Xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ: Tin một ngày mai anh sẽ về!

(PLO) - Cách đây 2 năm vào dịp lễ kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30/4, truyền thông có chia sẻ câu chuyện của gia đình liệt sĩ Đoàn Anh Thông quê quán ở xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Theo đó, đã hơn 40 năm trôi qua nhưng bà Lê Thị Chạy - vợ liệt sĩ và bác sĩ Đoàn Nam Phong - con trai liệt sĩ vẫn mỏi mắt ngóng thông tin về phần mộ của cha mình. 
Dòng thông tin tìm liệt sĩ Đoàn Anh Thông do con trai liệt sĩ chia sẻ trên trang thông tin nhantimdongdoi.org
Dòng thông tin tìm liệt sĩ Đoàn Anh Thông do con trai liệt sĩ chia sẻ trên trang thông tin nhantimdongdoi.org

Hơn 500 nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin

Trên trang thông tin nhantimdongdoi.org và trên trang thông tin của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, bác sĩ Đoàn Nam Phong chia sẻ câu chuyện: “Theo đồng đội của bố tôi (người trực tiếp chôn bố tôi kể) đơn vị pháo cao xạ 37 ly của bố tôi ngày đó được bố trí bảo vệ binh trạm và Bệnh viện Cự Nẫm, Quảng Bình. Sau đó được lệnh kéo pháo vào Nam chiến đấu, khi đi qua Cổng Trời thì bị địch oanh tạc hy sinh 6 người trong đó có bố tôi. Khoảng 19h đồng đội mới đưa được 6 tử sĩ lên xe quay ngược ra Bắc đi qua Cổng Trời chừng 30 phút thì dừng lại chôn 6 người thành hai hàng tại một quả đồi cạnh đường. Theo lời kể đó, gia đình tôi đã liên hệ nhiều nơi để tìm bố tôi nhưng không có thông tin...”.

Hàng năm, cứ đến ngày 30/4, bà Lê Thị Chạy và con lại đặt toàn bộ thư từ, nhật kí của liệt sĩ Đoàn Anh Thông lên bàn thờ để tưởng nhớ, vì thông tin hài cốt liệt sĩ bấy lâu nay vẫn bặt vô âm tín và người thân không còn lại gì ngoài những kỉ vật thiêng liêng. Được biết, tất cả những lá thư liệt sĩ Đoàn Anh Thông gửi về đều ghi số hiệu hòm thư. Cục Quân lực - Bộ Quốc phòng đã cơ bản giải mã các phiên hiệu, ký hiệu đơn vị trong chiến tranh nhưng thông tin về liệt sĩ Đoàn Anh Thông quá nhiều, chồng chéo nên người thân vẫn chưa tìm được hài cốt của ông...

Câu chuyện của gia đình liệt sĩ Đoàn Anh Thông khắc khoải tìm chồng, tìm cha cũng là câu chuyện của rất nhiều những gia đình khác trên đất nước Việt Nam này khi mà vết sẹo đau thương của chiến tranh chưa liền miệng, khi mà “đến nay vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam và ở nước bạn Lào, Campuchia; ngoài ra, có trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin; tổng số liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hơn 500.000” theo con số của Bộ LĐTB&XH đưa ra. Vì thế, việc xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ là rất cần thiết để làm cầu nối thông tin giữa gia đình và những nguồn đăng nắm giữ thông tin về liệt sĩ, từ đó liệt sĩ sẽ có ngày được trở về quê hương trong niềm mong mỏi của người thân.

Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ sẽ vận hành từ 27/7/2018

Mới đây, Bộ LĐTB&XH đã có buổi làm việc với Bộ TT&TT về kế hoạch triển khai Đề án xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Hai Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đồng chủ trì buổi làm việc.

Theo đó, đây là hệ thống ứng dụng đầu tiên của Chính phủ được xây dựng và phát triển với mục tiêu cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đến với người dân; cập nhật, bổ sung và kiểm soát tính chính xác của các thông tin hiện tại của Cục Người có công đang quản lý và sử dụng.

Theo  Bộ trưởng Đào Ngọc Dung  với con số hơn 500.000  liệt sĩ chưa xác định được thông tin thì nhiều thân nhân, gia đình liệt sĩ chưa biết mộ con em mình nằm ở đâu. Việc các gia đình đi đến từng nghĩa trang, từng mộ liệt sĩ tìm thân nhân vô cùng khó khăn tốn kém. Đây cũng là điều day dứt của người làm công tác người có công. Vì vậy, xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ là việc làm không chỉ có ý nghĩa tâm linh mà còn là nghĩa cử tri ân đối với những người đã hy sinh thân mình vì đất nước; tạo điều kiện cho nhân dân và thân nhân tiếp cận thông tin nhanh nhất. Giúp cho thân nhân các liệt sĩ bớt khó khăn trong hành trình tìm mộ người thân, góp phần làm vơi đi nỗi đau chiến tranh.

Theo ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), một trong những đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ thì Cổng thông tin được xây dựng có đầy đủ các chức năng yêu cầu như: chức năng tra cứu thông tin về mộ liệt sĩ, chức năng gửi yêu cầu tra cứu thông tin của người thân, chức năng viết tin bài, chức năng cập nhật bổ sung thông tin …

Việc triển khai xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu bao gồm các công việc: công cụ thu thập dữ liệu, cơ sở dữ liệu (CSDL), công cụ hỗ trợ ghép nối thông tin, website quản lý và phục vụ tra cứu… Phần mềm tiến hành thu thập dữ liệu được ứng dụng trên smartphone và có các tính năng chính như: chụp ảnh bia mộ liệt sỹ, gắn tọa độ, thời gian, dán nhãn nội dung từng bức ảnh…

Phần mềm thẩm tra, ghép nối dữ liệu sau khi thu thập: Hệ thống thẩm tra dữ liệu cho phép ghép nối nhanh chóng từng bức ảnh với dữ liệu đã có sẵn của Bộ LĐ-TB&XH, ứng với từng nghĩa trang cụ thể; Chuẩn hóa và tích hợp CSDL; khảo sát bổ sung các nghiệp vụ tìm kiếm liên thông CSDL..

Trong các nội dung xây dựng phần mềm Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị các đơn vị thực hiện cần ưu tiên thu thập thông tin từ các nguồn, đặc biệt là những thông tin của người dân, làm sao để tìm kiếm một cách đơn giản nhất, nhanh nhất, tốt nhất và lưu ý thêm rằng nhiều tên địa danh hành chính như tên các tỉnh, huyện cũ nhiều nơi đã thay đổi, do đó, cần cập nhật, đối chiếu cả tên cũ và tên mới của các địa điểm nơi đặt các nghĩa trang liệt sĩ.

“Dự kiến, đến dịp 27/7/2018 sẽ có được thông tin ban đầu sau đó tiếp tục cập nhật chứ không đợi hoàn thiện xong mới công bố. Chúng ta sẽ cập nhật thường xuyên và có mục cho người dân cung cấp thông tin về liệt sĩ”-  Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh. 

Yêu cầu các Sở LĐTB &XH phối hợp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục Người có công khẩn trương soạn công văn trình Bộ để gửi tới Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trên toàn quốc giao Sở LĐ-TB &XH triển khai trong toàn hệ thống, đồng thời các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với VN post trong quá trình thu thập thông tin nhằm sớm hoàn thiện các công việc để phấn đấu trước ngày 27/7/2018 sẽ ra mắt  Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.

Đọc thêm