Xin lỗi theo... chỉ đạo

(PLO) - Xin lỗi là một hành vi ứng xử có văn hóa, điều đó là đương nhiên, song thái độ xin lỗi như thế nào lại là chuyện khác, có khi lại là hành vi phản văn hóa. 

Câu “xin lỗi” cửa miệng thể hiện là người lịch sự khi người nói chẳng có lỗi gì, chẳng hạn trên xe buýt khi người ta muốn xuống thì hỏi người chắn đường: “Xin lỗi, anh (chị) có xuống bến này không?”, hoặc, khi làm phiền ai đó: “Xin lỗi, cho tôi hỏi thăm...”. Còn khi gây ra lỗi thì buộc phải xin lỗi với sự mong muốn được tha lỗi, với sự ân hận thực sự trong thâm tâm và quan trọng hơn, với sự cầu thị và cũng là mục đích của việc xin lỗi là những vụ việc đáng tiếc như thế này sẽ không xảy ra nữa.

Vừa rồi, có mấy vụ xin lỗi khiến dư luận quan tâm và bình phẩm. Tại TP Hồ Chí Minh, chính quyền sở tại đã xin lỗi một nữ du khách bị cướp giật và ở tỉnh Đắk Lắk, Sở Y tế xin lỗi nữ sinh bị cưa chân do bác sỹ tắc trách.

Đáng chú ý là cả hai vụ xin lỗi này đều có chỉ đạo từ cấp trên, vụ nữ du khách là do Bí thư Thành ủy yêu cầu, vụ nữ sinh là do Bộ Y tế bắt buộc. Còn trước đó, vụ một Việt kiều bị Công an xã vu cho bằng văn bản là “thần kinh không bình thường” tổ chức xin lỗi công khai nhưng khi có nhà báo và luật sư tới dự thì hoãn không xin lỗi nữa.

Không biết tự bao giờ luật sư, nhà báo trở thành những “phần tử” đáng lo ngại, người ta không muốn họ có mặt trong những sự kiện công khai. Tương tự, sự “công khai” bây giờ cũng không còn theo đúng nghĩa nguyên thủy nữa, công khai chỉ dành cho một số người thôi, còn một số đối tượng thì không được “xem” cái công khai đó!

Ngay cả khi xin lỗi trở thành một chế định bắt buộc trong việc để xảy ra oan sai thì người ta cũng tổ chức qua quýt gọi là có, thái độ của những người đại diện đứng ra xin lỗi thì cau có, hằn học, lạnh tanh, vô cảm... Thế thì xin lỗi để làm gì, người được xin lỗi cũng không thấy thỏa mãn, người chứng kiến thì bất bình. Thái độ đó vừa phản cảm vừa phản tác dụng của việc xin lỗi.

Trong một tình trạng mà xin lỗi bị coi là hành vi xa xỉ thì có xin lỗi đã là tốt lắm rồi, còn đòi hỏi gì nữa. Cách nghĩ ấy đang chi phối nhiều người, đặc biệt với những người có chức, có quyền, có tiền, có tiếng. Họ sợ xin lỗi làm ảnh hưởng đến hình ảnh hoặc vị thế của họ. Nhầm to, xin lỗi chính là một biểu hiện của lòng tự trọng, chỉ có những ai thiếu lòng tự trọng thì mới không chịu xin lỗi mà thôi!.

Đọc thêm