Xây nhà trên đất của chồng cũ - bài học từ sự chủ quan

(PLO) - “Tu trăm năm mới chung một chuyến thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên chồng vợ” - đó là câu nói dân gian về duyên phận nhân sinh, gặp nhau bởi chữ duyên, gắn kết đời nhau bằng chữ nợ. Thế nhưng, trong xã hội muôn hình vạn trạng này, điều gì cũng có thể xảy ra. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đỗ nhầm bến đục

Cách đây hơn 20 năm về trước, cô giáo Trần Thị Hoa và thầy giáo Nguyễn Văn Quyết khi ấy là một đôi vợ chồng mới cưới, cùng dắt tay nhau rời Quảng Ngãi vào miền Nam lập nghiệp. Họ chọn An Minh (Kiên Giang) làm bến đỗ, cũng là quê hương thứ hai trong cuộc đời mình. Những tưởng nơi xứ lạ quê người, tình vợ chồng, tình đồng hương sẽ càng thêm gắn bó. Thế nhưng, đời người có ai lường trước được “ngày mai”. 

Sau hơn mười lăm năm chung sống, những bất đồng trong nhận thức, trong quan điểm và trong cách sống đã dần kéo họ cách xa nhau. Hồi kết của những cơn cãi vã là tờ đơn thuận tình ly hôn và Quyết định của Tòa án. Theo phán quyết của Tòa, mối quan hệ vợ chồng giữa bà Hoa và ông Quyết chấm dứt, bà Hoa được toàn quyền sử dụng một mảnh đất ở An Minh, còn ông Quyết được chia nền nhà tại Rạch Giá.

Hậu ly hôn, bà Hoa vẫn ở lại An Minh, còn ông Quyết thì chuyển đến thị xã Hà Tiên công tác. Những năm sau, thi thoảng ông vẫn về An Minh để thăm hỏi vợ cũ của mình. Mỗi lần như thế, bà Hoa đều đưa ông một số tiền, khi thì vài triệu, khi thì vài chục triệu với nhiều lý do: cần tiền đi học cao cấp chính trị, đứa em nuôi đang gặp chuyện khó khăn…

Rồi ông Quyết “to nhỏ”, “tỉ tê” với bà Hoa rằng: “Vợ chồng mình già rồi, lại không có con, em  thì nay ốm mai đau lại sắp về hưu, anh thì vài năm nữa cũng vậy, hay là em bán mảnh đất ở An Minh, gom tiền lên Rạch Giá mình xây nhà, chăm sóc, đỡ đần nhau cho tiện”. 

Nghe bùi tai nên bà Hoa gật đầu đồng ý, đồng thời bà đề nghị ông Quyết cùng bà đi đăng ký kết hôn lại để cho danh chính ngôn thuận. Lấy lý do hai người đều đã có tuổi, đăng ký không cần thiết nên ông Quyết cứ khất lần, bà Hoa cũng chẳng nghi ngờ nên không bàn đến nữa. Thời gian ngắn sau đó, bà liên tục chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho ông Quyết để xây nhà, ngót gần ba trăm triệu, mà không hề lưu lại chứng từ. 

Thế rồi, nhà cũng xây xong, nhưng ước nguyện ban đầu của bà đã tan thành mây khói. Người mà bà nhất mực tin tưởng, yêu thương giờ như trở thành một người khác. Đến lúc này bà mới vỡ lẽ, lời đề nghị ngọt ngào lúc xưa chỉ là một màn kịch do ông Quyết rắp tăm dựng lên, mà mình là một nạn nhân đáng thương của nó…

Trước tình cảnh éo le này, thông qua một người bạn thân, bà đã lặn lội tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý để nhờ hỗ trợ như người đang đuối nước tìm đến một chiếc phao cứu sinh. Bà mong muốn pháp luật sẽ giúp bà đòi lại sự công bằng. Bà muốn tố giác ông Quyết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, muốn ông Quyết phải đi tù như một cách trả giá…

Chỉ có thể khởi kiện về dân sự

Dẫu rằng, người trong cuộc là bà Hoa cho rằng hành vi của ông Quyết chính là lừa đảo, và khách quan mà nói thì bà có lý. Tuy nhiên, pháp luật là nói đến chứng minh và chứng cứ. Trong trường hợp của bà Hoa và ông Quyết, rất khó để chứng minh rằng thời điểm ông yêu cầu bà Hoa góp tiền xây nhà ông “dùng thủ đoạn gian dối” để hòng chiếm đoạt tài sản của bà (một đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Ông có thể lập luận rằng lúc đó cả ông và bà Hoa đều thật lòng mong muốn sẽ về chung sống với nhau như trước đây, nhưng sau khi nhà xây xong, ông cảm thấy không hợp và không thể cùng sống chung dưới một mái nhà với bà Hoa…. Việc bảo vệ cho lập luận này cũng sẽ dễ hơn nhiều so với việc đi tìm chứng cứ chứng minh điều ngược lại. 

Mặc dù không thể xử lý ông Quyết về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng bà Hoa hoàn toàn có thể khởi kiện ông ra Tòa án nhân dân cấp huyện (nơi ông Quyết cư trú, làm việc) để yêu cầu Tòa án buộc ông phải trả lại tài sản cho mình (là số tiền mà bà đã gửi cho ông Quyết để xây cất nhà).

Theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì hồ sơ khởi kiện sẽ bao gồm: Đơn khởi kiện, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và những giấy tờ chứng minh việc bà đã từng gửi tiền cho ông Quyết (chứng từ của ngân hàng, xác nhận của người làm chứng…). Những chứng từ này nếu bà không thể thu thập được thì có quyền làm Đơn yêu cầu Tòa án thu thập.

Công lý và chính nghĩa luôn đứng về phía những người trung thực và đứng đắn, pháp luật sẽ không dung tha cho những kẻ gian manh, dối trá. Trong sự việc này, chúng ta hoàn toàn tin rằng bà Hoa sẽ đòi lại được những gì thuộc về mình. Song, của cải có thể lấy lại, còn tuổi xuân và niềm tin thì có còn tìm lại được?

Đây cũng là một bài học đắt giá cho chính bản thân bà Hoa và cho cả chúng ta, khi quyết định bất kỳ một vấn đề gì có liên quan đến tài sản của chính mình, phải luôn cân nhắc và lựa chọn phương án bảo đảm nhất, để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro và rắc rối pháp lý về sau. 

Đọc thêm