồi ức: “Buổi chiều diễn tập cách hành lễ để mai này vua đứng tế chính thức, tôi có dịp tiếp xúc tay đôi với vua và nhờ dịp này, tôi đàm đạo dài dòng và trên trăm chuyện khác nhau với ngài. Và nhờ đó mà tôi thấu hiểu cặn kẽ ông vua trẻ này, và biết được bề trong của ngài, tánh tình, sức thông minh, giá trị đúng và những gì có thể trông cậy vào ngài được.

Trong suốt năm năm tôi còn ở lại trên đất này, tôi đã thấy tận mắt sự hành động bình thường và hằng ngày của ngài, ngài đã nhiều phen cởi mở và bày cạn nỗi lòng với tôi những lúc ấy, nên sự xét đoán của tôi về ngài Thành Thái lại ngày càng quả quyết thêm lên.

Vua Thành Thái không điên cuồng, khát máu như lời thiên hạ thường đồn đại đâu. Trái lại, ngài có một trí thông minh rất bén nhạy, một lý luận ngay thẳng, một chủ quyền lớn về mình.

Nhưng mà cái lối giảng dạy, vun đúc nhân tài làm ra con người “vua” của ông hoàng đế non trẻ này là một, hai nữa là cái độc quyền mà ngài được sử dụng tuyệt đối trong cung vì không một ai dòm ngó được và chính các thái hậu và quan phụ chánh cũng thỉnh thoảng mới được can khuyên, đôi khi những sự ấy đã làm cho những tật xấu, đối với một người khác thì không ai dung thứ, mà riêng đối với ngài, càng ngày càng tăng. 

Cựu hoàng Thành Thái cùng gia đình và đoàn tùy tùng trên đường rời kinh đô Huế sau khi bị phế truất.
Cựu hoàng Thành Thái cùng gia đình và đoàn tùy tùng trên đường rời kinh đô Huế sau khi bị phế truất.

Tính ngài lại độc tài, hay thay đổi bất thường, ngông và không định đoạt, dị thường. Ngài bị khóa nhốt trong cung viện u tối lạnh lẽo, và độc hại hơn cái “tử cấm thành” ấy lại là lề phép chật hẹp đã bó buộc các vua chúa không biết từ thủa nào trên đất An Nam này, mỗi khi vi phạm là phải chết bằng gươm bén hay thuốc độc.

Những cái ấy đã làm cho ông vua non trẻ này phải lồng lộng cuồng trí thèm tự do, thèm những gì mà sự hiện diện của người Âu Tây làm gương đốc lối, thấy càng thèm thuồng thêm. 

Quả thật là khó trói ép gò bó trong lề lối chật hẹp của phép tắc với ông vua trẻ này. Khi ông thấy bọn Tây ở đây đã thoát ly từ lâu, và cớ sao bắt ông tuân theo làm gì, những tục lệ, những lề lối ngàn năm cũ rích, đầu đề của sự chế nhạo của người Tây ấy?

Do đó mà đã xảy ra những việc ông đã làm, mà người ta gán cho nào là sát nhân, lỡ lời xúc phạm, rồi triều đình phúc trình lên trên, để khiến khâm sứ phải can thiệp xen vào. 

Lại phải nói, trong tuổi mà người An Nam chưa có lập đôi bạn, thì vua Thành Thái đã có một cung nội khá đông, nào vợ chính, tình nhân, tỳ tất, nội đó đủ làm cho vua trẻ khó giữ vững óc trí sáng suốt và tâm não bình thường rồi.

Trong những thì giờ dài dặc vua trẻ bị nhốt giữa cảnh nhàn cư vi bất thiện, tất nhiên vua có những cử chỉ bạo tàn, đánh đập ác nghiệt, người nào nghe lại thêm thắt cho nhộn thêm lên. Ngoài ra những sách đọc, chuyện kể nói về lối sống, lối chơi bời của các vua đời trước nào phải là gương tốt và càng xúi giục cho trí óc vua, đã không vững lấy đó noi theo, và bắt chước làm cho hơn thêm lên, mới là tai hại.

Theo chỗ tôi thấy, quả là không thể trói buộc vị ấu vương này trong những lễ nghi phép tắc của thế giới lỗi thời kia được nữa. Cớ sao chung quanh thành nội này, đám tôi con thần dân của vua thì được tự do hành động theo ý muốn, được mua sắm, được quyền làm chủ.

Còn Hoàng đế nước Nam lại phải bị “ cấm cung trong một phạm vi chật hẹp”, bị lệ thuộc lễ nghi gò bó và phải cư xử không khác một hình nộm như vậy. Những lễ nghi kia dẫu thiêng liêng, thần thánh bực nào, lẽ đáng này cũng phải tùy nghi sửa đổi cho hợp thời, phải canh tân lại chứ ?

Nếu dùng và trông cậy vào uy tín các quan phụ chính tìm một giải pháp cho ấu vương và triều đình thông hiểu nhau hơn, không chắc gì như vậy mà ấu vương Thành Thái làm dứt được những tin đồn kia, nhưng ít nữa việc ấy cũng là một việc phải thi hành cấp bách lúc này.

Ấy là nhờ trong đêm tập dượt để mai này diễn hành đúng nghi lễ cuộc tế Nam giao này. Và nhờ trọn đêm ấy tôi có dịp tiếp xúc lâu với vị ấu vương này, nên tôi đã thừa dịp tiện lợi đó mà dẫn giải cho vị vua ấu thơ này rõ là từ tiên đế Tự Đức băng hà, lễ Nam giao không được cử hành, và chỉ từ năm 1892 và 1894, ấu vương đã tế Nam giao được hai lần như vậy”.

Đọc thêm