“Xứ mù” cạnh Thủ đô

(PLO) - “Không có điện, chúng tôi toàn phải sử dụng một chiếc đèn pin nhỏ đeo trên trán giống như thợ mỏ để lấy ánh sáng làm việc, có những hôm không có đèn anh em trong trạm phải thắp nến để cấp cứu trường hợp bị tai nạn...”.
“Xứ mù” cạnh Thủ đô

Đó chỉ là một trong muôn vàn những bất tiện, khó khăn do thiếu điện gây ra trên vùng đất ấy. Lưới điện đã phủ hơn hai thập kỷ, thế nhưng cũng trong chừng đó thời gian, hàng trăm con người vẫn “khát” điện. Họ “khát” điện theo đúng nghĩa đen.

Soi đèn, thắp nến cho bác sỹ… đỡ đẻ

Một ngày trời thu tháng 10, trời mưa rả rích chưa kịp ngớt, chúng tôi xuyên qua con đường nhỏ của huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Vượt qua quãng đường nhầy nhụa, đọng nước lõng bõng, lởm chởm ổ gà, ổ voi chúng tôi đã tìm đến được xã Cao Thắng thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Ông Cao Xuân Ái - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cao Thắng phác họa sơ lược những nét chính của địa phương.

Cao Thắng là một xã mới gồm tập hợp 9 thôn được tách ra từ Kim Bôi (cũ) để quy về Lương Sơn. Từ Cao Thắng rẽ sang địa phận Hà Nội chỉ mất khoảng 10 phút chạy xe máy, thế nhưng muốn đến được trung tâm thành phố Hòa Bình phải vượt tắt quãng đường tính ra cũng ngót nghét tám chục cây số. 
Xã có khoảng 1372 hộ dân, trong đó người Kinh chỉ chiếm 20%. Đa phần dân cư trên địa bàn dựa vào sản xuất nông nghiệp. Dù được chọn làm “xã điểm” của huyện trong việc xây dựng nông thôn mới nhưng tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương vẫn chiếm tới 7,4%.
Nỗi niềm "đói" điện của ông Chủ tịch xã
 Nỗi niềm "đói" điện của ông Chủ tịch xã
Người dân nghèo vì ít đất canh tác đã đành, nhưng theo ông Chủ tịch xã thì một nỗi niềm khó nói đeo đẳng người dân nơi đây suốt hàng chục năm thì còn nhức nhối và đáng quan ngại hơn. Nhìn qua con đường Hồ Chí Minh vắt ngang, cách trụ sở Ủy ban không xa, ông Ái bộc bạch: “100% người dân được sử dụng điện, thế nhưng hệ thống điện lưới ở đây yếu lắm, không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân huống chi nói đến sản xuất. 
Không có điện đã đành, nhưng có điện mà điện yếu quá đến mức thắp một cái bóng đèn con con mà nó chỉ sáng lập lờ, đỏ lòe đỏ loẹt. Những hôm tối trời, cứ nhìn qua con đường trước mặt, bên đó là địa phận Hà Nội rồi, ánh điện cứ gọi là sáng trắng lóa, trông mà sướng, mà phát thèm…”. 
Nhấp ngụm nước trà, ông Ái nói tiếp: “Bên kia họ là Hà Nội, thế nên những hôm trời mưa gió chẳng bao giờ bị cắt điện cả, chứ ở đây khẽ động mưa, động gió là bị cắt điện tối om. Chúng tôi đang trong giai đoạn cắt điện 4 ngày. Nếu xã có việc, chẳng hạn như có hội nghị hoặc họp hành thì buộc phải chạy máy nổ. Mùa hè bị cắt điện thì cái phòng này không thể nào ngồi được, nghỉ luôn khỏi làm việc”.

Việc chia đất, giao rừng, phân cấp lại quyền quản lý đất rừng đang là vấn đề “nóng bỏng” và quan trọng bậc nhất của Cao Thắng. Để hàng chục người dân không phải chờ đợi lâu, chúng tôi rời trụ sở Ủy ban khi câu chuyện với vị lãnh đạo xã chưa đến hồi gãy góc.

Trạm Y tế xã Cao Thắng là nơi phụ trách công tác khám chữa bệnh cho hàng trăm con người trên địa bàn. Thế nhưng tại đây câu chuyện “đói” điện cũng hiển hiện. Những lời bộc bạch chân thực từ những nhân viên y tế khiến người đối diện nghe xong mà cười ra nước mắt.

Về công tác tại Trạm Y tế xã Cao Thắng từ năm 2003, tính đến nay y sỹ Vũ Tấn Hợi đã có thâm niên công tác hơn chục năm. Thế nhưng, điều mà anh Hợi “ngại” nhất trong suốt quãng thời gian ấy là phải trực đêm tại trạm. Túc trực tại trạm xá là công việc thường xuyên mà mỗi nhân viên y tế phải đảm nhiệm. Trung bình mỗi cá nhân sẽ đảm nhận từ 2 đến 3 buổi trực trong một tuần. Sau mỗi ca trực đêm như vậy họ được trả 10 ngàn đồng - số tiền eo hẹp “không đủ để ăn một bát phở” sau một ca đêm cật lực làm việc. 
Thế nhưng, chừng đó vẫn chưa là vẫn đề thực sự đáng ngại. “Điện yếu, chập chờn còn đỡ, còn thắp được cái bóng đèn nhỏ để nhìn lờ mờ chứ nếu trực đúng hôm cả xã bị cắt điện luân phiên thì còn khổ nữa, người bệnh khổ, bác sỹ càng khổ…”, anh Hợi nói, tay không ngừng phe phẩy cuốn sách để lấy gió.

Tuyến đường chạy qua địa phận Cao Thắng bị những xe có tải trọng lớn cày nát tơi tả, trên bề mặt đường có rất nhiều “ao, hồ” ngổn ngang gạch đá, thế nên việc đi lại của người dân khi trời không sáng rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Thực tế đã có nhiều vụ ngã khiến không ít người phải tức tốc dìu cõng nhau vào trạm xá để sơ cứu trong tình trạng gãy tay, sứt đầu…

“Không có điện, chúng tôi toàn phải sử dụng một chiếc đèn pin nhỏ đeo trên trán giống như dân thợ mỏ để lấy ánh sáng làm việc, có những hôm không có đèn anh em trong trạm phải thắp nến để cấp cứu những trường hợp bị tai nạn” - y sỹ Vũ Tấn Hợi kể. 
Theo tìm hiểu của người viết bài, việc điện áp quá yếu lại thường xuyên bị bên Điện lực “cắt” cũng gây nên không ít phiền toái cho cơ sở khám chữa bệnh địa phương. Điển hình như chuyện bảo quản các loại thuốc, vắc-xin tại các ngăn lạnh. Thay vì việc bảo quản bằng cách cắm điện thông thường, để bảo quản thuốc, những nhân viên y tế phải mua đá về để làm lạnh, đảm bảo nhiệt độ lưu giữ thuốc. Không chỉ có vậy, máy vi tính, trang thiết bị chụp chiếu dù đã được trang bị tại trạm nhưng trước sự không ổn định của lưới điện, cũng chỉ đành… xếp xó.

Đường điện to như… ngón tay út

Bá Lam II là một thôn điển hình trong chuyện “đói” điện ở Cao Thắng. Qua người dân địa phương chúng tôi được biết, để có điện sử dụng, Bá Lam II phải đem đấu nhờ một trạm điện của huyện Kim Bôi, hai đường dây tải dòng điện một pha, tiết diện chỉ nhỏ như đầu ngón tay út kéo dài ngót hai kilômét đường. Nó cũng là “huyết mạch” mà 85 hộ dân Bá Lam II bấu víu suốt từ năm 1992.

Vừa chỉ tay lên đường dây tải điện vắt ngang qua nhà, ông Bùi Đức Vịnh - Trưởng thôn Bá Lam II than thở: “Khổ nhất là cái dịp tết nhất, khắp nơi thấy loa đài hát hò chứ ở đây thì chịu. Cứ dăm, bảy nhà  chung nhau một cái máy nổ thì mới có điện mà dùng, không thì phải sử dụng một bộ kích điện chứ không thì chịu”.

Đông người cùng sử dụng chung một đường dây, tải trọng điện không đủ khiến dòng điện chạy qua Bá lam II khi nào cũng lờ đờ như người ốm dở. Người dân nơi đây khẳng định gia đình nào muốn có cơm ăn, phải cắm nồi điện theo một lịch thời gian sáng từ 7h đến 9h và chiều phải bắt đầu vo gạo cắm cơm từ… 14H. “Giờ cao điểm nếu dùng nôi cơm điện, có khi để suốt ba tiếng cơm cũng chẳng thể sôi” - chị Nguyễn thị Bình (SN 1978) người thôn Bá Lam khẳng định.

Ở Bá Lam, máy nổ hay bộ kích điện có giá ngót cả chục triệu đồng là niềm mơ ước mà không phải gia đình nào cũng có được. Với những gia đình không mấy khá giả như chị Nguyễn Thị Bình thì chỉ có “yêu” nến và đèn dầu. Thế nhưng, do có hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, vợ chồng chị đành bấm bụng tích cóp hơn một triệu bạc để sắm một cái ắc quy cũ. 
Ắc quy là "bạn thân" của nhà nghèo
 Ắc quy là "bạn thân" của nhà nghèo
Ắc quy được chị sạc điện đều đặn hơn ba tiếng mỗi ngày để “dự trữ”. Mỗi khi con học, chị Bình đều cặm cụi ngồi đấu điện từ ắc quy, vật “trữ điện” này đủ thắp sáng bóng đèn nhỏ 15 oát và chiếc quạt nhỏ trong hơn hai giờ, chẳng may hết điện những đứa trẻ sẽ tiếp tục học bằng… nến. Học bằng điện ắc quy như vậy, theo một số người dân địa phương đánh giá vẫn còn đảm bảo hơn học trong ánh điện “đỏ lòe đỏ loẹt”.

Xuất phát từ chuyện “đói” điện, theo khẳng định của Trưởng thôn Bùi Đức Vịnh, rất nhiều cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn đã phải dẹp bỏ. Gần đây nhất là một xưởng sản xuất gỗ ngay sát nhà ông Vịnh đã phải ngưng hoạt động do điện quá yếu, không đảm bảo sản xuất. Cũng dễ thông cảm bởi ngay cả các thiết bị điện gia dụng thông thường như quạt điện, nồi cơm điện, loa đài… còn ít được sử dụng, phủ đầy bụi, huống chi việc sản xuất cần điện áp mạnh mới đáp ứng được.

Theo thông tin mới nhất mà người viết bài nhận được từ ông Cao Xuân Ái - Chủ tịch UBND xã Cao Thắng thì sắp tới địa phương sẽ “bắt tay” với chi nhánh điện lực đóng trên địa bàn để xây dựng thêm một trạm biến áp, nâng tải, thay thế đường dây điện một pha nhỏ từ năm 1992 lên đường điện ba pha. 
“Dự án này sắp tới sẽ được bàn giao cho địa phương, điện được đảm bảo, tin chắc đời sống sinh hoạt của người dân sẽ được nâng cao, thúc đẩy sản xuất…” - ông Chủ tịch xã Cao Thắng nhắn nhủ hy vọng.

Đọc thêm