Vùng đất dưa Tết một thời lừng danh

(PLO) - Khoảng những năm 1996 – 1997, không hiểu sao đất Long Trì không trồng được dưa hấu nữa. Vùng trồng dưa Long Trì bị rầy lửa tấn công dữ dội làm hư dây, cộng với mầm bệnh lưu tồn trong đất khiến các ruộng dưa thất bát kéo dài. Năng suất giảm dần, trong khi dịch bệnh tăng khiến diện tích dưa hấu thu hẹp. 
Long Trì từng là “thánh địa” dưa hấu (Hình minh họa)
Long Trì từng là “thánh địa” dưa hấu (Hình minh họa)

Nhiều người phá sản vì cứ gần đến ngày thu hoạch dưa bị rầy lửa phá hư. Dưa Long Trì chỉ còn bám víu được vài năm rồi tàn. Nay Long Trì không còn dưa hấu, một gốc cũng không, thậm chí, nhiều người trẻ không biết quê mình từng nổi danh. Người ta phá ruộng lúa, vườn cây ăn trái, trồng nhiều loại cây khác, nhưng không loài cây trái nào giúp Long Trì sung túc như xưa. 

Ở xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An bây giờ, người trẻ ngơ ngác, người già thoáng buồn khi nhắc đến dưa hấu mùa Tết. Đặc sản riêng biệt một thời vang danh khắp nước đã biến mất.

Tết xưa, người dân khắp nơi thường đua nhau đến Long Trì tìm mua dưa hấu về chưng trên bàn thờ. Dịp cuối năm, chúng tôi lang thang đất Long Trì tìm hiểu về xứ sở dưa hấu một thời vang danh khắp Việt Nam. “Còn đâu mà tìm. Dưa hấu không còn một dây, tìm đỏ mắt không ra dưa mà viết lách...”, là lời một người ở ấp Long Thuận nói khi nghe khách hỏi về dưa hấu Long Trì.

Dưa hấu Long Trì thường có hạt nhỏ mịn (có giống không hạt), thơm, vỏ mỏng, ngọt thanh, mọng nước, hơi giòn và không bị xốp nếu để lâu như những giống dưa khác (Hình minh họa)
Dưa hấu Long Trì thường có hạt nhỏ mịn (có giống không hạt), thơm, vỏ mỏng, ngọt thanh, mọng nước, hơi giòn và không bị xốp nếu để lâu như những giống dưa khác (Hình minh họa)

Thế đất cao nhất vùng

Ông Lê Quang Bửu (SN 1953, biệt danh Tư Bợp) ở ấp Long Hòa, người từng có 20 năm trồng dưa, trầm ngâm: “Ngày xưa cả xã trồng dưa, nhà nào cũng trồng vài ba công đến vài mẫu”.

Hồi ấy, mỗi dịp cuối năm, ngoài ruộng nhà nhà đổ dồn công sức vào ruộng dưa đặng kịp mùa thu hoạch giáp Tết. Sở dĩ người Việt, nhất là người miền Nam, chuộng chưng dưa trên bàn thờ tổ tiên những ngày Tết vì nét tròn trịa của trái dưa biểu tượng cho sự viên mãn. Vỏ xanh dưa tượng trưng cho sự thanh xuân. Ruột dưa đỏ thắm tiêu biểu cho vẻ đẹp. Hạt dưa nhỏ nhắn đen tuyền, biểu tượng cho nét duyên dáng, e ấp. Dưa hấu là biểu tượng cho phúc (màu đỏ ruột dưa) và lộc (màu xanh vỏ dưa).

Ngày mồng một Tết, mọi người trong gia đình thường quây quần xẻ dưa chia sẻ phúc lộc đầu năm. Nếu ruột dưa đỏ thắm, ngọt ngào, nhiều người tin rằng năm ấy cả nhà phúc lộc tràn đầy.  

Dưa Long Trì được trồng từ lâu, không rõ năm nào, nhưng trước 1975 đã có và nổi tiếng. Dưa Long Trì ngon, nổi tiếng không phải vì giống tốt hay độc quyền. Tất cả các giống dưa hấu mang về đất Long Trì trồng đều ngon. Đó là do thổ nhưỡng. Thế đất Long Trì cao nhất huyện Châu Thành, trong đất có nhiều khoáng chất kali và các thành phần khác. Cộng với kỹ thuật chăm sóc của người dân khiến dưa Long Trì có đặc trưng độ ngọt thanh, vỏ mỏng, da đen, bảo quản lâu, chưng từ hai mấy tháng chạp âm lịch đến rằm tháng Giêng vẫn không bị thối.

Dưa Long Trì trồng đúng vào dịp Tết. Ông Mười Vĩnh, một người có thâm niên trồng dưa lý giải: “Tại sao chỉ trồng được vào dịp Tết. Thứ nhất, thời điểm đó trồng dưa trên liếp đất, không phủ bạt ni lông như bây giờ nên dễ bị côn trùng phá. Thứ hai, thời ấy đa số giống dưa có sức chống chịu thời tiết, thiên tai rất thấp. Thứ ba, dưa hấu không chuộng mưa, đang sai quả mà mưa là nứt vỏ. Mùa giáp Tết thời tiết thuận lợi nhất, khi gieo hạt còn có mưa cuối mùa lai rai hạn để chế tưới nước. Đến khi gần thu hoạch, thời tiết chỉ có nắng, gió, dưa lớn nhanh và không bị hư hại”.

Ngày xưa mỗi năm ông Bửu trồng khoảng năm công ruộng dưa hấu. “Đa số người ta trồng dưa trên đất lúa. Thời tiết thuận lợi, tôi làm hai vụ lúa rồi tới vụ dưa. Nếu không thuận lợi, tôi thà bỏ một vụ lúa, để đất trống chờ tới ngày trồng dưa. Vì trồng dưa mang lại lợi nhuận gấp 3 – 4 lần lúa. Năm nào, từ năm công ruộng dưa, nhà tôi cũng lãi được gần năm cây vàng, tha hồ có cái Tết sung túc. Bởi lãi cao nên nhà nhà trồng dưa, người người chăm dưa”.

Giữa tháng 8 âm lịch xuống giống vụ dưa, người Long Trì thời xưa tất bật với công việc chăm bón tưới nước, lựa nhánh tốt. Trước năm 1980, vùng này trồng giống dưa Việt Nam da xanh màu lá cây, có gân sọc đen, quả tròn có khi nặng cả chục ký. Nhưng rồi qua nhiều năm, giống không còn tốt, quả bắt đầu có hiện tượng méo mó, thấp, chất lượng không tốt. 

Lúc bấy giờ, nhiều giống dưa từ Thái Lan, nước ngoài nhập vào, dân Long Trì trồng loại dưa đen quả tròn. Ông Bửu kể: “Dù giống dưa nước ngoài nhưng mang về Long Trì trồng, quả cũng ngon bậc nhất, ấy bởi thổ nhưỡng và cách chăm sóc. Chăm sóc dưa có người nói dễ, có người nói khó. Với người trồng lâu năm như tôi, tôi thấy đơn giản và rất dễ”.

Ông Bửu cho hay nhiều nhà trong vùng xây được nhà, dựng cơ ngơi sung túc nhờ trái dưa
Ông Bửu cho hay nhiều nhà trong vùng xây được nhà, dựng cơ ngơi sung túc nhờ trái dưa

Dưa hấu Long Trì chưng 20 ngày vẫn không bị thối, theo ông Bửu là do kỹ thuật cắt nước. Trước khi thu hoạch khoảng một tuần, người dân Long Trì không tưới nước cho dưa. Dưa sẽ khô nước, ruột lên “cát” tạo độ ngọt thanh và giúp giữ dưa lâu hơn.

Nỗi buồn “tự sinh tự diệt”

Hai tuần trước Tết là đúng vào mùa thu hoạch dưa hấu. Trên các tuyến lộ chính của xã tấp nập xe tải đến vận chuyển. Dưới ruộng dưa, thương lái tranh nhau mua dưa, nông dân tha hồ mà lựa chọn thương lái mua giá cao hơn mà không sợ bị ép giá.

Ông Bửu mô tả: “Những ngày thu hoạch, nhà nào cũng sáng đèn tới sáng. Nhất là trên các con lộ, dưa chất thành đống hai bên đường chờ xe đến vận chuyển. Suốt nhiều đêm liền tại chợ dưa nhộn nhịp suốt đêm. Thiếu xe tải, người ta thậm chí còn mang cả xe chở khách đến chở dưa cho kịp đến nơi bán. Dưa Long Trì đi khắp miền Nam, từ Sài Gòn đến Cà Mau, thậm chí ra tận miền Trung. Một công ruộng dưa trung bình thu 2,5 – 3 tấn. Có năm trúng lớn lên tận 3,5 tấn”.

Nhiều người ăn nên làm ra từ những vụ dưa hấu. Như ông Mười Vĩnh chạy khắp vùng thuê đất trồng dưa mỗi lần đến vụ. Nhiều nhà ở Long Trì xây được nhà, dựng cơ ngơi sung túc nhờ trái dưa.

Thời vàng son dưa hấu từng là niềm tự hào của người dân nơi đây. Lạ hơn nữa là dưa Long Trì ngon hơn các vùng lân cận, dù chỉ giáp nhau một con đường lộ. Điều này đến nay chưa ai lý giải được. Thế mà người Long Trì phải bỏ trồng dưa hấu mùa Tết.

Khoảng những năm 1996 – 1997, không hiểu sao đất Long Trì không trồng được dưa hấu nữa. Vùng trồng dưa Long Trì bị rầy lửa tấn công dữ dội làm hư dây, cộng với mầm bệnh lưu tồn trong đất khiến các ruộng dưa thất bát kéo dài. Năng suất giảm dần, trong khi dịch bệnh tăng khiến diện tích dưa hấu thu hẹp. Nhiều người phá sản vì cứ gần đến ngày thu hoạch dưa bị rầy lửa phá hư. Dưa Long Trì chỉ còn bám víu được vài năm rồi tàn. Nay Long Trì không còn dưa hấu, một gốc cũng không, thậm chí, nhiều người trẻ không biết quê mình từng nổi danh. Người ta phá ruộng lúa, vườn cây ăn trái, trồng nhiều loại cây khác, nhưng không loài cây trái nào giúp Long Trì sung túc như xưa. 

Ông Lương Lễ Dũng (nguyên giám đốc trung tâm khuyến nông tỉnh Long An), cho hay: “Dưa hấu Long Trì mất đi, người tiếc nuối, người muốn phục hồi. Nhưng nghĩ về khía cạnh tích cực, ưa Long Trì mất đi nhưng nghề trồng dưa Long Trì thì không mất. Người Long Trì giờ đi khắp nơi thuê đất trồng dưa vì được thừa hưởng kỹ thuật trồng, chăm sóc của những người đi trước. Dưa bây giờ cìn trồng được quanh năm nhờ giống, nhờ công nghệ trồng mới”.

Long Trì bây giờ chỉ trồng toàn thanh long
Long Trì bây giờ chỉ trồng toàn thanh long

Ở nơi từng là thủ phủ của dưa hấu thì nay mỗi dịp Tết đến lại phải đi xứ khác mưa dưa về chưng trên bàn thờ ông bà. Ông Bửu cho hay: “Mấy ngày gần Tết, trên đường từ Long An lên Sài Gòn, hai bên đường người ta để bảng “dưa hấu Long Trì” quá trời. Tôi thấy tức cười mà bực. Họ lấy thương hiệu Long Trì để bán dưa xứ khác. Chứ Long Trì giờ còn dưa đâu. Không lẽ tôi cự với mấy người đó”.

Mặc dù dưa hấu Long Trì đã vắng bóng nhưng tiếng tăm vẫn lan xa. Nhiều nơi dưa hấu bày bán nhan nhản, đủ các loại nhưng nhiều người vẫn hỏi mua dưa Long Trì. Chủ một vựa dưa ở Bình Thạnh (TP HCM) thừa nhận: “Gần tết dưa hấu các nơi về đây nhiều lắm. Nào là dưa Vĩnh Hưng, Gò Công, Cần Thơ, Trà Vinh… thậm chí dưa ở Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có, tuy nhiên không thể thay được dưa Long Trì”. Theo chị, dưa hấu một số nơi không để lâu được, có loại chỉ giữ khoảng năm ngày là dưa bị chảy nước, thối ruột… hư hết. Vì thế, người tiêu dùng không thích mua. 

Trước tình hình trên, nhiều thương lái “đánh đố” khách hàng bằng cách mạo danh “dưa Long Trì” khi bán ra thị trường. Trong khi người tiêu dùng lâu lâu mới ăn dưa một lần nên rất khó phân biệt. 

Một người dân xã Long Trì cho biết: “Nhiều nơi khi bán dưa họ bảo là dưa Long Trì, có lần ra Hà Nội cũng nghe bạn hàng mời mua dưa Long Trì. Tôi nói không phải nhưng họ vẫn quả quyết là Long Trì, đến khi tôi đưa giấy tờ ra là người quê gốc Long Trì, lúc này họ mới té ngửa…”. 

Ở Long An nay có nhiều nơi trồng dưa hấu, song nhiều nơi lại lấy “thương hiệu Long Trì” để bán. Điều này chứng tỏ dưa Long Trì rất được người tiêu dùng xa gần ưa chuộng.

Đọc thêm