Vui buồn nghề... bê cỗ thuê

(PLO) - Nghe nói qua thì công việc bê cỗ thuê cũng đơn giản, chỉ là đi bê cỗ cho họ rồi lấy tiền, nhưng thật sự có trực tiếp đi làm việc này mới thấy được những khó khăn, những niềm vui trong công việc và hơn nữa là sự trải nghiệm cuộc sống nho nhỏ từ công việc lý thú này.

Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Nghề thời vụ
Liên lạc được với Trường- Đội trưởng đội bê cỗ thuê, tôi đến địa điểm  nhận bê cỗ là Khách sạn Hacinco, 110 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội. Nhờ có Trường giới thiệu, tôi được nhận vào bê cỗ ngay buổi hôm sau. Và thế là tôi có dịp được làm nhân vật chính.
Sáng hôm sau, tôi cũng mặc quần áo theo lời Trường dặn dò là: Quần vải, áo trắng và bắt buộc phải đi giày. Vừa mới đặt chân đến khách sạn, chưa kịp nghỉ ngơi hay xem khách sạn to, nhỏ ra sao, anh quản lý giục chúng tôi đi làm ngay với giọng nói rất hiền: “Chúng ta đi làm thôi em, đi theo anh này”. Đội bê cỗ thuê hôm đó có 6 người, tôi với một anh bạn tên Tân làm việc ở dưới khu vực bếp tầng 3, còn lại 4 người lên đại sảnh tầng 6.
Công việc của tôi và anh Tân là chuyển thức ăn từ khu vực bếp tầng 3 lên đại sảnh tầng 6 bằng cầu thang máy. Nói cầu thang máy cho oai chứ thực ra là cái “ròng rọc” nối từ trên xuống.  Nét mặt vui tươi, cởi mở, anh Tân dặn dò: “Hai anh em mình sẽ đứng đây vận chuyển những chậu thức ăn lên trên. Sau khi chuyển hết, chúng ta sẽ cùng lên làm với đội trên kia. Em nhớ để ý cái ròng rọc nhé, sơ ý một cái là nó không chạy, anh em mình phải bê cầu thang bộ thì khổ lắm”.
Đến giờ đẹp (giờ mà khách của nhà trai và nhà gái đến đông đủ) là lúc cường độ công việc đẩy lên cao nhất, cả 6 người làm việc hết công suất cho kịp khách đến có bàn ngồi.
Công việc không mất quá nhiều sức nhưng với một cường độ liên tục, chóng  mặt cũng làm cho chúng tôi mệt nhừ người. Các bàn khách gọi liên tục, chỗ này gọi món, chỗ kia gọi bia... Nếu bạn nào không có sức khỏe tốt chắc không thể “trụ” được với công việc này. 
Khi được hỏi về lương lậu,  gương mặt phấn khởi, Tân thẳng thắn cho biết: “Vào những tháng đẹp như tháng 10, tháng 11, tháng 12 Âm lịch họ cưới nhiều, mình đi bê đều đặn tháng 6-7 lần, mỗi lần được 150.000VND. Tính ra một tháng đi bê cỗ thuê cũng kiếm được 900.000 VND đấy”.
Ngoài các thành viên bê cỗ thuê, trong khách sạn còn có đội ngũ rửa bát thuê là nữ, khoảng 4 người. Công việc của họ rất đơn giản là rửa bát sau khi bữa tiệc đã tàn.
Trải nghiệm cuộc sống
Mệt nhừ người sau 6 tiếng làm việc, cuối cùng cũng nhận được 150.000VND  tiền công. Cầm tiền do mình bỏ mồ hôi, công sức kiếm được, bạn Trần Văn Biên vừa thở vừa nói: “Số tiền này không phải là lớn, nhưng đối với sinh viên như em thì nó rất quý giá, em sẽ dùng nó để trang trải cuộc sống, đỡ cho bố mẹ được phần nào”.
Nhìn thấy Biên tự hào khi kiếm được những đồng tiền đầu tiên, tôi cũng thấy đỡ mệt đi phần nào. Còn những người có kinh nghiệm bê cỗ thuê như Tân, Trường lại có những suy nghĩ khác hơn, nó mang những hy vọng lớn hơn: “ Mỗi lần đi làm là một lần trải nghiệm cuộc mưu sinh vất vả, có vất vả thì sinh viên chúng em mới biết quý trọng đồng tiền, cố gắng phấn đấu để thành đạt”.
Đọc được những suy nghĩ đó tôi thấy mình thêm tự hào nhiều lắm về thế hệ trẻ bây giờ: Chấp nhận chịu khổ, đi kiếm tiền những lúc thảnh thơi, muốn được trải nghiệm cuộc sống. Và có trải nghiệm cuộc sống, có biết được kiếm đồng tiền vất vả đến chừng nào thì lúc đó họ mới biết phấn đấu để thành công.
Có người đến làm để kiếm tiền nuôi sống bản thân, người đến làm tạm thời để chờ việc. Tôi nghe Trường nói: Nhiều bạn sinh viên đi làm một thời gian được các anh chị quản lý nhà hàng quan tâm nhận vào làm nhân viên phục vụ chính trong nhà hàng.Và nếu không muốn làm ở nhà hàng thì anh chị sẽ giới thiệu đến các công ty cần tuyển nhân viên để nộp đơn xin việc.Và không ít nguời đã xin được việc làm sau khi được quản lý nhà hàng giới thiệu.
Điều gì đến rồi cũng phải đến, chỉ cần họ biết phấn đấu và có ý chí  thì ắt sẽ thành công dù cho công việc mình bắt đầu chỉ là “bê cỗ” thuê hay “rửa bát” thuê mà thôi

Đọc thêm