Vui buồn cuộc sống dancer

(PLO) - Sau những lần nói chuyện, tôi biết cuộc sống của đa phần họ đều vất vả, liên miên làm việc. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Như  P., L. thì còn cả một gia đình đằng sau; B., D. thì “người yêu” luôn chờ sẵn ở cổng vũ trường trước khi hết giờ; Đ., T. thì không thể về muộn hơn vì còn có con nhỏ. Bên cạnh đó, có một số dancer chưa nổi nhưng lại muốn kiếm nhiều tiền thì sẵn sàng “đi khách lạ”. Theo tìm hiểu của tôi thì dancer thuộc diện này đang chiếm số lượng phổ biến. 
Những dancer mà tôi nhắc đến trong bài viết này chỉ là điển hình trong khoảng hàng chục dancer ở đất Hà thành đang trong cuộc sống thiên hình vạn trạng. Nhưng nếu cứ nhìn hình thức bên ngoài thì chẳng ai biết được sau khi phải “lắc tới bến” trên sàn nhảy, và cả việc kiếm tiền bằng mọi cách, khi trở về phía sau ánh đèn màu, cuộc đời họ cũng là những câu chuyện thấm đẫm nước mắt. 
Ngoài một số rất ít dancer có cuộc sống ổn định như H.V và T.T, còn nhiều dancer khác cũng là “sao” lại gặp phải những rủi ro nghề nghiệp, hoặc bị sa thải vì nhiều nguyên nhân và hiện đang gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Vào nghề được 9 năm, Ng. ở Hà Nội bị thần kinh tọa rồi bỏ nghề mình yêu thích. Còn P. hiện đang bị vôi hóa cột sống ở cổ do thường xuyên đi giày cao gót để nhảy. 
Nhiều dancer khác bị vũ trường hoặc người quản lý sa thải vì sử dụng ma túy, hoạt động mại dâm... và hết thời kỳ đỉnh cao phong độ. Điển hình cho những số phận hẩm hiu này là V.A., M.K., L., O... đang sống ở Hà Nội, mặc dù họ mới vào tuổi 26. Bị sa thải, những dancer này đành phải lê lết đi làm đủ thứ việc để có tiền mưu sinh.
Trong số các dancer hoạt động ở Hà Nội do N. quản lý thì chỉ có hai người có chồng và con. Một cô ở Hà Nội, cô còn lại ở Sài Gòn nhưng cũng đang sống tại Hà Nội. Do không tìm được tiếng nói chung trong gia đình, hai dancer này đã phải chấp nhập chia tay với chồng, một mình nuôi con để được tiếp tục theo nghề. Bởi vậy, cuộc sống của họ hiện cũng gặp nhiều khó khăn mà không phải ai cũng có thể cảm thông được. 
Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
Và những hiểm nguy 
rình rập
Cái chết của dancer Lê Thị Bích N, 28 tuổi, quê ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cuối tháng 3/2005 tại nhà nghỉ Hồng Trang, phố Quốc Tử Giám, Hà Nội đã phần nào giúp người ta có cái nhìn khác hơn đối với nghề dancer. 
Nguyệt sinh ra trong một gia đình nghèo, học chưa hết lớp 5 đã phải bỏ dở để đi làm thuê phụ giúp gia đình kiếm tiền. Lớn lên, cô lấy chồng ở Đà Nẵng. Chồng cô xuất thân cũng là bần nông, nhưng sau thời gian đi rừng đãi vàng đã trở nên giàu có. Có tiền, ông ta dần thay đổi tính cách và sớm “loại” mẹ con cô để đi với một cô gái trẻ đẹp khác. 
Chia tay chồng, cô thành người trắng tay. Một mẹ già, một em dại cùng đứa con thơ, cô lại đưa gia đình tha hương ra Hà Nội tìm nghề mưu sinh. Chân ướt chân ráo ở đất Hà thành, cô làm nhân viên tự do ở nhiều vũ trường, quán bar rồi đến với nghề nhảy bục. Với số tiền vài triệu một tháng, cũng phải tằn tiện lắm cô mới đủ trang trải cho cả gia đình. 
Rồi cô đổ bệnh và phải đi viện cắt đoạn ruột bị thoát vị. Bác sĩ dặn cô phải giữ gìn, không được hoạt động mạnh kẻo ảnh hưởng đến vết thương. Nhưng nếu không lên sàn thì biết làm gì để sống? Vậy là cô phải gắng chịu đau để tiếp tục nhảy. Và hệ quả tất yếu là việc cô phải đi viện mổ lại. Không tiền, không người thân, lại phải nuôi tới 4 miệng ăn, bí bách về giải pháp, cô cắn răng làm cái điều mình không muốn là “bán thân” để lấy tiền đi mổ. Thế rồi trong một lần “đi khách”, tên sát nhân kia đã giết cô ngay tại nhà nghỉ để tránh phải trả số tiền “mua hoa”.
Còn nhớ đầu năm 2005, tin hai dancer bị bắt về tội vận chuyển ma túy tổng hợp (dân chơi gọi là “thuốc lắc”) khiến nhiều dancer khác hết sức bất ngờ. Đó là Nguyễn Loan Trang, sinh năm 1984, trú tại quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Nếu chỉ kiếm tiền bằng nghề nhảy để nuôi bản thân thì có lẽ Trang đã không làm điều dại dột là mang “hàng trắng” tới các vũ trường bán để kiếm thêm tiền. Nhưng vì nặng gánh với gia đình nên Trang đã bất chấp tất cả. 
Tháng 3/2005, khi từ Hà Nội quay vào Sài Gòn thăm gia đình rồi trở ra Đà Nẵng, Trang đã mang theo một số lượng ma túy tổng hợp khá lớn nên đã bị công an bắt giữ. Và cũng chỉ đến khi Trang bị bắt thì người ta mới biết rằng, để che đậy thân phận... con nhà nghèo, mỗi khi bước lên sàn nhảy, Trang thường mặc đồ hiệu đắt tiền và luôn thể hiện vẻ mặt ngạo nghễ. 
Cùng với thời điểm Loan bị bắt, Công an Hà Nội cũng phát hiện hành vi buôn bán ma túy tổng hợp của dancer Nguyễn Hoàng Thụy Quyên. Hành vi phạm tội của Quyên là rõ ràng, nhưng đồng nghiệp thì thương cho Quyên bởi trong vụ án này, cô đã bị bạn tình giăng bẫy mà không biết.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 
Dancer B. quê ở Hải Phòng đã chết được một năm, nhưng dân chơi vẫn phải giật mình mỗi lần nhắc đến. B. đến với nghề dancer vì hai mục đích là thích được nhảy và kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sài Gòn là điểm đầu tiên B. chọn để dấn thân vào nghề nhảy. Một thời gian sau, khi mà Sài Gòn ngày càng xuất hiện nhiều dancer thì B. cũng gặp phải một số khó khăn trong việc kiếm tìm một vị trí chính thức trong vũ trường. 
Năm 2004, khi một số nhà hàng, quán bar mới ở Hà Nội xuất hiện cũng là lúc B. chuyển vùng hoạt động. Chịu chơi, có thân hình bốc lửa, B. đã được nhiều đại gia lắm tiền theo đuổi. Thế rồi B. lao vào cuộc sống buông thả và trở thành đệ tử của “thuốc lắc” lúc nào không rõ. Rồi B. bị loạn trí nhớ vì sử dụng quá nhiều thuốc, không ít lần B. lấy trò chơi “chạy trên mái nhà” làm tiêu khiển... 
Chỉ đến khi thấy sức khỏe suy sụp trầm trọng và linh tính có điều chẳng lành mách bảo, B. đi xét nghiệm thì mới hay đã bị nhiễm HIV khi vừa tròn 24 tuổi. Không tìm ra lối thoát, B. đã tự tử tại nhà trọ ở ngõ Thổ Quan, phường Khâm Thiên, Hà Nội. Ân hận về những sai phạm của mình nên trước khi chết, B. đã dán kết quả xét nghiệm khắp nhà như một lời cảnh báo tới những người đồng cảnh ngộ...
Dù được ngành hữu quan công nhận hay không, dancer vẫn là nghề mà không ít cô gái trẻ đang lựa chọn. Trong xã hội hiện đại, họ là một phần không thể thiếu ở các vũ trường, quán bar. Khách quan nhận xét thì dancer không phải là nghề xấu, dù rằng có một bộ phận trong số họ đã lạm dụng nghề để kiếm tiền bất chính bằng nhiều con đường. Đó chính là điều mà dư luận đánh giá “dancer không chỉ thu nhập bằng lương mà “khoản phụ” ngoài lương mới là thu nhập chính”. 
Thực ra nhiều dancer chỉ hành nghề theo đúng nghĩa đen đơn giản vì họ thích, vả lại thu nhập so với các nghề khác cũng không tệ, nhưng để giữ được điều đó trong một môi trường “nhạy cảm” như ở các vũ trường, quán bar là điều chẳng dễ chút nào.

Đọc thêm