Xóa bỏ rào cản, nâng vị thế của người khuyết tật

(PLO) - Ngoài việc người khuyết tật tự xóa bỏ rào cản từ chính bản thân mình thì xã hội cũng cần có sự nhìn nhận công bằng và nhân văn hơn, đặc biệt là dưới góc độ quyền con người để họ tự tin hơn trong cuộc sống, chủ động nuôi sống bản thân, có cơ hội cống hiến cho xã hội.
Các đại biểu tham dự Hội thảo 'Hòa nhập không rào cản - Bối cảnh và giải pháp'
Các đại biểu tham dự Hội thảo 'Hòa nhập không rào cản - Bối cảnh và giải pháp'

Trở ngại từ nhiều phía

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với các nước trong khu vực. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số. Trong những năm tới, tỷ lệ người khuyết tật tại Việt Nam có xu hướng tăng lên. Đây là nhóm dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội.

Những năm qua, Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ người khuyết tật. Luật người khuyết tật ra đời giữa năm 2010 và có hiệu lực từ tháng 01/2011 là một thành tựu và hành động thể hiện việc thực hiện cam kết này.

Bên cạnh đó, sự ra đời của Đề án Quốc gia trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 cũng đã đánh dấu một bước tiến lớn trên lộ trình tiến tới hiện thực hóa quyền của người khuyết tật.

Đáng chú ý, từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức thông qua Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật, trong đó hòa nhập xã hội là vấn đề trọng tâm của công ước. Công ước này có ý nghĩa đặc biệt khi thay đổi cách nhìn đối với tình trạng khuyết tật là một vấn đề xã hội chứ không phải là vấn đề y tế, và xác lập sự dịch chuyển từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền.

Cùng với những chính sách của nhà nước, chương trình hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, các hoạt động của hội, nhóm, CLB của người khuyết tật ngày càng phát triển, cũng như sự nỗ lực của chính bản thân; nhiều người khuyết tật đã vượt qua định kiến, kỳ thị để vượt ra ngoài, tham gia các hoạt động của cộng đồng, trở thành chủ doanh nghiệp, chủ gia đình…

Mặc dù vậy, cho đến nay, vẫn còn nhiều người khuyết tật phải đối mặt với các rào cản khi họ hòa nhập với cộng đồng và thường phải sống bên lề của xã hội. Rào cản có thể được tạo dựng với rất nhiều hình thức, bao gồm: những rào cản về môi trường vận động, về thông tin và công nghệ truyền thông, những rào cản do pháp luật hoặc chính sách và cả từ thái độ hoặc sự phân biệt đối xử của xã hội. 

Theo thống kê từ 2010 đến 2015, có khoảng 120.000 người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn. Tuy nhiên, số người khuyết tật được học nghề hiện còn quá ít so với nhu cầu.

Theo Vụ Công tác Học sinh sinh viên - Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), dạy nghề cho người khuyết tật có nhiều khó khăn và chi phí cũng cao hơn so với dạy nghề thông thường do họ mang nhiều dạng khuyết tật và cư trú rải rác rộng khắp trên cả nước, mỗi dạng tật chỉ phù hợp với một số nghề nhất định. Thêm vào đó là cơ chế thị trường hướng tới mục tiêu lợi nhuận, đã trở thành “lực cản” đối với dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật…

Tỷ lệ người khuyết tật tìm được việc làm sau đào tạo nghề còn thấp. Do đó, để người khuyết tật tìm được công việc phù hợp, rất cần có chính sách ưu đãi cho việc dạy nghề và tạo việc làm cho đối tượng chịu nhiều thiệt thòi này. Phía doanh nghiệp cần “mở lòng” hơn với người khuyết tật, tạo cho họ cơ hội bình đẳng trong tuyển dụng, không có sự phân biệt và cần nhìn nhận năng lực thực sực của người khuyết tật. 

Bên cạnh đó, người khuyết tật cũng phải nỗ lực vươn lên, bỏ qua những khiếm khuyết trên cơ thể để hòa nhập vào thị trường lao động. Trong nhiều rào cản mà người khuyết tật đang gặp phải, một rào cản vô hình khó vượt qua đó là sự kỳ thị, phân biệt đối xử khiến người khuyết tật luôn tự ti, mặc cảm, sống khép mình không muốn giao tiếp xã hội, khiến họ bị tách biệt khỏi xã hội.

Có thể nói, mối liên hệ giữa người khuyết tật, nghèo đói và tình trạng bị cô lập với xã hội là không thể phủ nhận. Các chuyên gia nghiên cứu phát triển xã hội cũng cho rằng, hiện phần lớn người khuyết tật ở Việt Nam chưa được tạo điều kiện để khắc phục những khó khăn liên quan đến chức năng cơ thể. 

Ngoài ra, nhận thức của gia đình và cộng đồng cũng chưa thật đầy đủ về khả năng, nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật dẫn đến tình trạng khuyết tật trở nên nặng nề hơn. Do đó, để người khuyết tật được hòa nhập với cộng đồng, chính sách không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc phục hồi chức năng mà phải tiến tới xóa bỏ các rào cản đối với người khuyết tật để người khuyết tật được tham gia một cách bình đẳng vào hoạt động của xã hội.

Người khuyết tật khao khát hòa nhập và cống hiến nhưng gặp không ít rào cản
Người khuyết tật khao khát hòa nhập và cống hiến nhưng gặp không ít rào cản

Công trình công cộng thân thiện

Tại hội thảo “Hòa nhập - Không rào cản: Bối cảnh và giải pháp” diễn ra mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia và cử tọa đã đưa ra những chia sẻ quan trọng trong vấn đề nhận thức và định kiến về khuyết tật và hòa nhập. 

Theo đó, việc xã hội có những quan điểm nhìn nhận như thế nào về khuyết tật sẽ tạo ra kết quả khác nhau. Nếu ta xem khuyết tật là một phần tự nhiên của xã hội, thì người khuyết tật sẽ không còn là đối tượng của công tác từ thiện mà là đối tượng của vấn đề pháp luật và nhận thức về quyền bình đẳng giữa con người.

Công ước Quốc Tế về Quyền của người khuyết tật cũng đang muốn đạt được những thay đổi cơ bản này trong nhận thức xã hội. Người khuyết tật có quyền nhận được sự hỗ trợ để họ được sống và làm việc độc lập và việc các công trình được thiết kế như thế nào cũng góp một phần lớn vào việc đảm bảo quyền cơ bản này cho người khuyết tật.

Bà Nguyễn Thảo Vân, Giám đốc và đồng sáng lập Trung tâm Nghị Lực Sống đã chia sẻ cụ thể về những khó khăn trong việc giúp người khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng. Bà Vân dẫn chứng, tại Úc, việc các công trình và tiện ích công cộng được thiết kế thân thiện không rào cản giúp cho người khuyết tật có thể dễ dàng tiếp cận các công trình công cộng, dịch vụ xã hội, từ đó giúp người khuyết tật tại Úc có cuộc sống tự tin, cới mở và tự chủ hơn.

Trong khi đó, tại Việt Nam, ngay cả UBND các xã, phường, thị trấn, trường học, bệnh viện... cũng chưa thật sự thân thiện với các hạng mục liên quan đến người khuyết tật. Nhiều nơi chưa có lối đi dành cho xe lăn.

Một số công trình có thiết kế lối đi dành cho xe lăn nhưng độ dốc lại quá lớn, người khuyết tật không sử dụng được, gây lãng phí. Các công trình văn hóa, thể thao cũng chưa quan tâm đến việc tạo điều kiện tiếp cận cho đối tượng người người khuyết tật, khiến họ mất đi cơ hội nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe.

Một người khuyết tật chia sẻ: “Đối với tôi, khó khăn nhất là khi đi khám bệnh tại bệnh viện. Bình thường, tôi đi lại dễ dàng nhưng khi đau ốm thì phải nhờ được người cõng giúp mới có thể đi khám. Vì khám bệnh phải làm nhiều thủ tục khác nhau, phải di chuyển qua nhiều phòng, nhiều tầng và nhiều khu vực, tôi gặp khó khăn khi các lối đi tại bệnh viện chưa thật dễ dàng và phù hợp với người khuyết tật”.

Buổi hội thảo cũng là lễ chính thức công bố cổng thông tin điện tử về thiết kế thân thiện cho người khuyết tật: http://inclusion.vn - một sáng kiến của quỹ Schmitz-Stiftunge (CHLB Đức). Đây là cổng website cung cấp đầy đủ thông tin về thiết kế cho người khuyết tật các giải pháp cụ thể (về đường dốc, hành lang, thang máy, nhà vệ sinh…), các công cụ luật pháp tại Việt Nam giúp cho các kiến trúc sư, kỹ sư có thể dễ dàng tra cứu và áp dụng vào công trình của mình.

Việt Nam đã có quy chuẩn thiết kế bắt buộc cho người khuyết tật QCXDVN 10:2014 - Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng, tuy nhiên qua thực tế các dự án đã triển khai thì chỉ có một phần nhỏ các công trình và chủ đầu tư là tuân thủ theo quy chuẩn này.

Đọc thêm