Xin lỗi vì cứ phải… đẩy con ra xa mẹ

(PLO) - Những nhà báo nữ, họ chẳng ngại chiến dịch công tác dài ngày hay phải xâm nhập thực tế vào vùng dịch,... nhưng họ luôn cảm thấy có lỗi với những đứa con của mình. Tâm sự của một người mẹ làm báo dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu hơn nỗi lòng những phụ nữ "trót" theo cái nghiệp "đa đoan" này. 
Xin lỗi  vì cứ phải… đẩy con ra xa mẹ
Mẹ nhớ, khi học mẫu giáo, có lần con hỏi: “Bao giờ thì mẹ ở nhà với con?”, mẹ cười: “ Khi mẹ già con ạ”. Con đã thủ thỉ đầy thơ ngây: “ Mẹ ơi, thế thì con mong mẹ già…”… 
Dù mẹ phải “tranh thủ” yêu thương con khi những năm tháng ấu thơ con cần bàn tay, cần những vỗ về để con lớn lên tự tin với những ước mơ và độ lượng với những nỗi đau, trước khi con biết rằng rồi tới một ngày, con không cần mẹ luôn ở bên nữa. Nhưng mẹ xin lỗi vì những chuyến đi vẫn đẩy con ra xa khỏi mẹ…
Ngày nhỏ lắm, bằng con bây giờ, khi nhìn đoàn tàu đi xa, mẹ luôn nghĩ về ngày mai, những miền đất xa xôi đang vẫy gọi. Vì thế, rất lâu rồi, mẹ vẫn mải miết đi về những vùng đất còn nhiều gian khó. Những chuyến đi cho mẹ biết những rộng, dài của đất nước mình cùng rung cảm sâu xa về bao thân phận, cuộc đời, cho mẹ những giá trị về lòng biết ơn, lòng yêu thương từ những điều tưởng như rất đỗi nhỏ bé và giản dị trong cuộc sống… 
Khi mẹ đứng ở mũi Sa Vĩ (Móng Cái), rồi đứng ở cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), mẹ nghĩ tới mũi Cà Mau. Khi mẹ đứng bên sông Bến Hải (Quảng Trị), mẹ nhớ tới hình ảnh 20 năm chia cắt đất nước, nơi ngày ngày người vợ, người chồng người bờ Nam, kẻ bờ Bắc lặng lẽ ra sông giặt áo để được nhìn thấy nhau, mẹ nhớ những đứa trẻ trong những năm tháng đó, chạy dọc triền sông gọi mẹ thảm thiết… Rồi khi lặng lẽ thắp những nén nhang ở các nghĩa trang lớn nhỏ ở Quảng Trị, Trường Sơn, trước bạt ngàn những nấm mộ chưa tìm được tên liệt sỹ…, mẹ thấm thía hơn màu đỏ của lá cờ Tổ quốc. Đó là máu của cha anh mình.
Mặc cho có những chuyến đi mà mẹ không biết để sống hay để chết bởi những trận say xe hành hạ, nhưng mẹ luôn nghĩ cứ đi rồi sẽ tới…
Có lần, mẹ và một nữ đồng nghiệp cùng một thầy giáo tiểu học luồn rừng, vượt suối để tới với các thầy cô cắm bản ở một bản người La Hủ. Thầy giáo nói đã hơn 20 năm từ dưới xuôi lên, lần đầu thầy gặp hai nhà báo nữ mảnh mai lặn lội tới được đây. Mẹ đã gặp những thầy cô tuổi đôi mươi, những đứa trẻ La Hủ và bật khóc trên cao nguyên đá Đồng Văn. Hôm đó, trời mưa rét sụt sùi, tới giờ cơm, hàng trăm học sinh người Mông chỉ cầm một cái thìa vào mâm ăn. Mỗi mâm có khoảng 10 em với một nồi mèn mén (ngô xay quấy như cháo đặc), một nồi rau cải và một nồi đậu phụ nhỏ. Mẹ xót lòng và muốn cho mấy cái tét vào mông lũ trẻ thành phố lười ăn như con…
Con lớn hơn một chút, mẹ có những chuyến đi xa hơn, khó gọi điện thường xuyên về nhà được, dường như con cảm thấy mẹ ở rất xa… Nên khi con tỏ ra như rắn rỏi, không nhớ mẹ lắm mà giọng nghẹn ngào, biết nước mắt con lại lưng tròng, mẹ phải đánh lảng sang những chuyện cười.
Bạn mẹ kể, vào những ngày giữa trung tâm dịch sởi vừa qua, cô ấy túc trực ở viện nhi suốt 20 ngày và khóc cùng các bác sỹ, những ông bố, bà mẹ ngày ngày bất lực nhìn thiên thần của mình chìm dần… Khi về nhà, cô ấy không dám gần cậu con trai nhỏ của mình, đã phải đẩy con ra xa dù rất muốn ôm chặt con vào lòng…
Mẹ xin lỗi khi phải đẩy con ra xa khỏi mẹ, nhưng mẹ mong con lớn lên thật cứng cáp, nhân hậu và yêu thương nhiều hơn những gì con nhận được. Mẹ luôn nghĩ, sẽ luôn có những điều tốt đẹp cho những ai xứng với nó, khi mỗi chúng ta tin vào những giá trị và những điều ấm áp trong cuộc đời…

Đọc thêm