Vướng mắc trong giám định công nhận người có công

(PLO) - Khó phân biệt bị nhiễm chất độc hóa học với người bị bệnh ung thư, đó là băn khoăn được đưa ra tại buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thực hiện chính sách xã hội đối với người có công” tổ chức hôm qua (28/7), tại Hà Nội.
Quy trình khám, giám định để xác nhận người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học còn không ít vướng mắc (Ảnh minh họa).
Quy trình khám, giám định để xác nhận người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học còn không ít vướng mắc (Ảnh minh họa).

5 vấn đề tồn tại

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng khẳng định, hệ thống chính sách pháp luật về người có công ngày càng được hoàn thiện, từ những quy định rất cơ bản trong Hiến pháp năm 2013 cho đến những quy định cụ thể trong những văn bản quy phạm pháp luật khác. 

Hiện toàn quốc có gần 9 triệu người có công đã được công nhận và đang thụ hưởng các chính sách tôn vinh, khen thưởng, ưu đãi. Việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công đã tạo thêm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, từ đó góp phần bảo đảm và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần trực tiếp vào việc phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương và đất nước. 

Đề cập đến công tác giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công trong thời gian qua, ông Hùng nhấn mạnh đến 5 vấn đề còn tồn tại. Trong đó có việc tồn đọng một bộ phận những người thực sự có công đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc, nhưng do những vướng mắc về mặt giấy tờ, hồ sơ, thủ tục nên đến nay vẫn chưa được công nhận và tôn vinh. Cũng vì thiếu thông tin nên hiện còn rất nhiều mộ liệt sỹ chưa xác định được danh tính.  

Bên cạnh đó, danh mục và quy trình khám, giám định để xác nhận công nhận người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học còn không ít vướng mắc. “Ngay các nhà chuyên môn của Bộ Y tế cũng nói rằng một người bị bệnh ung thư không thể phân biệt rõ được là người đó bị ung thư do liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học hay do cơ địa, môi trường… mang lại. Hai trường hợp ung thư này không có gì khác nhau về mặt bệnh lý. Nhưng chúng ta vẫn phải có những quy định để xác minh làm rõ, trên cơ sở đó công nhận người đó là người tham gia kháng chiến vì nhiễm chất độc hóa học. Đây là tồn đọng rất cần quan tâm”, ông Hùng nói.

“Món nợ lớn nhất” 

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tý, cả nước có gần 2 nghìn hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, thương binh chưa được công nhận, chưa được xem xét; và 70 nghìn hồ sơ người có công với cách mạng đang đề nghị được hưởng chính sách người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Đặc biệt, vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập về nghĩa trang và 300.000 liệt sỹ được quy  tập nhưng chưa có đầy đủ thông tin. “Đây là day dứt lớn nhất, là món nợ lớn nhất của đất nước ta đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, người có công. Do vậy, việc giải quyết vấn đề này là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách trong toàn bộ hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng”, ông Tý nói.

Nhằm khắc phục những khó khăn trong việc xác định danh tính liệt sỹ, ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, Chính phủ đã có quyết định đầu tư cho 3 trung tâm giám định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam. Sau khi được đầu tư thì năng lực của các trung tâm này sẽ được tăng lên rất nhiều, giúp cho việc giám định được nhanh hơn. 

Nói rõ hơn về những tồn đọng do vướng mắc về thủ tục giấy tờ công nhận thương binh, liệt sỹ, Phó Cục trưởng Cục Chính sách quân đội Trần Quốc Dũng nhận định, do khối lượng công tác chính sách rất lớn nhưng đội ngũ làm công tác chính sách còn mỏng, một số cán bộ làm công tác chính sách còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, bởi vậy, khi xét duyệt, xử lý các vấn đề về chính sách hoặc là chậm trễ, hoặc là thiếu nhạy bén, linh hoạt đôi khi gây bức xúc cho các đối tượng. 

Ngoài ra, chế độ chính sách mỗi thời kỳ lại tùy thuộc vào điều kiện kinh tế- xã hội nên khi xét các điều kiện cụ thể cũng nảy sinh những vấn đề mang tính nhất quán và tính công bằng đối với các đối tượng.

Khẳng định việc hoàn thiện chính sách pháp luật đối với người có công sẽ được sớm tiến hành, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tý khẳng định phải có những quy định, quy trình bảo đảm cho tất cả cho những người thật sự có công đều được công nhận và đều được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, hướng tới mục tiêu bảo đảm 100% những người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của dân cư cùng khu vực cư trú. Không những vậy, chính sách đối với người có công phải bảo đảm công bằng, hợp lý, hài hòa giữa các đối tượng; phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như điều kiện ngân sách nhà nước.

Đọc thêm